Có cần bắt buộc các mỏ khoáng sản lắp trạm cân và camera giám sát không?

Vấn đề được quan tâm tại phiên chất vấn của HĐND tỉnh Phú Yên là hiện nay nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản không lắp đặt trạm cân và camera giám sát...

Ngày 7/5, HĐND tỉnh Phú Yên mở phiên giải trình công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Vấn đề được quan tâm tại phiên chất vấn này là hiện nay nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản không lắp đặt trạm cân và camera giám sát, mỏ đã hết giấy phép nhưng chủ đầu tư chậm thực hiện quy trình khắc phục môi trường,...

Yêu cầu lắp trạm cân và camera giám sát để xác định sản lượng khoáng sản khai thác

Đại biểu Phan Thị Hà Phước - Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh chất vấn Sở Tài nguyên và Môi trường: Đến nay, có bao nhiêu doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh chưa lắp đặt trạm cân, lắp camera? Giải pháp nào để 100% doanh nghiệp lắp đặt để phục vụ cho công tác quản lý, giám sát?

Trả lời vấn đề trên, ông Nguyễn Thái Hòa - Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết, theo quy định, việc xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế thực hiện trên cơ bản các thông tin số liệu của sổ sách chứng từ, tài liệu quy cá nhân khai khoáng hộ phải lắp cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan.

Đại biểu Phan Thị Hà Phước (trái) và Phó Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Thái Hòa (phải) tại phiên chất vấn sáng 7/5.

Thông tin số liệu sản lượng được tổng hợp, thống kê vận chuyển qua trạm cân và dữ liệu camera giám sát là một trong những cơ sở xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế tại mỏ để doanh nghiệp khai báo sản lượng nộp thuế, phí và xác định sản lượng khoáng sản khai thác trong báo cáo định kỳ hoạt động khoáng sản.

Tuy nhiên, hiện nay pháp luật chưa quy định doanh nghiệp phải kết nối dữ liệu trạm cân và camera giám sát với cơ quan chức năng để theo dõi, quản lý mà bắt buộc lắp đặt để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan để khai báo sản lượng nộp thuế, phí” - ông Hòa nói.

Theo ông Hòa, đến nay, toàn tỉnh có 33 mỏ khoáng sản đã được cấp phép. Trong đó, có 29 mỏ đã lắp đặt trạm cân mà camera giám sát, truyền dữ liệu kết nối về hệ thống lưu trữ giám sát của Sở TN&MT, còn 4 mỏ chưa lắp đặt trạm cân và camera giám sát và kết nối truyền dữ liệu.

"Lắp trạm cân và camera giám sát ở các mỏ vật liệu chưa phải là yếu tố giải quyết triệt để các vấn đề sai phạm mà là phải thường xuyên thanh kiểm tra đột xuất mới có đủ bằng chứng để xử lý" - ông Hòa trả lời.

Xử lý thế nào khi mỏ hết giấy phép, nhưng chủ đầu tư chậm khắc phục môi trường?

Đại biểu Lương Minh Tùng đặt câu hỏi, hiện nay một số mỏ trên địa bàn tỉnh đã hết hạn giấy phép khai thác khoáng sản, nhưng chủ đầu tư chậm thực hiện quy trình, thủ tục khắc phục môi trường, hoàn thổ sau khai thác theo quy định, gây ảnh hưởng đến môi trường và mất an toàn cho người dân quanh khu vực khai thác.

Tổ liên ngành kiểm tra các địa điểm khai thác đá trái phép ở TX Đông Hòa.

Đơn cử như mỏ đá chẻ xã Hòa Xuân Đông và Hòa Xuân Tây, thị xã Đông Hòa do Hợp tác xã khai thác đá chẻ Hòa Xuân khai thác; Mỏ đá chẻ xã Hòa Xuân Đông thị xã Đông Hòa do DNTN Xí nghiệp Xây dựng Hùng Sơn khai thác. Với vai trò là ngành chủ quản về khoáng sản, Sở TN&MT cho biết công tác quản lý môi trường sau khai thác khoáng sản trong thời gian qua đã thực sự được quan tâm đúng mức chưa?

Ông Nguyễn Thái Hòa cho biết, liên quan đến vấn đề trên, Sở TN&MT đã triển khai nhiều văn bản đến các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản để hướng dẫn quy trình, thủ tục thực hiện đóng cửa mỏ sau khi kết thúc thời gian khai thác (giấy phép hết hạn) và đôn đốc, giám sát việc thực hiện của các đơn vị.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một số đơn vị chưa thực hiện hoặc chậm thực hiện việc đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường sau khi giấy phép hết hạn như 2 trường hợp khai thác đá chẻ tại thị xã Đông Hòa.

Đối với 2 mỏ đá này, sau khi giấy phép khai thác hết hạn, Sở TN&MT đã có 3 văn bản hướng dẫn, đôn đốc doanh nghiệp thực hiện việc đóng cửa mỏ; tuy nhiên có nguyên nhân khách quan đối với DNTN Xí nghiệp Xây dựng Hùng Sơn do chủ doanh nghiệp mất, không liên lạc với người có thẩm quyền nên công tác đóng cửa mỏ còn dở dang. Còn HTX khai thác đá chẻ Hòa Xuân do năng lực hạn chế nên chậm thực hiện.

"Thời gian tới, chúng tôi sẽ đôn đốc các doanh nghiệp để thực hiện việc đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường. Nếu trường hợp nào vượt khả năng xử lý, tôi sẽ báo cáo UBND tỉnh xử lý" - ông Hòa nói.

Có cấm bán cát ra ngoài tỉnh?

Theo đại tá Võ Duy Tuấn - Phó Giám đốc Công an tỉnh, nếu mỏ cát được cấp phép dân sinh thì doanh nghiệp có quyền bán ra ngoài tỉnh. Tuy nhiên, nếu mỏ cát được cấp phép phục vụ cho công trình thì chỉ được phục vụ cho công trình đó, không được phép bán ra ngoài tỉnh.

Theo đại tá Tuấn, nếu phát hiện sai phạm trên, công an sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan yêu cầu dừng xe, xử lý thẳng tay.

MINH MINH

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/co-can-bat-buoc-cac-mo-khoang-san-lap-tram-can-va-camera-giam-sat-khong-ar869469.html