Có cán bộ công chức mượn rào cản pháp lý để 'hành' doanh nghiệp

Công chức lấy nhiều lý do thiếu thủ tục, thiếu hồ sơ nhưng ko giải thích cho doanh nghiệp rõ để họ cung cấp đủ…

Sáng 14/9, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Tọa đàm với chủ đề "Đánh giá thực trạng, nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp".

Tham luận tại tọa đàm, đa số đại biểu cho rằng, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn nhiều tồn tại vướng mắc. Bên cạnh vấn đề nhận thức về pháp luật của nhiều chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp còn hạn chế thì thì hệ thống các văn bản pháp luật còn nhiều, chồng chéo.

Trong khi đó, các cơ quan quản lý Nhà nước chưa thực sự quan tâm đến phổ biến, hướng dẫn, tổ chức thi hành pháp luật cho doanh nghiệp. Vì vậy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là tại các địa bàn miền núi, nông thôn, vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận với pháp luật.

Các cơ quan quản lý Nhà nước chưa thực sự quan tâm đến phổ biến, hướng dẫn, tổ chức thi hành pháp luật cho doanh nghiệp.(Ảnh minh họa:KT)

Cùng với đó, nhiều thắc mắc của doanh nghiệp về các quy định của pháp luật chưa được các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm giải đáp kịp thời.

Theo TS. Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) thừa nhận, trong quá trình khảo sát việc thực hiện Nghị định 66 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp bị hành vì các rào cản pháp lý.

Trên thực tế có một số cơ quan, cán bộ công chức Nhà nước đã sử dụng các rào cản pháp lý để “hành” doanh nghiệp. Trong thủ tục hành chính, doanh nghiệp đưa hồ sơ đến, công chức lấy nhiều lý do thiếu thủ tục, thiếu hồ sơ, nhưng ko giải thích cho doanh nghiệp để họ cung cấp đủ.

“Hỗ trợ pháp lý là nhu cầu tất yếu, nhưng cần nghiên cứu hỗ trợ như thế nào. Cần phải khuyến khích các tư nhân, các tổ chức hành nghề Luật sư hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp vì việc này Nhà nước không thể làm thay được”, TS. Nguyễn Thanh Tú đề xuất.

Đồng tình quan điểm này, từ thực tế tại địa phương mình, để làm tốt công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Lý, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Nam Định cho rằng, hằng năm, Chủ tịch UBND tỉnh cần có các cuộc đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, lắng nghe ý kiến doanh nghiệp để điều chỉnh xem cần hỗ trợ pháp lý những nội dung gì và đối tượng cụ thể là ai để tránh dàn trải, lãng phí.

“Việc hỗ trợ không nên tập trung dàn trải vào chủ doanh nghiệp, cán bộ pháp chế hay quản trị doanh nghiệp mà cần tìm đúng đối tượng, tập huấn trúng văn bản nội dung doanh nghiệp cần…việc này nên làm hằng năm, kết hợp với nâng cao trình độ Luật sư”, ông Lý nêu rõ./.

Nguyễn Hiền/VOV-Trung tâm Tin

Nguồn VOV: http://vov.vn/kinh-te/co-can-bo-cong-chuc-muon-rao-can-phap-ly-de-hanh-doanh-nghiep-671221.vov