Có cần thiết phải đưa con đi xét nghiệm sán lợn hàng loạt?

Theo chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, việc người dân Bắc Ninh đưa con đi xét nghiệm sán lợn hàng loạt là không cần thiết.

Cả nhà xếp hàng từ đêm để chờ xét nghiệm sán lợn cho con Sáng sớm 19/3, hàng trăm người dân ở tỉnh Bắc Ninh đã có mặt tại Viện Sốt rét - Côn trùng - Ký sinh trùng Trung ương để chờ lấy số xét nghiệm bệnh sán lợn cho con.

Trong 4 ngày qua, khoảng 3.000 gia đình từ Bắc Ninh ra Hà Nội đưa con đi xét nghiệm sán lợn. Thậm chí, hàng trăm phụ huynh đưa con em đi khám từ 1-2h tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương và Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.

Từ ngày 18/3, Sở Y tế Bắc Ninh đã có quyết định miễn phí xét nghiệm cho học sinh 19 trường mầm non nghi nhiễm sán lợn. Các mẫu máu sẽ được gửi ra 2 viện ở Hà Nội (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới) để xét nghiệm sán lợn. Chi phí xét nghiệm 600.000 đồng đến một triệu đồng sẽ do tỉnh chi trả. Với các cháu nhiễm sán, tỉnh sẽ cấp thuốc điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, người dân vẫn ùn ùn đưa con lên Hà Nội để trực tiếp xét nghiệm bất chấp trời mưa rét và phải tự trả chi phí xét nghiệm.

Trẻ không triệu chứng, xét nghiệm là vô nghĩa

Theo các chuyên gia bệnh truyền nhiễm, việc người dân Bắc Ninh dồn dập đưa con đi lấy máu xét nghiệm sán lợn là không cần thiết. Xét nghiệm máu sàng lọc chỉ phát hiện kháng thể và kháng nguyên của ấu trùng sán lợn trong huyết thanh, với các trẻ khỏe mạnh không triệu chứng là vô nghĩa.

Từ 1-2h, hàng trăm phụ huynh từ Bắc Ninh đã đưa con đến Hà Nội để xét nghiệm sán lợn. Ảnh: Quỳnh Trang.

Từ 1-2h, hàng trăm phụ huynh từ Bắc Ninh đã đưa con đến Hà Nội để xét nghiệm sán lợn. Ảnh: Quỳnh Trang.

Bác sĩ Nguyễn Quang Thiều, Phó viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, cho biết kết quả dương tính chỉ cho thấy trẻ từng nhiễm sán lợn, đang có kháng thể để chống lại ký sinh trùng chứ không khẳng định trẻ đang có sán lợn trong người.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cho biết giun sán có mặt rất nhiều trong môi trường, đất, rau không sạch, phân, nước bọt của động vật. Do đó, vệ sinh ăn uống, vệ sinh môi trường rất quan trọng nhưng khó tránh.

Giun sán có nhóm ký sinh trên người, ký sinh trên động vật khác. Nếu giun sán ký sinh trên người vào cơ thể qua đường tiêu hóa hay qua da, sẽ di chuyển vào ruột nguời để thải ra môi trường nhằm "nhân giống". Giun sán ký sinh trên động vật khác khi đi vào cơ thể người có thể đi “lạc” lên cơ quan khác. Trường hợp gây nguy hiểm khi chúng lên não hoặc vào da, nhưng thường hiếm gặp.

Theo bác sĩ Khanh, đa số giun sán vào cơ thể người sau một thời gian cơ thể sẽ tự thải ra. Trong khi đó, kết quả xét nghiệm vẫn báo dương tính rất lâu. Dù kết quả xét nghiệm dương tính, bên trong cơ thể người lúc đó không có, không còn tiềm ẩn giun sán.

Bên cạnh đó, xét nghiệm giun sán rất dễ cho kết quả nhầm. Nguyên nhân nhiễm giun sán này đã hết nhưng sẽ cho ra kết quả dương tính với loại giun sán khác. Nhiều trường hợp người lớn, trẻ em nhiễm giun sán người nhưng xét nghiệm kết quả có thể báo dương tính với giun sán chó, mèo hoặc sán lợn.

“Trong trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu ký sinh trùng xuất hiện ở da (nổi sần, nổi cục trên da), dấu hiệu ở não như co giật, hôn mê, yếu liệt chi và bác sĩ điều trị nghi ngờ do ký sinh trùng "chạy nhầm đường" mới cho chỉ định xét nghiệm", bác sĩ Trương Hữu Khanh chia sẻ.

Theo GS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, những bệnh nhi dương tính với sán lợn không cấp tính, không ảnh hưởng đến tính mạng.

“Các cháu có thể điều trị trong khoảng 15 ngày là dứt điểm. Đây cũng không phải bệnh nguy hiểm, hoàn toàn chữa được nên người dân không nên quá hoang mang. Điều trị bệnh sán lợn đã có phác đồ của Bộ Y tế, các bậc phụ huynh hãy yên tâm, tin tưởng vào các bác sĩ để điều trị cho con em mình", GS Kính cho hay.

Làm gì khi nghi ngờ trẻ mắc giun sán?

Nếu nghi ngờ ăn phải gì đó mà có thể nhiễm giun sán, bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyến cáo cha mẹ chỉ cần cho trẻ uống thuốc tẩy giun mà không nên quá lo lắng. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WTO), trẻ 1 tuổi có thể uống được loại thuốc này.

Trường hợp nghi trẻ bị nhiễm sán lợn nên cho dùng Prazirentel hoặc Albendazol. Trẻ có thể uống khi đã xét nghiệm hoặc chưa xét nghiệm.

Bác sĩ khuyến cáo người dân cần định kỳ tẩy giun cho trẻ từ 3- 6 tháng một lần. Trẻ từ 1-2 tuổi có thể uống zentel 200 mg. Trẻ trên 2 tuổi cho uống zentel 400 mg.

"Cha mẹ không cần lo lắng thấy nhiều trẻ xét nghiệm kết quả dương tính với giun sán, chỉ cần cho trẻ uống thuốc sổ giun định kỳ và đồng thời sổ giun cho vật nuôi trong nhà (chó, mèo…) để phòng bệnh.Trong quá trình ăn uống, bạn cần nhớ nguyên tắc ăn chín, uống sôi, rửa tay sạch trước khi ăn để phòng ngừa giun sán cho trẻ và các thành viên trong gia đình", bác sĩ Khanh nói.

Hàng trăm học sinh nhiễm sán ở Bắc Ninh được phát hiện thế nào? Chuyện gì đã xảy ra trong một tháng sau khi hình ảnh đầu tiên về bữa ăn với món thịt "đầy những đốm trắng" của học sinh mầm non Thanh Khương (Bắc Ninh) được phát hiện?

Bích Huệ - Tuệ Anh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/co-can-thiet-phai-dua-con-di-xet-nghiem-san-lon-hang-loat-post926907.html