Cơ chế chính sách đối với doanh nghiệp đầu tư trực tiếp ra nước ngoài

Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài được thúc đẩy bởi nhiều động cơ khác nhau và là một trong những nhu cầu cơ bản của nhiều doanh nghiệp trong thời đại hội nhập kinh tế quốc tế. Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài là quyết định của doanh nghiệp nhưng quyết định đó có thể bị tác động, thậm chí bị hạn chế bởi những chính sách quản lý, kiểm soát, điều tiết đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Chính phủ.

Tính đến tháng 9/2017, Việt Nam có 1.279 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký phía Việt Nam đạt 21,4 tỷ USD. Nguồn: Internet

Tính đến tháng 9/2017, Việt Nam có 1.279 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký phía Việt Nam đạt 21,4 tỷ USD. Nguồn: Internet

Từ việc phân tích thực trạng đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam, bài viết bàn thêm về sự cần thiết và định hướng điều chỉnh chính sách của nhà nước đối với đầu tư trực tiếp ra nước ngoài nhằm hướng tới sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp Việt Nam.

Động cơ đầu tư trực tiếp ra nước ngoài

Theo lý thuyết chung về đầu tư trực tiếp nước ngoài, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp (DN) có thể khái quát trong mô hình chiết trung của Dunning. Ba động lực chính trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài của DN là để tìm kiếm thị trường ở nước ngoài; tìm kiếm sự hiệu quả (ví dụ như để giảm thiểu chi phí); tìm kiếm nguồn lực sản xuất như một chiến lược tài sản (Dunning 1977, 1993). Kojima (1975, 1985) xác định tài nguyên, lao động và định hướng thị trường như ba động cơ chính đằng sau quá trình đầu tư quốc tế của một công ty. Nói chung, “hầu hết các lý thuyết đầu tư trực tiếp ra nước ngoài đều cho rằng, các lựa chọn đầu tư ra nước ngoài của một công ty đều là do nỗ lực muốn khai thác lợi thế riêng của công ty đó trên các thị trường nước ngoài” (Han-Sheng Lei, Yung-Shuan Chen, 2011).

Các nghiên cứu thực nghiệm về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài ở một số quốc gia cho thấy, cả các nước phát triển lẫn các nước đang phát triển, đã góp phần củng cố cho những kết luận của dòng lý thuyết đầu tư trực tiếp ra nước ngoài truyền thống, đồng thời có những phát hiện mới về các yếu tố ảnh hưởng, thúc đẩy cũng như những lợi thế của DN khi tiến hành hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Lecraw (1977) và Wells (1983) chỉ ra rằng, các DN ở các nước đang phát triển thường có sức mạnh ở các ngành cạnh tranh về giá thay vì công nghệ tiến tiến hoặc sự khác biệt về sản phẩm.

Thực trạng hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài

Khởi động từ năm 1989 chỉ với 1 dự án có vốn đăng ký là 563.380 USD, sau gần 30 năm, hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các DN Việt Nam đã có những bước chuyển quan trọng, đặc biệt sau “cú huých” của Đề án “Thúc đẩy đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài” được ban hành kèm theo Quyết định số 236/2009/QĐ-TTg ngày 20/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ, hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các DN Việt Nam đã có sự bùng nổ biểu hiện ở sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng dự án và quy mô vốn đầu tư.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến tháng 9/2017, Việt Nam có 1.279 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký phía Việt Nam đạt 21,4 tỷ USD. Trong đó, riêng giai đoạn 2009 - 2017 có 895 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 17,4 tỷ USD, chiếm 69,9% số dự án đầu tư và 81,3% tổng số vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam. Hiện nay, có 6 tập đoàn, tổng công ty, DN Việt Nam có vốn đầu tư ra nước ngoài đăng ký vượt ngưỡng 1 tỷ USD gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Tập đoàn Viettel; Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam; Tổng Công ty Sông Đà, Tập đoàn Hoàng Anh - Gia Lai và Công ty Cổ phần Golf Long Thành.

Hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của DN Việt Nam góp mặt ở 18 lĩnh vực khác nhau, tập trung phần lớn vào những ngành, lĩnh vực như dầu khí; thủy điện, trồng cây công nghiệp, sản xuất, xuất khẩu và tiêu thụ hàng hóa của Việt Nam tại nước ngoài... Về địa bàn đầu tư, các DN Việt Nam đã đầu tư sang 72 quốc gia và vùng lãnh thổ; tập trung phần lớn vào các địa bàn Lào (chiếm 23,3% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài), Campuchia (chiếm 13,4% tổng vốn), Nga (chiếm 13,5% tổng vốn), Venezuela (chiếm 8,5% tổng vốn) Mianma (chiếm 6,5% tổng vốn), còn lại là Peru, Algeria, Malaysia, Hoa Kỳ và Tanzania.

Tổng vốn thực hiện của các dự án đầu tư ra nước ngoài đã báo cáo đạt 7,48 tỷ USD, bằng 35,2% tổng vốn đăng ký từ trước đến nay. Trong đó, lĩnh vực tìm kiếm khai thác dầu khí có số vốn thực hiện lớn nhất đạt 3,246 tỷ USD, chiếm 43,3% tổng vốn thực hiện; Lĩnh vực nông lâm nghiệp đứng thứ hai với 1,3 tỷ USD, chiếm 17,3% tổng vốn thực hiện; tiếp đến là các thông tin và truyền thông (950 triệu USD, chiếm 12,7%), lĩnh vực thủy điện (688 triệu USD, chiếm 9,1%)…

Trong tổng vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư ra nước ngoài, có một phần đáng kể vốn được thực hiện thông qua việc mua sắm, sử dụng hàng hóa, máy móc, thiết bị, dịch vụ từ trong nước.

Số liệu thống kê về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài cho thấy, hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các DN Việt Nam mặc dù còn thấp nhưng đã mang lại những kết quả quan trọng. Đến nay, theo tổng hợp báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, tổng số tiền đã chuyển về nước của các dự án là 1,52 tỷ USD, bằng 20,3% tổng vốn đầu tư đã thực hiện. Điển hình như Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai có 07 dự án đầu tư trong lĩnh vực nông lâm nghiệp tại Lào với tổng vốn đăng ký phía Việt Nam là 362,04 triệu USD, trong đó vốn chuyển ra nước ngoài là 302,51 triệu USD, đạt 83,56% tổng vốn đăng ký. Số lao động đưa sang Lào để thực hiện các dự án là 1.878 người. Một số dự án đầu tư sang Lào được cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài từ năm 2007, 2008 đã thu được lợi nhuận.

Tính đến nay, lợi nhuận các dự án của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai tại Lào đã chuyển về nước lũy kế đạt 55,5 triệu USD; Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel có 11 dự án đầu tư ở Lào, Campuchia, Mozumbique, Timor-Leste, Cameroon, Burundi, Tanzania, Haiti, Peru, Pháp, Hoa Kỳ, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2,5 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 930 triệu USD, lợi nhuận chuyển về nước lỹ kế đến nay khoảng 320 triệu USD; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã thực hiện 31 dự án đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 8,02 tỷ USD, tổng vốn đã chuyển ra nước ngoài là 3,3 tỷ USD và số tiền đã chuyển về Việt Nam lũy kế đến nay là 1,15 tỷ USD.

Hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các DN Việt Nam đã giúp giảm các khoản chi phí cho vận chuyển, bảo quản, bảo hiểm, bên cạnh đó DN còn có thể tận dụng được những ưu đãi của nước nhận đầu tư, qua đó, giúp DN mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nước ngoài và tránh những hàng rào bảo hộ thương mại của nước nhận đầu tư.

Bên cạnh những tác động tích cực, hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các DN Việt Nam hiện tại còn tồn tại một số vấn đề sau:

Thứ nhất, một số dự án đầu tư chưa đáp ứng được tiến độ cam kết. Điển hình như một số dự án đầu tư quan trọng, quy mô lớn trong lĩnh vực thủy điện, khoáng sản chậm được triển khai hoặc thời hạn thực hiện dự án kéo dài hơn so với dự kiến làm ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư, giảm hiệu quả đầu tư. Một số dự án chưa tính hết được các yếu tố rủi ro cả về quy mô vốn, thị trường cũng như các điều kiện về thủ tục pháp lý, rào cản về ngôn ngữ, văn hóa... nên khi thực hiện gặp khó khăn, gây chậm trễ trong triển khai.

Thứ hai, hiệu quả vốn đầu tư hiện tại chưa cao. Mặc dù, tốc độ chuyển vốn ra nước ngoài năm sau cao hơn năm trước, song tỷ suất lợi nhuận (so sánh lợi nhuận chuyển về nước lũy kế với số vốn thực hiện) chưa cao (khoảng 20,2%). Tình trạng này cho thấy, về ngắn hạn tạo nên sự mất cân đối giữa dòng tiền đầu tư và dòng tiền chuyển về nước của các dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.

Bên cạnh đó, cơ cấu vốn đầu tư cũng chưa hợp lý. Hầu hết các dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các DN quy mô lớn đều mang tính dài hạn, tập trung vào các lĩnh vực có thời gian thu hồi vốn dài, hiệu quả đầu tư cũng chưa được lượng hóa cụ thể, trong thực tế, các dự án này chiếm khoảng 80-85% vốn đầu tư đã chuyển ra nước ngoài.

Thứ ba, các DN Việt Nam thực hiện đầu tư trực tiếp ra nước ngoài thường hoạt động riêng lẻ, manh mún tại các nước, thậm chí còn cạnh tranh với nhau, chưa có sự liên kết để tăng tiếng nói đối với cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại.

Thứ tư, phần lớn các dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các DN quy mô lớn là các dự án có sử dụng vốn của Nhà nước do các tập đoàn, công ty nhà nước làm chủ đầu tư, trong khi hành lang pháp lý cho các dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các DN có sử dụng vốn nhà nước chưa được quy định đầy đủ, chặt chẽ và chưa minh bạch, do vậy, chưa bảo đảm cho việc quản lý có hiệu quả nguồn vốn nhà nước. Điều này dễ dẫn đến nguy cơ sử dụng vốn không hiệu quả, thất thoát nguồn vốn đầu tư của Nhà nước.

Thứ năm, bên cạnh hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các DN nhằm mục tiêu kinh doanh, tạo thêm nguồn ngoại tệ, cũng như các nguồn lực khác để phát triển đất nước, hiện có xu hướng đầu tư mang tính mua sắm tài sản cố định như nhà, đất và các tài sản khác có giá trị tại nước ngoài để phục vụ cho mục tiêu định cư, học tập hoặc sinh sống lâu dài tại nước ngoài. Đây là hoạt động chi tiêu mà Việt Nam chưa khuyến khích, nhằm hạn chế dòng tiền chảy ra ngoài trong điều kiện Việt Nam đang cần vốn, ngoại tệ phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế đất nước.

Thứ sáu, hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các DN còn có thể ảnh hưởng đến cán cân thanh toán quốc tế. Thực tế, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các DN đang tăng cao trong thời gian qua và dự báo sẽ tiếp tục tăng. Điều này ảnh hưởng nhất định đến nguồn vốn đầu tư trong nước, cũng như tạo thêm gánh nặng cho cán cân thanh toán của Việt Nam.

Thứ bảy, DN Việt Nam tiến hành đầu tư trực tiếp ra nước ngoài còn có những khó khăn nhất định. Nguyễn Thị Nhung (2017) đã khảo sát các DN Việt Nam tiến hành đầu tư trực tiếp ra nước ngoài và đã đưa ra kết luận, có đến 40% số DN cho rằng, vốn là vướng mắc lớn nhất, sau đó đến “Thiếu các chính sách hỗ trợ” chiếm 22,9%; “Trình độ quản lý hạn chế” chiếm 15,7%; “Công nghệ hạn chế” chiếm 12,9% và cuối cùng là “Trình độ lao động hạn chế” chiếm 7,9%”. Về rào cản khi đầu tư ra nước ngoài, nhiều DN cho rằng, thiếu chính sách hỗ trợ từ phía nhà nước là rào cản lớn nhất (chiếm 41,4%); sau đó đến “Cơ chế chính sách của Việt Nam” (chiếm 27,9%); “Hiểu biết pháp luật, tôn giáo, tín ngưỡng nước sở tại”, chiếm 10,7%; “Xuất nhập khẩu máy móc thiết bị phục vụ dự án” chiếm 7,9%; “Tuyển lao động” chiếm 7,1%; “Đăng ký tạm trú cho lao động Việt Nam tại nước ngoài” chiếm 4,3%. Về nhu cầu các dịch vụ khi thực hiện đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, đối với các dịch vụ như “xúc tiến đầu tư”, “tư vấn pháp lý” và “dịch vụ thanh toán” thì nhu cầu từ phía cơ quan nhà nước Việt Nam hỗ trợ là khá lớn.

Tóm lại, hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các DN Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế ở tất cả các khâu, từ định hướng chiến lược, hoạch định chính sách, đến triển khai thực hiện và tác động đến hiệu quả đầu tư và hoạt động quản lý của Nhà nước về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.

Điều chỉnh chính sách, hướng tới sự phát triển bền vững

Hiện nay, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, thể hiện ở việc tham gia hầu hết các định chế kinh tế - tài chính của thế giới với phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết được cho là cao nhất từ trước tới nay. Điều này không chỉ tạo cơ hội mở rộng xuất khẩu hàng hóa, thu hút đầu tư trực tiếp ra nước ngoài vào Việt Nam mà còn tạo không gian đầu tư, kinh doanh cho DN Việt Nam ở nước ngoài. Do vậy, chính sách của Nhà nước cần ưu tiên và khuyến khích nhà đầu tư là các DN ngoài nhà nước thực hiện hoạt động đầu tư vào những ngành, lĩnh vực, với quy mô phù hợp với khả năng của DN các DN nhà nước cũng cần tổ chức thực hiện cơ cấu lại hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả cao và ưu tiên bảo đảm đa mục tiêu (bao gồm cả kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng…). Cụ thể:

- Về địa bàn ưu tiên và khuyến khích đầu tư trực tiếp ra nước ngoài: Duy trì và phát huy thế mạnh của nhà đầu tư Việt Nam đầu tư vào các địa bàn truyền thống như: Lào, Campuchia, Myanmar, Nga. Ưu tiên và có biện pháp hỗ trợ hoạt động đầu tư vào một số địa bàn mang tính chiến lược, nhất là các địa bàn liên quan đến an ninh, quốc phòng.

Tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư Việt Nam đầu tư vào các quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam đã ký kết các hiệp định (Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định thương mại tự do song phương hoặc các Hiệp định thương mại tự do đa phương mà Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ đều là thành viên).

- Về lĩnh vực đầu tư: Khuyến khích và hỗ trợ các dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài có sản phẩm là hàng hóa, nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam theo từng thời kỳ cụ thể. Đồng thời, có chính sách ưu tiên các hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài có gắn với mở rộng sản xuất, xuất khẩu hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam và sử dụng lao động Việt Nam; Tạo điều kiện thuận lợi để một số ngành, lĩnh vực có tính chất cầu nối như hàng không, ngân hàng, viễn thông, công nghệ thông tin, khách sạn, du lịch, trung tâm thương mại... thu hút đầu tư.

- Thúc đẩy hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các DN Việt Nam: Cần thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Hình thành được hệ thống các công cụ hỗ trợ các DN thực hiện đầu tư trực tiếp ra nước ngoài; Xúc tiến tìm kiếm trị trường, hỗ trợ tài chính để triển khai các dự án đầu tư và hỗ trợ bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư thông qua quan hệ cấp Chính phủ và các hiệp định song phương, đa phương đã ký kết với các quốc gia trên khắp thế giới.

- Về các giải pháp hỗ trợ: Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, chính sách về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài nhằm tạo điều kiện thuận lợi và định hướng cho các nhà đầu tư Việt Nam đầu tư ra nước ngoài an toàn và hiệu quả. Cùng với đó, thực hiện công khai, minh bạch về thủ tục hành chính về đầu tư ra nước ngoài; Đơn giản hóa hồ sơ và các giấy tờ liên quan, rút ngắn thời gian, giảm chi phí xã hội cho nhà đầu tư; Hình thành đồng bộ các công cụ, biện pháp hỗ trợ hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Trong đó, đặc biệt chú trọng chính sách hỗ trợ về tài chính, tín dụng đối với hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài đối với một số dự án thuộc lĩnh vực, địa bàn khuyến khích đầu tư trực tiếp ra nước ngoài theo pháp luật Việt Nam và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

- Về các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài: Hướng tới thay thế hình thức quản lý nhà nước về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài từ biện pháp hành chính (như cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài, thẩm tra, thẩm định cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài…) sang phương thức quản lý nhà nước về đầu tư ra nước ngoài theo cơ chế thị trường như thông qua chính sách về ngoại hối (quản lý dòng tiền) và chính sách tiền tệ, tài khóa (lãi suất, chính sách đồng tiền yếu, đồng tiền mạnh, chính sách ưu đãi về thuế…).

Bên cạnh đó, cần thực hiện đa dạng hóa công cụ quản lý nhà nước về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài theo hướng giảm dần chế độ kiểm soát bằng hình thức báo cáo giấy. Theo đó, đẩy nhanh việc xây dựng và vận hành Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư ra nước ngoài để thuận tiện cho việc báo cáo của nhà đầu tư; đồng thời, thông tin được thông suốt giữa các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư ra nước ngoài.

Đồng thời, cần xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, vai trò của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài; Cải cách thủ tục hành chính đối với đầu tư trực tiếp ra nước ngoài theo hướng đơn giản thuận tiện, từng bước phân cấp quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài, tiến tới bỏ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài; tăng quyền chủ động và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật của nhà đầu tư.

Tài liệu tham khảo:

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2015), Báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Đề án “Thúc đẩy đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài”;Đề án “Thúc đẩy đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài", ban hành kèm theo Quyết định số 236/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 20/02/2009;Dunning, J.H. (1977), Trade location of economic activity and the MNE: A search of an eclectic approach”, in B. Ohlin, P.O. Hesselborn and P.J. Wijkman (eds.), The International Allocation of Economic Activity. Macmillan, London;Dunning, J.H. (1993), The Globalization of Business, Routledge, London.

NCS. Trần Hoài Nam - Đại học Kinh tế Quốc dân

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/co-che-chinh-sach-doi-voi-doanh-nghiep%C2%A0dau-tu-truc-tiep-ra-nuoc-ngoai-301354.html