Cơ chế, chính sách phải đặc thù, vượt trội, đột phá, có tính lan tỏa

Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết theo hướng bảo đảm có các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, đột phá, có tính lan tỏa, không đưa vào Nghị quyết những chính sách có trong các luật khác hoặc không thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu

Chính thức thực hiện mô hình chính quyền đô thị

Đánh giá việc xây dựng dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 119/2020/QH14 ngày 19.6.2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng là rất cần thiết, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, các cơ chế, chính sách không phải chỉ riêng cho Đà Nẵng, mà còn tạo điều kiện cho thành phố phát huy vai trò là đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, dự thảo Nghị quyết đang đề xuất, tiếp tục thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị đến hết ngày 31.6.2026; từ 1.7.2026 chấm dứt thí điểm mô hình chính quyền đô thị chuyển sang thực hiện chính thức. Tuy nhiên, theo Kết luận số 79-KL/TW ngày 13.5.2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 43 -NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có nêu: “nghiên cứu áp dụng chính thức và hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị phù hợp”. Đồng thời, giao Ban cán sự Đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo trình cấp có thẩm quyền ban hành tổ chức thực hiện việc áp dụng chính thức mô hình chính quyền đô thị; giao Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo rà soát sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 119/2020/QH14 theo hướng thực hiện chính thức mô hình chính quyền đô thị.

Dẫn nội dung Kết luận 79-KL/TW, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, việc thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị đến hết ngày 31.6.2026 như dự thảo Nghị quyết đã phù hợp với nội dung Kết luận 79 - KL/TW hay chưa? Nếu tiếp tục thực hiện thí điểm, đồng nghĩa sẽ kết thúc thí điểm vào ngày 31.6.2026 - chúng ta phải có tổng kết, đánh giá việc thực hiện thí điểm có phù hợp hay không, để chuyển sang thực hiện chính thức?

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu

Trong khi đó, qua sơ kết 3 năm thực hiện mô hình thí điểm chính quyền đô thị tại TP. Đà Nẵng, Chính phủ đã có Báo cáo chính thức trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Sáu đánh giá mô hình này là phù hợp, phát huy hiệu quả, hiệu lực trên thực tế, đóng góp tích cực vào sự phát triển của thành phố. Nhấn mạnh kết quả này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu vấn đề, Chính phủ có kết luận như vậy, thì vì sao không đề xuất chuyển sang chính thức thực hiện mô hình chính quyền đô thị?

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị, chấm dứt thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị kể từ khi Nghị quyết mới của Quốc hội được thông qua và có hiệu lực.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, ngay từ tên dự thảo Nghị quyết cần được sửa theo đúng Kết luận của Bộ Chính trị, đó là: “Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng”. Theo đúng tên gọi này, thì cần thực hiện ngay việc tổ chức chính quyền đô thị, tức là chuyển sang chính thức luôn, không tiếp tục thực hiện thí điểm và thí điểm một số cơ chế, chính sách mới, trong đó có sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 119/2020/QH14.

Phân cấp về thẩm quyền phải gắn với phân cấp về trình tự, thủ tục

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng lưu ý, để dự thảo Nghị quyết thực sự khả thi, cần có quy định chuyển tiếp đối với những nội dung đang thực hiện theo Nghị quyết 119/2020/QH14. Nội dung nào kết thúc, nội dung nào chính sách thay đổi cần được làm rõ.

Lưu ý, dự thảo Nghị quyết phân cấp cho Đà Nẵng rất nhiều quyền hạn, nhưng nếu việc phân cấp không được rà soát kỹ lưỡng, kèm theo các thủ tục, điều kiện thì không thể làm được, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị phân cấp về thẩm quyền phải gắn với phân cấp về trình tự, thủ tục.

Dẫn ví dụ thực tế từ “phân cấp việc nuôi trồng thủy sản ngoài 6 hải lý giao cho UBND tỉnh quyết, nhưng theo thủ tục trong Nghị định của Chính phủ, thì ngoài 6 hải lý phải do bộ thực hiện - nghĩa là địa phương không quyết được, vì không có thủ tục”, Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, rất cần thiết bảo đảm nội dung phân cấp, ủy quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phù hợp với nội dung phân cấp về thẩm quyền trong Nghị quyết của Quốc hội, để Nghị quyết đi vào cuộc sống.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu

Dự thảo Nghị quyết cũng bổ sung thẩm quyền của HĐND TP. Đà Nẵng quyết định số lượng cán bộ, công chức làm việc tại phường, xã. Trong Tờ trình của Chính phủ có nêu, số lượng cán bộ, công chức làm việc ở phường, xã bảo đảm theo quy định của Nghị định số 33/2023/NĐ - CP của Chính phủ về cán bộ, công chức cấp xã. Như vậy, quy định này không phải là chính sách mới. Chỉ rõ điều này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu vấn đề, trong Nghị định 33/2023/NĐ - CP giao quyền cho UBND thành phố, chứ không phải HĐND thành phố. Nếu quy định theo trần và các tiêu chí của Nghị định 33/2023/NĐ - CP là thực hiện theo pháp luật hiện hành, chứ không có gì đặc thù.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị, phải làm rõ quy định đặc thù ở đây là gì? Nếu có quy định đặc thù thì phải giao quyền chủ động hơn cho HĐND TP. Đà Nẵng, cụ thể là phải căn cứ quy mô dân số, hoạt động kinh tế, đặc điểm địa bàn để quyết định cơ cấu, số lượng cán bộ công chức tại xã, phường như tinh thần Nghị quyết số 98/2023/QH15 với TP. Hồ Chí Minh.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, thể chế đầy đủ chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số43-NQ/TW ngày 24.1.2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, bảo đảm có các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, đột phá, có tính lan tỏa, đồng thời khắc phục hạn chế, vướng mắc khi thực hiện Nghị quyết 119/2020/QH14, không đưa vào Nghị quyết những chính sách có trong các luật khác hoặc không thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Đối với các chính sách thực sự cần thiết, chưa phù hợp với chủ trương của Đảng phải xin ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền, lưu ý rà soát, đối chiếu với Nghị quyết 27 - NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, các quy định về tiền lương, thu nhập tăng thêm; Nghị quyết 18 - NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đối với các quy định có liên quan đến tổ chức bộ máy và biên chế.

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần rà soát để đánh giá tác động đầy đủ, đặc biệt là chính sách mới; từng chính sách phải có điều kiện để thực hiện, gắn trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, không hợp thức hóa các sai phạm, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, bảo đảm lợi ích chính đáng của người dân, hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư.

Anh Thảo

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/co-che-chinh-sach-phai-dac-thu-vuot-troi-dot-pha-co-tinh-lan-toa-i371773/