Cơ chế đặc thù về văn hóa, giáo dục, quy hoạch, xây dựng

Việc phát triển văn hóa, xây dựng thủ đô thanh lịch, văn minh, đời sống văn hóa, tinh thần phong phú, các di sản văn hóa - lịch sử được quan tâm bảo tồn, tôn tạo mà mối quan tâm chung của các nước đối với thủ đô. Do vậy các nước thường có chính sách đặc thù để quan tâm phát triển lĩnh vực này.

Văn hóa, giáo dục

Luật Thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều quy định cụ thể thẩm quyền của chính quyền Thủ đô trong từng lĩnh vực cụ thể, ví dụ:

Về văn hóa, giáo dục, y tế: xây dựng các công trình và phương tiện phục vụ cho các dịch vụ y tế, giáo dục và văn hóa trong trường hợp cần thiết; hỗ trợ trang thiết bị theo yêu cầu và tiến hành bảo trì và sửa chữa các công trình và phương tiện của các cơ sở và tổ chức liên quan đến các dịch vụ nêu trên; bảo đảm việc bảo vệ chức năng của các địa điểm có tầm quan trọng về mặt văn hóa và tự nhiên mang tính lịch sử; thực hiện việc bảo trì và sửa chữa vì mục đích này, xây dựng lại các địa điểm mà không thể khôi phục lại nguyên trạng.

Về thể thao, giải trí: xây dựng, giao xây dựng, vận hành hoặc giao vận hành các khu vực phục vụ hoạt động xã hội, công viên, vườn thú, khu nhà nuôi động vật, viện bảo tàng, thể thảo, giải trí… cho cả thủ đô; trong trường hợp cần thiết, giao trang thiết bị và có hỗ trợ cần thiết cho các câu lạc bộ thể thao nghiệp dư; tổ chức các cuộc thi đấu thể thao giữa các đội thể thao nghiệp dự, trao giải thưởng cho vận động viên có thành tích thi đấu trong khu vực và bên ngoài hoặc tổ chức cuộc thi đấu theo quyết định của hội đồng.

Hệ thống giao thông của Thủ đô Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ. Nguồn: Architeture and Design

Quy hoạch, xây dựng

Kazkhastan có một điều quy định riêng về các hoạt động kiến trúc, xây dựng, phát triển Thủ đô. Theo đó, để bảo đảm thực hiện các hoạt động trên, Luật Thủ đô Cộng hòa Kazkhastan quy định Tổng thống thành lập Hội đồng Kiến trúc sư trưởng nhằm tăng cường sự phối hợp trong hoạt động thực hiện quy hoạch chung về xây dựng, kiến thiết Thủ đô. Hội đồng Kiến trúc sư trưởng do Tổng thống Cộng hòa Kazakhstan thành lập, là cơ quan tham mưu bao gồm một số thành viên của Chính phủ, của Ủy ban Hành chính thành phố Astana; các kiến trúc sư trong nước và quốc tế. Hội đồng có chức năng, nhiệm vụ sau đây: xem xét các dự án xây dựng trên địa bàn thành phố và vùng ngoại vi; xem xét và kiến nghị về vấn đề phối cảnh nghệ thuật trang trí thủ đô; thực hiện những nhiệm vụ khác thuộc về lĩnh vực kiến trúc, xây dựng. Định kỳ các cuộc họp của Hội đồng Kiến trúc sư thành phố do Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố quy định.

Thủ đô Bắc Kinh: để bảo đảm phát triển thủ đô theo đúng quy hoạch, Chính phủ và Hội đồng thành phố đã ban hành khoảng 20 quy chế về từng lĩnh vực cụ thể như Quy chế quản lý đường đô thị, Quy chế về quy hoạch đô thị, Quy chế về phát triển cây xanh trong thành phố...

Belarus chỉ có quy định chung về việc thực hiện chính sách thống nhất trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng; tiện nghi, tính hợp lý của mỗi công trình; cải tạo, sửa chữa nhà ở và các công trình khác thuộc quỹ nhà công cộng. Đồng thời, Quy chế trao cho Ủy ban quận một số quyền trong lĩnh vực thiết kế; khai thác, sử dụng công trình xây dựng; tiến hành việc kiểm tra, giám sát cấp dưới trong quá trình thực hiện quyền hạn nêu trên.

Tương tự như Belarus, Nga chỉ quy định chung về việc quản lý, phát triển và sử dụng quỹ nhà ở và diện tích lưu không; hệ thống kỹ thuật công cộng cung ứng điện, ga, khí đốt; quản lý và sử dụng nguồn nước, lòng đất phục vụ cho việc xây dựng các công trình ngầm trong lòng thành phố; xây dựng và quan lý các khu vui chơi, giải trí, bảo vệ thiên nhiên; kiểm tra việc sử dụng quỹ đất của thành phố.

Điều 7 Luật Thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều quy định liên quan đến hoạch định chiến lược, chính sách chung cho đến những vấn đề cụ thể trong lĩnh vực quy hoạch, phát triển Thủ đô như: xây dựng kết hoạch chiến lược, mục tiêu hàng năm, chương trình đầu tư và ngân sách của đô thị phù hợp với những mục tiêu, chiến lược và chương trình đó đên việc xây dựng, phê duyệt hoặc giao xây dựng quy hoạch đất đai, cấp phép quy hoạch, kế hoạch phân vùng; cấp phép và giám sát các địa điểm kinh doanh được xây dựng và hoạt động trên địa bàn thủ đô và những địa điểm được hoạt động trên địa bàn thuộc trách nhiệm của thủ đô; thực hiện hoặc giao thực hiện và áp dụng kế hoạch tổng thể về giao thông đô thị; xây dựng và thực hiện bảo trì, sửa chữa hoặc giao xây dựng các quảng trường, đại lộ, tuyến đường lớn và đường chính thuộc thẩm quyền của thủ đô; xây dựng hệ thống thông tin địa lý và đô thị ...

Trong Quy hoạch đô thị Tokyo 2016, Thủ đô của nước Nhật hướng tới “phát triển thành một thành phố tiên tiến về môi trường với sự hấp dẫn và sức sống để trở thành hình mẫu cho thế giới”. Với mục tiêu đó, Vùng Thủ đô Tokyo hướng tới xây dựng mô hình “đô thị tuần hoàn” trong đó thủ đô và các tỉnh, thành phố lân cận sẽ cùng thực hiện các chức năng về kinh tế cũng như xã hội, xây dựng các tổ hợp đa chức năng nhỏ gọn quanh khu vực các nhà ga cũng như các địa điểm trung tâm khác trong thành phố. Chính quyền Tokyo đã chỉ ra các biện pháp phải được thực hiện như bảo trì và phát triển sức sống đô thị, hiện thực hóa một thành phố phát triển hài hòa, bền vững song song với bảo tồn môi trường. Chính quyền đã công bố các cơ chế và kế hoạch quy hoạch đô thị được xây dựng dựa trên Quy hoạch đô thị.

__________

Nội dung này được hoàn thành dựa trên tài liệu của Bộ Tư pháp

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nghi-vien-the-gioi-viet-nam-va-the-gioi/-co-che-dac-thu-ve-van-hoa-giao-duc-quy-hoach-xay-dung-i350609/