Cơ chế giải quyết tranh chấp – Kẽ hở của NAFTA phiên bản mới

Tái đàm phán NAFTA là cơ hội để sửa chữa những vấn đề trong cơ chế giải quyết tranh chấp, song các nhà đàm phán đã bỏ qua cơ hội đó, khiến Hiệp định mới USMCA còn thiếu sót và tồn tại kẽ hở cơ bản.

Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer tại vòng 7 tái đàm phán NAFTA. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trang mạng của tờ báo điện tử The Hill mới đây đăng bài viết phân tích về Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) phiên bản mới, nay có tên gọi Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), của tác giả Simon Lester, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách thương mại Viện Cato.

Theo bài viết, không giống như luật lệ quốc tế, các thỏa thuận thương mại thường có một cơ chế thực thi hiệu quả. Khi một chính phủ tin rằng đối tác của mình không tuân thủ thỏa thuận, họ có thể gửi đơn khiếu nại tới ủy ban đặc biệt và những yêu cầu của họ sẽ được giải quyết.

Ban đầu, cơ chế giải quyết tranh chấp NAFTA phát huy khá tốt. Kể từ năm 1995 cho tới giữa năm 2000, có 18 đơn khiếu nại đã được đệ trình và các ủy ban giải quyết tranh chấp đã ra phán quyết đối với 3 khiếu nại đó.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2000, một đơn khiếu nại do phía Mexico đệ trình nhằm phản đối quy định hạn chế nhập khẩu đường của Mỹ đã bị phía Washington chặn lại. Kể từ đó, những khiếu nại trong NAFTA đã sụt giảm đáng kể. Từ năm 2001 cho đến nay, chỉ có 4 khiếu nại xuất hiện và chẳng có khiếu nại nào trong đó được chuyển tới ủy ban giải quyết tranh chấp.

Tìm ra nguyên nhân và hệ quả không phải là chuyện dễ và cũng có thể sự sụt giảm đơn khiếu nại trong nội bộ NAFTA không liên quan tới việc ngăn chặn quy trình chỉ định ủy ban khiếu nại. Có thể bản thân các chính phủ trong NAFTA đơn giản là không có nhiều lời phàn nàn về hành vi của các thành viên khác trong giai đoạn sau này.

Tuy nhiên, mối liên hệ này là rất đáng chú ý, và nếu quy trình giải quyết tranh chấp trên thực tế không hoạt động, thì rõ ràng giá trị của NAFTA đã bị suy giảm nghiêm trọng.

Quy trình để ủy ban giải quyết tranh chấp xem xét khiếu nại là rất quan trọng vì những bất đồng liên quan tới thương mại thường rất phức tạp và (hai bên) sẽ được hưởng lợi lớn từ sự phân xử trung lập. Hầu hết các tranh chấp không đơn giản chỉ là những vấn đề như liệu một chính phủ đang áp hàng rào thuế quan 10% hay 20% có phù hợp hay không.

Thay vào đó, ban trọng tài có xu hướng tìm hiểu chi tiết về các luật lệ và quy định trong nước, và việc ứng dụng các quy tắc thương mại phức tạp, hay những ngoại lệ để đưa ra quyết định liệu các biện pháp bảo hộ trong nước có tuân thủ nghĩa vụ thỏa thuận thương mại hay không.

NAFTA là một trong những thỏa thuận thương mại song phương hay khu vực đầu tiên vượt ngoài những nguyên tắc đa phương của WTO. Đó là một thử nghiệm theo nhiều cách, và chưa rõ có bao nhiêu quy định được thực thi trên thực tế.

Các quy định giải quyết tranh chấp cũng không phải ngoại lệ. Những nhà soạn thảo quy định có thể cho rằng họ đã đảm bảo các ủy ban giải quyết tranh chấp sẽ được chỉ định khi cần thiết. Tuy nhiên, sau sự cố ủy ban giải quyết tranh chấp giữa Mỹ và Mexico nói trên bị ngăn chặn, mọi người đều nhìn ra điều ngược lại so với quy định.

Tái đàm phán NAFTA là cơ hội để sửa chữa kẽ hở trong văn bản gốc của NAFTA. Trong nhiều năm qua, nhiều thỏa thuận thương mại mới đã điều chỉnh các quy trình giải quyết tranh chấp thương mại, trong nỗ lực giải quyết triệt để vấn đề này.

Thật không may, USMCA vẫn chưa có tiến triển nào trong giải quyết những vấn đề này. Dù nó đã “hiện đại hóa” các quy định theo nhiều cách, cơ chế giải quyết tranh chấp đơn giải vẫn tồn tại cùng với những kẽ hở của NAFTA gốc.

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã bày tỏ mong muốn biến các thỏa thuận thương mại trở nên ít mang tính thực thi hơn so với những gì hiện nay, và vì thế không ngạc nhiên khi Mỹ sẽ bỏ qua vấn đề này.

Trong khi Mexico và Canada quan tâm tới việc đảm bảo NAFTA có thể thực sự được thực thi trong bối cảnh Mỹ theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ thương mại, họ có thể cảm thấy áp lực để hoàn tất thỏa thuận và xóa bỏ rủi ro Tổng thống Donald Trump sẽ rút khỏi NAFTA.

Vượt ngoài khuôn khổ NAFTA và cân nhắc về thỏa thuận thương mại với các quốc gia khác, một câu hỏi lớn hơn đặt ra với Quốc hội Mỹ là liệu họ có muốn các thỏa thuận thương mại này có tính thực thi hay không. Chính quyền Trump dường như muốn giữ cơ chế thực thi này yếu. Tuy nhiên, nếu Quốc hội Mỹ muốn các đối tác thương mại coi trọng những cam kết mà họ đưa ra, cơ chế thực thi là rất quan trọng.

NAFTA mới tồn tại kẽ hở trong vấn đề này. Trong khi Quốc hội Mỹ có thể vui vẻ với việc Tổng thống Trump vẫn chưa từ bỏ NAFTA, Mỹ sẽ phải đảm bảo các thỏa thuận thương mại có một cơ chế thực thi một cách thích hợp trong tương lai./.

TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/co-che-giai-quyet-tranh-chap-ke-ho-cua-nafta-phien-ban-moi/98272.html