Cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước chưa thực sự đủ mạnh và hiệu quả

Ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh điều này khi đề cập yêu cầu về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị.

Sáng nay (23/6), tại TP.HCM, Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Hội đồng lý luận Trung ương và Thành ủy TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị- Những vấn đề lý luận và thực tiễn” tại khu vực miền Nam.

Chủ trì hội thảo gồm: Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM.

Toàn cảnh hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo.

Hội thảo nhằm đánh giá những thành tựu, hạn chế, phân tích nguyên nhân và rút ra một số bài học kinh nghiệm, những vấn đề đặt ra qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15 ngày 30/7/2007 của Ban Chấp hành Trung Đảng khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Xuân Thắng đánh giá, trong những nhiệm kỳ gần đây, cùng với việc đẩy mạnh nhiệm vụ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, gắn xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị một cách đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa; vai trò và hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của Đảng đối với các cấu trúc, tổ chức trong hệ thống chính trị đã không ngừng được nâng cao, nhất là đối với Nhà nước; đồng thời phát huy mạnh mẽ dân chủ, từng bước nâng cao tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị- xã hội và quyền làm chủ của nhân dân.

Ông Nguyễn Xuân Thắng phát biểu khai mạc.

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu to lớn, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị nhìn chung vẫn còn nhiều bất cập, có mặt còn lúng túng. Việc lãnh đạo, chỉ đạo ban hành và tổ chức thực hiện một số nghị quyết hiệu quả còn thấp. Việc thể chế hóa, cụ thể hóa một số chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng thành pháp luật của Nhà nước chưa đầy đủ, đồng bộ và kịp thời. Cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước chưa thực sự đủ mạnh và hiệu quả. Tình trạng bao biện, làm thay hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng vẫn còn xảy ra ở một số nơi.

Quan hệ giữa chức năng lãnh đạo của Đảng, chức năng quản lý của Nhà nước, vai trò của các tổ chức chính trị- xã hội còn chồng chéo. Chế độ trách nhiệm trong một số mô hình tổ chức đảng trong cơ quan nhà nước cũng chưa phân định thật rõ ràng. Vai trò của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội trong thực hiện chức năng tham gia quản lý, giám sát còn hạn chế, bất cập…

Ông Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các đại biểu thảo luận rõ, làm sâu sắc hơn một số vấn đề mới, một số vấn đề còn đang có ý kiến khác nhau, có tính thời sự nổi bật như: Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng; Đổi mới công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động của Đảng đối với tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị và xã hội; Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ và phương thức xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng; Tiếp tục đổi mới việc phát huy vai trò của tổ chức đảng, đảng viên hoạt động trong hệ thống chính trị, nhất là các cơ quan nhà nước; Đổi mới, tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng, đảng viên; Tăng cường xây dựng Đảng về đạo đức, phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên và tiếp tục đổi mới, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

"Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị là một nhiệm vụ hệ trọng của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, liên quan đến nhiều vấn đề mới và khó. Đối với những vấn đề đã chín, đã rõ đã được thực tiễn chứng minh là đúng, cần có kết luận cụ thể; đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, cần tiếp tục tổng kết, nghiên cứu, tìm hiểu kỹ hơn và khi cần có thể tổ chức thí điểm" - ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh và mong các đại biểu sẽ chia sẻ những ý kiến thẳng thắn, đề xuất được nhiều kiến nghị, giải pháp mới, tham góp cho Ban chỉ đạo Đề án tổng kết Nghị quyết Trung ương 5 khóa X, để xác định các nội dung đưa vào Đề án trình Ban chấp hành Trung ương để Trung ương xem xét, quyết định.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ, qua hội thảo, TP.HCM sẽ tiếp thu nhiều bài học hay của các chuyên gia, nhà khoa học, của các tỉnh, thành bạn để áp dụng vào thực tiễn.

"Việc tổ chức hội thảo là cơ hội để TP.HCM trực tiếp lắng nghe, tiếp thu ý kiến các đồng chí lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học nhằm bổ sung nhận thức về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động hệ thống chính trị. Đặc biệt là tiếp thu các thành tựu, kết quả, bài học kinh nghiệm, mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả của các tỉnh, thành phố bạn để áp dụng vào thực tiễn của TP.HCM trong thời gian tới" - ông Nguyễn Văn Nên nói.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên phát biểu chào mừng.

Các ý kiến phát biểu tại Hội thảo tập trung vào việc đánh giá lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 15, thực tiễn tại các địa phương, đề xuất những giải pháp mang tính đột phá, giúp Ban Chỉ đạo có cơ sở vững chắc khi đưa các nội dung vào Đề án trình Ban chấp hành Trung ương vào tháng 10 năm 2022, để Trung ương xem xét, ban hành Nghị quyết về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong điều kiện mới /.

Hà Khánh/VOV- TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/co-che-kiem-soat-quyen-luc-nha-nuoc-chua-thuc-su-du-manh-va-hieu-qua-post952163.vov