Cơ chế lương 1.8 cho cán bộ TPHCM: Cán bộ Trung ương công tác tại đây thì sao?

Sáng nay, 20.11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về cơ chế đặc thù cho TP. Hồ Chí Minh. ĐBQH băn khoăn việc xây dựng cơ chế lương cho cán bộ thành phố quản lý gấp 1.8 so với cơ chế hiện tại, vậy cán bộ nơi khác công tác ở thành phố thì sao?

ĐB Phan Thái Bình băn khoăn cơ chế lương chênh lệch giữa cán bộ thành phố Hồ Chí Minh với cán bộ nơi khác công tác tại thành phố. Ảnh: QH

Một số đại biểu phản ánh, do việc tiếp nhận tài liệu quá muộn nên chưa kịp cập nhật, vì thế ý kiến đóng góp vẫn dựa trên dự thảo nghị quyết cũ (dự thảo Nghị quyết mới đã được cập nhật và chỉnh sửa theo góp ý của các đại biểu tại cuộc thảo luận tổ trước đó - PV)

Tán thành với sự cần thiết cần phải xây dựng cơ chế mới cho Tp. Hồ Chí Minh, ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cho rằng các cơ chế chính sách đặc thù đáng lẽ phải sớm ban hành để xứng đáng với tầm và vị thế của Tp. Hồ Chí Minh.

ĐB Hương cũng đề nghị Chính phủ rà soát tiềm năng lợi thế các địa phương khác ban hành các cơ chế thống nhất của các tỉnh, thành phố. ĐB Hương băn khoăn với việc cho HĐND thí điểm thuế tài sản, tăng thuế, tăng tỷ lệ thu phí và phí, các khoản phí không có trong danh mục... sẽ không đúng với các quy định pháp luật hiện hành.

Do đó cần quy định minh bạch trong nghị quyết trình UBTVQH quyết định, tránh cơ chế xin cho, không minh bạch, tránh để dân chịu chi phí đắt đỏ tại TP. Đó là chưa kể sẽ mất thuế vì người dân mua hàng ở các địa phương lân cận cho rẻ hơn.

ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) góp ý "UBND TP ủy quyền cấp huyện xã là không cần thiết vì đã có trong luật tổ chức chính quyền địa phương, phần quyền quản lý đất đai và đầu tư là cần thiết.

Đề án thể hiện sự quan tâm lãnh đạo TP nhưng phải làm tốt vượt thu thì mới có nguồn. Nếu làm tốt bổ sung thêm thu nhập còn mức lương như mức chung cả nước".

Về cơ chế lương cho cán bộ Thành phố, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng "Nên thực hiện theo bảng lương cơ bản còn thu nhập tăng thêm giao cho HĐND quyết định trên cơ sở năng suất chất lượng từ nguồn thu của TP. Việc khống chế mức trần không vượt 1.8 thì nên để cho TP tự chủ. Sau này nhân rộng ra các nơi khác để phát triển hơn".

ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) đánh giá việc "Tăng giảm thuế cần sự hợp lý, bảo đảm sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp, chính sách khuyến khích khởi nghiệp, minh bạch và có đánh giá tác động tránh gây phản ánh người dân và doanh nghiệp".

ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam) nhất trí với việc mức lương cho cán bộ thành phố, ĐB Bình nói: "Thí điểm nhưng cũng không nên chênh lệch quá lớn cho nên cần có mức trần là 1.8".

ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) lo lắng về khả năng các địa phương khác có thể bị "chảy máu chất xám" vì cơ chế ở Tp. Hồ Chí Minh sẽ hút hết nhân tài nếu không có trần mức lương. ĐB Hiếu phát biểu: "không có trần sẽ chảy máu chất xám thu nhập gấp 10 lần thì không ai ở địa phương nữa".

Tuy nhiên, ĐB Bình băn khoăn việc bất bình đẳng giữa cán bộ thành phố với cán bộ ở nơi khác, từ trung ương về công tác trên địa bàn thành phố. ĐB nói: "Vậy cán bộ trung ương đóng tại Hồ Chí Minh thì có sự chênh lệch. Họ cũng sinh sống như thế mà thu nhập lại thấp hơn?".

Đức Thành - Xuân Hải

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/co-che-luong-18-cho-can-bo-tphcm-can-bo-trung-uong-cong-tac-tai-day-thi-sao-577114.ldo