Cơ chế quản trị doanh nghiệp nhà nước chưa phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế

Việc triển khai cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước còn chậm, có khả năng không đạt kế hoạch đề ra. Một số Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, TCty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa (CPH), thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chấp hành chế độ báo cáo.

Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu DN, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của DN.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị (Ảnh: VGP)

Đây là nội dung được đề cập khá rõ tại Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, (DNNN) diễn ra sáng nay (21/11), tại Hà Nội. Hội nghị do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.

Nhiều DN CPH có xu hướng tăng trưởng ổn định

DNNN là một công cụ quan trọng để bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chính sách ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đóng góp quan trọng cho phát triển KT - XH. Những kết quả vừa qua cho thấy CPH là giải pháp quan trọng trong sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại DNNN. Kết quả CPH, thoái vốn đã tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường chứng khoán, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN sau CPH. Hầu hết các DNNN sau CPH đều SXKD có hiệu quả, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động được nâng lên.

Tuy nhiên, quá trình đổi mới DNNN thời gian qua cũng còn những tồn tại, hạn chế. Theo báo cáo gửi về Bộ Tài chính tính đến tháng 11/2018, mới có 35/526 DNNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại.

Trong khi kế hoạch được Thủ tướng phê duyệt thì năm 2018 phải hoàn thành CPH ít nhất 85 DN (trong đó có 21 DN thuộc danh mục năm 2017). Tuy nhiên, đến ngày 18/11/2018 mới CPH được 12 DN. Khi thực hiện bán cổ phần lần đầu, có một số DN tỉ lệ bán còn rất thấp so với phương án đã duyệt.

Về kế hoạch thoái vốn, đến nay mới chỉ có 31 đơn vị thực hiện thoái vốn mà theo kế hoạch năm 2017 có 135 DN, năm 2018 có 181 DN phải thực hiện thoái vốn. Như vậy, việc triển khai CPH, thoái vốn nhà nước còn chậm, có khả năng không đạt kế hoạch đề ra.

Đánh giá về tình hình hoạt động và hiệu quả SXKD của các DN sau khi thực hiện CPH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, so với năm trước khi CPH, bình quân lợi nhuận trước thuế, nộp NSNN, vốn điều lệ, tổng tài sản, doanh thu, thu nhập bình quân của người lao động đều tăng.

Ông Dũng minh chứng, giai đoạn trước năm 2015, tổng hợp của trên 300 DN sau CPH cho thấy, bình quân lợi nhuận trước thuế tăng 49%, nộp ngân sách tăng 27%, vốn điều lệ tăng 72%, tổng tài sản tăng 39%, doanh thu tăng 29%, thu nhập bình quân của người lao động tăng 33%.

Điển hình như Công ty CP Giống cây trồng trung ương có doanh thu tăng 20 lần, lợi nhuận tăng 40 lần, tổng tài sản tăng 22 lần, vốn chủ sở hữu tăng 40 lần. Công ty CP Sữa Việt Nam có doanh thu tăng 10 lần, nộp ngân sách tăng trên 6 lần, vốn chủ sở hữu tăng 13 lần.

Năm 2017, báo cáo của 294 DN có cổ phần, vốn góp của Nhà nước (các số liệu so sánh xét trong cùng số lượng 294 DN cổ phần hiện có năm 2016) thì tổng tài sản theo báo cáo hợp nhất của các DN cổ phần là 543.858 tỷ đồng, tăng 6% so với thực hiện năm 2016; tổng lợi nhuận kế toán trước thuế theo báo cáo hợp nhất là 36.633 tỷ đồng, tăng 11% so với số thực hiện năm 2016.

Theo báo cáo hợp nhất của các DN cổ phần thì có 35 DN với tổng số lỗ phát sinh là 844 tỷ đồng; tổng số phát sinh phải nộp NSNN đạt 47.297 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2016; Trong đó, một số DN cổ phần có số lỗ phát sinh lớn như Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh lỗ phát sinh 70 tỷ đồng; Tổng công ty LICOGI lỗ phát sinh 59 tỷ đồng....

Như vậy có thể thấy, các DN sau cổ phần hóa vẫn có xu hướng tăng trưởng ổn định và phát triển. Tuy nhiên, có một số DN cổ phần hoạt động kém hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nên không bảo toàn được vốn chủ sở hữu như Công ty CP Lương thực và Dịch vụ Quảng Nam (âm vốn chủ sở hữu 79 tỷ đồng); Công ty CP XNK Đà Nẵng (âm vốn chủ sở hữu 41 tỷ đồng)...

Cơ chế quản trị chưa phù hợp thông lệ quốc tế

Đề cập đến các tồn tại, hạn chế trong quá trình CPH, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh nhiều yếu tố, trong đó đáng chú ý là việc xây dựng chiến lược, kế hoạch SXKD còn thiếu tính dự báo, thiếu sự liên kết để đáp ứng yêu cầu phát triển chung. Cơ chế quản trị DNNN chậm được đổi mới, chưa phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế; tính công khai, minh bạch còn hạn chế.

Trách nhiệm của người quản lý DNNN chưa rõ ràng; công tác cán bộ, chính sách tiền lương, thưởng của DNNN còn chưa gắn với hiệu quả hoạt động của DN theo cơ chế thị trường, chưa có tác động khuyến khích người lao động tăng năng suất lao động. Cơ chế quản lý, giám sát và việc thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan và người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước chưa thật rõ ràng và phù hợp...

Việc thực hiện cơ chế xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm cũng như việc xử lý các hành vi vi phạm về giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với DNNN chưa đầy đủ, nghiêm túc.

Chậm bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (còn 35 DN chưa bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC). Chậm quyết toán bàn giao sang Cty cổ phần của các DN cổ phần hóa đã chuyển sang hoạt động dưới hình thức Cty cổ phần, làm ảnh hưởng đến công tác bàn giao và thu nộp các khoản về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN như: Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng; đặc biệt là TCty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Việt Nam (Constrexim) được cổ phần hóa từ năm 2007 đến nay vẫn chưa thực hiện quyết toán công tác cổ phần hóa.

Nhiều DN chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường.

Bên cạnh nguyên nhân khách quan như diễn biến phức tạp về kinh tế, chính trị, thương mại của khu vực và thế giới thì các nguyên nhân chủ quan vẫn là nguyên nhân chính.

Một số Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, TCty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chấp hành chế độ báo cáo. Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu DN, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của DN, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong CPH và thoái vốn nhà nước.

Trong hoạt động SXKD, còn một số cá nhân, DN vi phạm nguyên tắc thị trường, không công khai, minh bạch thông tin tài chính, cá biệt một số cá nhân lãnh đạo vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động SXKD của DN dẫn đến thua lỗ, mất vốn tại một số dự án.

Lực lượng lao động trong DNNN còn đông, năng suất lao động thấp, lao động có trình độ tay nghề cao còn thiếu và yếu. Tình trạng thiết bị còn lạc hậu, chưa theo kịp kỹ thuật tiên tiến của thế giới và yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0. Tổ chức bộ máy trong DNNN còn cồng kềnh, thiếu hiệu lực, hiệu quả.

Quá trình CPH DNNN cần có nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước cổ phần hóa làm kéo dài thời gian thực hiện cổ phần hóa. Đặc biệt là vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do UBND địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định dẫn đến các doanh nghiệp phải điều chính tiến độ cổ phần hóa...

Giải pháp

Để tiếp tục đẩy mạnh công tác đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, TCty nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, TCty nhà nước, theo Bộ Tài chính cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp sau:

Tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN theo Nghị quyết số 12- ngày 03/6/2017 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII, Nghị quyết số 60 của Quốc hội, tạo sự nhất trí cao trong toàn hệ thống chính trị để nâng cao hơn nữa nhận thức và có hành động quyết liệt, cụ thể trong thực hiện.

Khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ quá trình sắp xếp, CPH, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả hoạt động SXKD của DNNN và DN có vốn nhà nước.

Các Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, TCty nhà nước trước ngày 31/12/2018 hoàn thành việc phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại các DN thuộc lĩnh vực quản lý theo đúng quy định tại Quyết định số 707 của Thủ tướng, trong đó nêu rõ tiến độ, cơ quan tổ chức thực hiện, người chịu trách nhiệm. Gắn kết quả việc thực hiện sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN với việc đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu; tiếp tục đổi mới công tác bố trí bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với người đứng đầu DNNN.

HĐTV, Chủ tịch, Ban lãnh đạo các Tập đoàn kinh tế, TCty, DNNN chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ xây dựng, triển khai phương án cơ cấu lại DNNN trên toàn bộ các lĩnh vực; Thực hiện công khai, minh bạch trong đầu tư, quản lý tài chính, mua sắm, phân phối thu nhập, công tác cán bộ; trong ký kết và thực hiện các hợp đồng với những người có liên quan đến người quản lý DN theo quy định của pháp luật.

Kiên quyết xử lý dứt điểm các DNNN, các dự án đầu tư chậm tiến độ, hoạt động thua lỗ, kém hiệu quả theo cơ chế thị trường.

Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, CPH, thoái vốn và quản lý, sử dụng vốn nhà nước. Bổ sung nội dung kiểm tra, thanh tra trách nhiệm người đứng đầu đơn vị trong việc chấp hành kỷ luật hành chính khi thực hiện kế hoạch CPH và thoái vốn nhà nước tại DN; trách nhiệm trong việc tổ chức, hoàn thành kế hoạch hoạt động SXKD hàng năm. Bổ sung danh mục thanh tra đối với các DN chậm quyết toán tại thời điểm chuyển từ DNNN sang Cty cổ phần.

Các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả, bao gồm 12 dự án ngành Công Thương với tổng mức đầu tư ban đầu là 43.673,55 tỷ đồng, tổng mức đầu tư điều chỉnh là 63.610,96 tỷ đồng (trong đó, cơ cấu vốn chủ sở hữu/ vốn vay là 14.350,04 tỷ đồng/47.451,24 tỷ đồng).

Đến tháng 8/2018, có 02 dự án bước đầu hoạt động có lãi; 04 dự án đang từng bước khắc phục khó khăn; 03 dự án còn đang khó khăn. Riêng dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu Phú Thọ tiếp tục gặp khó khăn, xem xét phương án giải thể, phá sản. Còn đối với dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam đang triển khai bán đấu giá toàn bộ tài sản, hàng hóa tồn kho. Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên đã thu về cho Quỹ Sắp xếp và phát triển doanh nghiệp 1.000 tỷ đồng và đang triển khai đàm phán giải quyết hợp đồng EPC.

VĂN HÙNG

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/co-che-quan-tri-doanh-nghiep-nha-nuoc-chua-phu-hop-voi-thong-le-chuan-muc-quoc-te-post231248.html