Cơ chế tự chủ đại học, cao đẳng - cơ hội và thách thức

'Cơ chế tự chủ đại học, cao đẳng - cơ hội và thách thức' là chủ đề hội thảo do Khối Thi đua các trường đại học, cao đẳng tổ chức tại Trường Đại học Y khoa Vinh sáng 5/5.

Dự Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Thái Quang Toản - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Nội vụ.

Về phía tỉnh Nghệ An có đồng chí Lê Minh Thông - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Thông phát biểu tại Hội thảo. Ảnh Thanh Lê

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Thông phát biểu tại Hội thảo. Ảnh Thanh Lê

Hội thảo đã chỉ ra: Cơ chế tự chủ là con đường tất yếu để các trường đổi mới phương thức quản trị, nâng cao chất lượng đào tạo. Tự chủ vừa là vấn đề có tính tất yếu, cấp bách; vừa là cơ hội để các trường đại học, cao đẳng phát triển “bứt phá”.

Tuy nhiên tự chủ cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với các trường, đó là phải làm sao để xây dựng và sử dụng nguồn tài nguyên phục vụ cho việc tự chủ cụ thể như đối với xây dựng bộ máy, cơ chế kiểm soát các hoạt động độc lập, tự chủ, xây dựng các tiêu chí chặt chẽ để đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ; đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp dạy và học; mở rộng nguồn thu và khoán chi; hoàn thiện quy chế chi tiêu nội bộ; tổ chức hoạt động kiểm soát nội bộ và công khai tài chính; đào tạo nâng cao năng lực tài chính cho các đơn vị trường.

PGS.TS Nguyễn Cảnh Phú - Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Vinh phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh Thanh Lê

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Thông khẳng định: Tự chủ được xem là một giải pháp hiệu quả để đổi mới giáo dục đại học, cao đẳng, giúp nâng cao tính cạnh tranh của các trường. Việc tự chủ về quản trị, tổ chức nhân sự, chương trình đào tạo đã giúp các trường giảm phụ thuộc ngân sách nhà nước trong hoạt động.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trên thực tế, việc thực hiện tự chủ ở các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh chưa tạo ra chuyển biến đáng kể, ngoài việc do vướng mắc về cơ chế, một phần quan trọng khác là do các trường chưa đủ năng lực và thiếu sự sẵn sàng.

Hầu hết các trường đều đang hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo một phần kinh phí hoạt động thường xuyên, phần còn lại do ngân sách Nhà nước cấp.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Phụng trao đổi các vấn đề đại biểu quan tâm về nội dung tự chủ trong các trường đại học, cao đẳng. Ảnh Thanh Lê

“Do đó khi thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, các trường phải xác định lại mức thu học phí để đảm bảo bù đắp kinh phí, nâng cao chất lượng đào tạo và mức thu học phí phải phù hợp để thu hút người học trong môi trường cạnh tranh gay gắt giữa các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng. Mặt khác, bản thân các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng cũng phải có giải pháp cụ thể để nâng cao năng lực quản lý, quy chế làm việc và công cụ quản lý hiệu quả”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Thông nhấn mạnh.

Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Nội vụ Thái Quang Toản trao đổi về triển khai chủ trương thực hiện cơ chế tự chủ trong các trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Ảnh Thanh Lê

Các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm tháo gỡ khó khăn trong quá trình xây dựng và triển khai đề án tự chủ; quan điểm của các trường đại học, cao đẳng về việc thực hiện quyền tự chủ trong các lĩnh vực tổ chức bộ máy, nhân sự, chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, quản trị, tài chính,… Từ đó đề ra các định hướng, giải pháp triển khai cơ chế tự chủ nhằm giảm thiểu khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện...

Thanh Lê

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/co-che-tu-chu-dai-hoc-cao-dang-co-hoi-va-thach-thuc-196124.html