Cơ chế tự chủ: Tạo động lực cho các viện nghiên cứu

'Việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đã có những tác động tích cực tới hoạt động của các viện, giúp tăng cường tính chủ động và tạo cơ hội hợp tác' - Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng nhấn mạnh tại Hội thảo 'Cơ hội, thách thức và bài học kinh nghiệm của viện nghiên cứu thuộc Bộ Công Thương trong quá trình chuyển đổi và thực hiện cơ chế tự chủ' do Bộ Công Thương tổ chức ngày 16/5, tại Hà Nội.

Tích cực triển khai

Hội thảo được tổ chức nhằm nhìn lại kết quả triển khai cơ chế tự chủ tại các viện của Bộ trong giai đoạn vừa qua, đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm về những mô hình thành công cũng như những khó khăn, vướng mắc của các đơn vị trong quá trình thực hiện. Từ đó, đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể giúp các viện triển khai có hiệu quả cơ chế tự chủ. Đây là hoạt động có ý nghĩa bởi giải quyết được câu chuyện tự chủ của các tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) chính là khai thông, tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức hoạt động một cách có hiệu quả.

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng phát biểu tại hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng khẳng định, nội dung tự chủ trong các tổ chức sự nghiệp công lập nói chung và tổ chức KH&CN công lập nói riêng đã được đề cập nhiều trong thời gian vừa qua. Thời điểm Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2005/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN sự nghiệp công lập, Bộ Công Thương là một trong những Bộ, ngành rất tích cực trong triển khai thực hiện.

Ngay từ thời điểm cuối năm 2006, Bộ Công Thương đã hoàn thành phê duyệt phương án tự chủ cho 15 trong tổng số 24 viện thuộc Bộ và có 3 đơn vị chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp KH&CN. Quá trình triển khai Nghị định 115, Bộ Công Thương đã có được những mô hình thành công như Viện máy và Dụng cụ công nghiệp, Viện Năng lượng, Viện Cơ khí…

Việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP đã có những tác động tích cực tới hoạt động của các viện, giúp các viện tăng cường tính tự chủ và chủ động, tạo cơ hội hợp tác, liên doanh phát triển nghiên cứu khoa học, cung cấp dịch vụ và phát triển sản xuất.

Chia sẻ cụ thể hơn, bà Kiều Nguyễn Việt Hà - Vụ KH&CN, Bộ Công Thương cho biết, việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các tổ chức KH&CN công lập có hai dấu mốc quan trọng, dựa trên hai căn cứ pháp lý hướng dẫn việc thực hiện: Giai đoạn 2005 - 2015, thực hiện theo quy định tại Nghị định 115/2005/NĐ-CP ngày 5/9/2005 và từ năm 2006 đến nay, thực hiện theo quy định tại Nghị định 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016.

Theo đó, trong giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2012, Bộ Công Thương và các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ Công Thương đã phê duyệt đề án chuyển đổi mô hình hoạt động cho 21 viện. Đối với Viện Mẫu thời trang, trực thuộc Tập đoàn Dệt may sau quá trình tổ chức lại các hoạt động đã phê duyệt đề án chuyển đổi mô hình hoạt động ngày 9/7/2013. Như vậy, cho đến hết năm 2015, tất cả các tổ chức KH&CN thuộc Bộ Công Thương đã chuyển đổi mô hình hoạt động theo quy định của Nghị định 115.

Đối với việc thực hiện cơ chế tự chủ của các tổ chức KH&CN công lập theo quy định tại Nghị định 54, số liệu của Vụ KH&CN tự thống kế trên cơ sở báo cáo của các viện, cho thấy, trong số 11 đơn vị, có 7 viện đảm bảo chi thường xuyên; 2 viện đảm bảo một phần chi thường xuyên ở mức từ 30% đến dưới 70%; 1 viện đảm bảo một phần chi thường xuyên ở mức trên 70%.

Tiến sĩ Đỗ Văn Vũ - Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Viện máy và Dụng cụ Công nghiệp (IMI) cho biết, năm 2002, viện IMI được chuyển đổi thành doanh nghiệp KH&CN, thí điểm hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con theo Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg, Quyết định số 14/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây là mô hình đầu tiên được triển khai thí điểm tại Việt Nam, tạo sự gắn kết hiệu quả giữa nghiên cứu khoa học, đào tạo với sản xuất và là một trong những mô hình thí điểm đã thành công trong thực tiễn theo Nghị định 115.

“Chúng tôi cho rằng, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về tự chủ, cũng như chuyển đổi các tổ chức KH&CN công lập trong giai đoạn hiện nay thực sự đã tạo được động lực cho các viện nghiên cứu, nhà khoa học trong hoạt động KH&CN để cống hiến cho sự phát triển của đất nước” - Tiến sĩ Đỗ Văn Vũ nói.

Tháo gỡ khó khăn

Từ góc độ của Bộ KH&CN, ông Đinh Việt Bách, Vụ Tổ chức cán bộ cho biết, để khắc phục khó khăn trong việc xác định và phân loại tổ chức KH&CN công lập theo chức năng của tổ chức để giao quyền tự chủ quy định tại Nghị định 115, Nghị định 54 đã phân loại tổ chức KH&CN công lập theo mức độ tự bảo đảm về chi thường xuyên và chi đầu tư của tổ chức KH&CN công lập. Đó là tổ chức KH&CN tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; tổ chức KH&CN tự bảo đảm chi thường xuyên; tổ chức KH&CN tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; tổ chức KH&CN do nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

“Với cách phân loại này, các tổ chức KH&CN công lập sẽ căn cứu vào nguồn thu của đơn vị để tự xác định tổ chức mình thuộc loại nào để trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt phương án tự chủ của tổ chức” - ông Đinh Việt Bách cho hay.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho rằng, bên cạnh những thuận lợi, quá trình chuyển đổi của các đơn vị cũng gặp phải không ít những khó khăn mà nguyên nhân cốt lõi chính là việc thiếu đồng bộ về mặt cơ chế chính sách. Chính phủ đã ban hành Nghị định 54/NĐ-CP quy định về cơ chế tự chủ của tổ chức KH&CN công lập, thay thế cho Nghị định 115 và Nghị định 96 với nhiều quy định mới được sửa đổi trên cơ sở đánh giá những khó khăn, vướng mắc trong triển khai cơ chế tự chủ thời gian qua, đặc biệt tập trung giải quyết những vấn đề đặc thù của tổ chức KH&CN công lập.

Cùng với Nghị định 54 về cơ chế tự chủ, những vấn đề khác có liên quan cũng đã được Chính phủ ban hành những văn bản thay thế, sửa đổi như Nghị định mới về doanh nghiệp KH&CN, Nghị định về quản lý và sử dụng tài sản là kết quả của nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách Nhà nước… “Mặc dù nhiều văn bản mới đã được ban hành nhưng câu hỏi đặt ra là liệu các quy định hiện nay đã thực sự tháo gỡ và cởi bỏ được những khó khăn, vướng mắc của các đơn vị hay chưa? Đâu là những vấn đề cụ thể, thiết thực gắn với doanh nghiệp, gắn với yêu cầu triển khai các quy định này đảm bảo việc chuyển đổi sang mô hình tự chủ sẽ giúp các viện hoạt động năng động hơn, hiệu quả hơn…” - Thứ trưởng Cao Quốc Hưng bày tỏ.

Theo Vụ KH&CN, trong triển khai cơ chế tự chủ, các tổ chức KH&CN còn gặp khó khăn khi cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động nghiên cứu, nhất là máy móc, trang thiết bị phục vụ yêu cầu triển khai các dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước còn hạn chế. Nhiều đơn vị, thiết bị máy móc cũ, lạc hậu được đầu tư từ những năm 1990, không đáp ứng nhu cầu thực tế.

Bên cạnh đó, các tổ chức KH&CN công lập gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi thành công ty cổ phần do những vướng mắc trong quá trình xác định giá trị tài sản là các kết quả của các nhiệm vụ KH&CN; xác định và giao quản lý tài sản Nhà nước; thực hiện việc thế chấp vay vốn hoặc góp vốn liên doanh, liên kết; việc hạch toán chi phí khấu hao tài sản cố định, thuế sử dụng đất…

Nhằm thúc đẩy việc chuyển đổi tự chủ của các viện nghiên cứu công lập, Tiến sĩ Đỗ Văn Vũ cho rằng, việc chuyển đổi các viện nghiên cứu cần được xem xét là quá trình chuyển đổi hình thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, nhưng không áp dụng như cổ phần hóa doanh nghiệp thông thường, mà cần có cơ chế riêng, đặc thù để các đơn vị vận dụng, triển khai. Đồng thời, khi xác định giá trị doanh nghiệp để chuyển đổi viện nghiên cứu, cho phép không tính giá trị tài sản phòng thí nghiệm, tài sản kết quả KH&CN vào giá trị thực tế phần vốn Nhà nước, nhằm giảm gánh nặng cho các viện nghiên cứu sau cổ phần hóa.

Quỳnh Nga - Hoàng Lan

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/co-che-tu-chu-tao-dong-luc-cho-cac-vien-nghien-cuu-119726.html