Có chính sách hỗ trợ thiết thực cho sản phẩm tái chế

Muốn xử lý chất thải rắn theo hướng giảm tối đa lượng rác thải chôn lấp và tăng tỷ lệ tái chế, tái sử dụng, bên cạnh lựa chọn công nghệ phù hợp, cần có chính sách hỗ trợ sản phẩm tái chế để tạo sức cạnh tranh với hàng hóa thông thường. Đây là đề xuất nêu tại Hội thảo 'Kiểm soát chất thải rắn: Chính sách, pháp luật và thực tiễn' do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức sáng 22.12.

Hơn 80% rác thải không được xử lý đúng cách

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên khẳng định, hành lang pháp lý đối với chất thải rắn cơ bản đã hoàn thiện, đủ cơ sở để quản lý nội dung này. Đó là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Chỉ thị số 41/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Thông tư 02/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường…

Tuy nhiên, việc kiểm soát, xử lý chất thải rắn hiện còn nhiều vấn đề. Trong đó, bà Nguyên lo ngại, thách thức lớn nhất là chất thải rắn đang gia tăng, do sự gia tăng về dân số, đặc biệt là sự thay đổi trong mô hình tiêu dùng của xã hội. Chỉ tính riêng rác thải sinh hoạt, mỗi ngày có hơn 60.000 tấn khắp cả nước, trong đó, thành phần độc hại, khó phân hủy trong rác thải xuất hiện ngày càng nhiều, song cách thức xử lý hiện chưa đáp ứng được nhu cầu.

Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Duy Thông

Dẫn kết quả tại phiên giải trình thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường năm 2022, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Quang Huân cho biết, khoảng 80% rác thải ở nông thôn đang được mang đi chôn lấp. Còn theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, có tới 71% rác thải đang được chôn lấp, trong đó 20% chôn lấp không vệ sinh, chưa kể 13% rác được mang đi thiêu hủy bằng các lò đốt không vệ sinh… Tính chung, hơn 80% rác thải chưa được xử lý đúng cách, gây ô nhiễm cả đối với đất, nước và không khí.

Đáng chú ý, theo đại biểu, ở một số địa phương có nhà máy đốt rác phát điện “có vẻ hiện đại” nhưng gần hai năm nay không được nghiệm thu. Điều này rất đáng lưu tâm và “đã đến lúc cần nghiên cứu tháo gỡ một cách quyết liệt”, ông Huân nhấn mạnh.

Nhiều rào cản

Có nhiều nguyên nhân khiến việc quản lý chất thải rắn chưa đáp ứng yêu cầu, mặc dù hành lang pháp lý đã khá hoàn thiện. Trong đó, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên, vấn đề là ở khâu thực hiện, khi nhận thức của người dân, cộng đồng trong phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt còn nhiều hạn chế; năng lực quản lý ở một số cấp, ngành còn yếu. Bên cạnh đó, công nghệ chậm đổi mới; chưa có hướng dẫn về danh mục công nghệ xử lý, tái chế phù hợp với điều kiện Việt Nam…

TS. Nguyễn Gia Thọ, Phó trưởng Ban Môi trường và Phát triển bền vững, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận, hiện 63 tỉnh, thành phố đều có quy hoạch về rác thải rắn, đặc biệt đã có một số quy hoạch cấp vùng. Nhìn chung, quy hoạch đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị xử lý chất thải rắn đã có nhưng còn hạn chế, chất lượng quy hoạch chưa cao. Điều này thể hiện ở việc xác định vị trí, địa điểm xây dựng cơ sở hạ tầng để xử lý chất thải rắn vẫn gặp nhiều khó khăn do sự phản đối kịch liệt của người dân. Công tác quy hoạch vẫn còn cục bộ, mang tính chất địa phương và thiếu sự liên kết vùng.

Một lý do quan trọng nữa là việc triển khai công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng và trang thiết bị cũng còn chậm. Đơn cử, ngay tại Hà Nội, mặc dù được quy hoạch tới 17 khu xử lý chất thải từ năm 2014, song hiện mới chỉ có hai khu vực có nhà máy đốt rác thu hồi năng lượng phát điện là Nam Sơn và Xuân Sơn, sẽ vận hành đầy đủ từ năm 2024.

Công nghệ phải phù hợp đặc trưng vùng miền

Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, xác định công nghệ xử lý chất thải rắn phát triển theo hướng giảm thiểu tối đa lượng rác thải chôn lấp và tăng cường tỷ lệ tái chế, tái sử dụng. Mục tiêu đến năm 2025, 100% các đô thị có công trình tái chế chất thải rắn thực hiện phân loại tại hộ gia đình; 100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom và xử lý bảo đảm môi trường, trong đó 90% được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ… Theo các đại biểu, đây là mục tiêu rất thách thức, đòi hỏi quyết tâm rất lớn để thực hiện.

Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ Đặng Đình Tùng cho biết, trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt, không có một công nghệ duy nhất nào được coi là tối ưu. Việc lựa chọn công nghệ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khối lượng chất thải tại địa phương, loại rác thải, quy mô xử lý, nguồn lực kinh tế và môi trường. Việc ứng dụng công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt cần được xem xét, tính toán phù hợp với điều kiện đặc trưng của từng vùng miền, địa phương, theo xu thế công nghệ tái chế, tái sử dụng và tận dụng năng lượng, tài nguyên từ rác thải.

Về mặt quản lý nhà nước, ông Tùng cho biết, các bộ, ngành tiếp tục triển khai có hiệu quả các Chương trình trọng điểm cấp quốc gia về liên quan đến bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai, trong đó có công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện Việt Nam. Đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ nhằm đánh giá, lựa chọn các công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp; ban hành, hoàn thiện cơ chế khuyến khích đủ hấp dẫn để doanh nghiệp tham gia chuyển giao công nghệ xử lý chất thải rắn gắn liền với các dự án đầu tư và nghiên cứu nhiệm vụ khoa học công nghệ có quy mô lớn.

“Thành công trong quản lý rác thải yêu cầu sự phối hợp giữa Chính phủ, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và cộng đồng. Việc tăng cường nhận thức trong cộng đồng rất quan trọng”, ông Tùng lưu ý.

Ở góc độ doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội Urenco Nguyễn Hữu Tiến đề xuất, để quản lý tốt việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt, cần áp dụng nguyên tắc hình tượng 5 bàn tay gồm chính quyền, người dân, cơ quan cung cấp dịch vụ, cơ quan cấp bộ và cơ quan truyền thông; và phải gắn kết chặt chẽ với nhau.

Đặc biệt, sản xuất từ nguyên liệu tái chế thường sẽ đắt hơn từ nguyên liệu nguyên sinh, nguyên liệu thông thường. Kinh nghiệm ở một số nước là họ có chính sách rất cụ thể cho sản phẩm tái chế vốn rất rộng với hàng trăm mã khác nhau. Ví dụ trong lĩnh vực tái chế nhựa, họ sẽ hỗ trợ ban đầu để cạnh tranh được trên thị trường, khi đứng vững sẽ dừng hỗ trợ và chuyển sang hỗ trợ sản phẩm mới.

“Tới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có những chính sách giá bán hoặc giá thành sản xuất và điều hành chính sách linh hoạt cho từng sản phẩm để những sản phẩm có nguồn từ tái chế có thể cạnh tranh bình đẳng được với những sản phẩm nguyên sinh, sản phẩm thông thường, có thể xem xét miễn thuế, như thuế giá trị gia tăng”, ông Tiến đề nghị.

Minh Châu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/moi-truong/co-chinh-sach-ho-tro-thiet-thuc-cho-san-pham-tai-che-i355160/