Có chứng chỉ tích hợp, bao nhiêu % giáo viên dạy tốt cả 2, 3 phân môn?

Đáng lo nhất là sau khi hoàn tất các khóa học chứng chỉ trên, với nguồn kinh phí rất lớn, giáo viên có đủ kiến thức để dạy tốt cả 2-3 phân môn hay không?

Khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 ở lớp 6, 7 cấp trung học cơ sở gặp nhiều bất cập, rối rắm từ các môn học gọi là tích hợp như Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý; Nội dung Giáo dục địa phương; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nghệ thuật.

Trong đó khó khăn nhất vẫn là môn Khoa học tự nhiên, tích hợp 3 phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học.

 Ảnh minh họa: Bùi Nam

Ảnh minh họa: Bùi Nam

Bất cập về thời gian, kinh phí bồi dưỡng chứng chỉ tích hợp ở cấp trung học cơ sở

Ngày 21/7/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT [1] và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT [2] ban hành chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.

Theo hai quyết định này, người đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng được học thêm từ 20-36 tín chỉ để dạy môn “tích hợp” Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý ở cấp trung học cơ sở.

Tại mục 1.1 Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT và 2455/QĐ-BGDĐT Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định: “Chương trình bồi dưỡng này được coi là điều kiện tối thiểu để mỗi giáo viên có thể bắt đầu triển khai dạy học môn Khoa học tự nhiên; môn Lịch sử và Địa lý”.

Có chứng chỉ Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý là điều kiện tối thiểu để giảng dạy được 2 môn trên, vậy những giáo viên đã có chứng chỉ nhưng không đủ kiến thức để “ôm” được 2-3 phân môn thì sẽ giải quyết như thế nào?

Chương trình giáo dục phổ thông mới sau nhiều năm chuẩn bị, được ký ban hành vào năm 2018, nhưng đến nay số lượng giáo viên được bồi dưỡng chứng chỉ để dạy 2 môn tích hợp trên chỉ là một con số rất ít.

Một số giáo viên đang bồi dưỡng thì bỏ ngang vì không theo kịp kiến thức, một số giáo viên sau khi có chứng chỉ thì vẫn không đủ kiến thức để giảng dạy được cả 2-3 phân môn, nhất là đối với môn Khoa học tự nhiên, một số vẫn chưa quyết định bồi dưỡng, chờ nghỉ hưu, nghỉ trước tuổi,...

Về kinh phí vẫn ghi chung chung là do cơ quan có thẩm quyền cử đi học hoặc do người học tự đóng góp, dẫn đến giáo viên hoang mang và cũng khó có thể bỏ cả tháng lương, công việc, sắp xếp thời gian để học được chứng chỉ tích hợp.

Tại mục 7.2 của Quyết định 2454, mục 6.2 của Quyết định 2455 quy định thời gian bồi dưỡng: 03 tháng.

Nhưng với 20-36 tín chỉ, giáo viên còn phải thực hiện nhiệm vụ của mình tại đơn vị, giáo viên trung học cơ sở 19 tiết/tuần, chưa kể hàng loạt công việc khác như chủ nhiệm, dự giờ, thao giảng, bồi dưỡng thường xuyên, hội họp, tham gia các phong trào,… việc sắp xếp thời gian để bồi dưỡng có chứng chỉ tích hợp khó khả thi.

Chưa kể các trường hợp giáo viên có thai, có con nhỏ, cha mẹ già, giáo viên lớn tuổi, giáo viên đau ốm, bệnh tật,… không biết sắp xếp kiểu gì để vừa dạy vừa bồi dưỡng để có chứng chỉ tích hợp.

Giáo viên dù được đi học bồi dưỡng nhưng phải đảm bảo công việc tại đơn vị, không thể có việc giáo viên đi bồi dưỡng chứng chỉ được miễn dạy vì cả trăm ngàn giáo viên cả nước học bồi dưỡng, khi đó sẽ không có ai dạy các môn tích hợp.

Thực tế, các trường đại học chiêu sinh bồi dưỡng giáo viên Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý đều không nêu cụ thể thời gian bồi dưỡng, đa số giáo viên sẽ được bố trí học ngày thứ Bảy, Chủ nhật và việc bồi dưỡng được thực hiện đến khi nào kết thúc các học phần quy định.

Mỗi tín chỉ, giáo viên phải đóng từ 150.000-200.000 đồng, tùy vào nơi đào tạo. Vị chi, mỗi giáo viên để có chứng chỉ phải tốn từ 3 - 7,2 triệu đồng, chưa kể chi phí đi lại, ăn ở, sinh hoạt phí, tài liệu và những khoản khác.

Khó khăn về thời gian, kinh phí để học chứng chỉ tích hợp sẽ còn dài nếu không có những chỉ đạo cụ thể từ các cấp, các ngành.

Tuy nhiên, đáng lo nhất là sau khi hoàn tất các khóa học chứng chỉ trên, với nguồn kinh phí rất lớn, giáo viên có đủ kiến thức để dạy tốt cả 2-3 phân môn hay không?

Giáo viên nào sau bồi dưỡng có đủ kiến thức, tự tin để giảng dạy được cả 2-3 phân môn?

Giáo viên muốn dạy tốt, phải đủ kiến thức, nắm tường tận sự kiện, sự vật, hiện tượng để có thể làm chủ kiến thức để tự tin trước học sinh, giảng dạy cho học sinh hiểu vấn đề.

Những giáo viên đơn môn ở cấp trung học cơ sở hiện nay đáp ứng được một phần, tuy vậy vẫn có những giáo viên vẫn còn vừa dạy vừa bồi dưỡng thêm kiến thức, vẫn còn hạn chế về chuyên môn của 1 môn mà mình đang phụ trách.

Vậy, giáo viên đã dạy tại trường học 10, 20, 30 năm chỉ dạy đơn môn, chỉ nắm vững kiến thức đơn môn, kiến thức các môn còn lại đã “rơi rụng” dần theo thời gian thì bồi dưỡng kiểu gì để thành giáo viên tinh thông, nắm tường tận kiến thức của 2, 3 phân môn.

Liệu chúng ta có quá kỳ vọng không khi ban hành các Quyết định 2454, 2455 để đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học toàn bộ chương trình môn học Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý?

Một vấn đề nhiều người quan tâm đó chính là việc, liệu sau khi bồi dưỡng, giáo viên có đủ kiến thức, đủ khả năng để giảng dạy được cả 2, 3 phân môn là một dấu hỏi lớn chưa có câu trả lời, dù đã có một số giáo viên có chứng chỉ tích hợp.

Đến giai đoạn hiện nay, người viết chưa thấy có những công bố cụ thể việc những giáo viên sau khi có chứng chỉ tích hợp có đủ tự tin, bản lĩnh, kiến thức để dạy được 2, 3 phân môn nhất là môn Khoa học tự nhiên gồm kiến thức 3 phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học từ lớp 8, 9 rất khó.

Người viết cũng tìm trên các phương tiện thông tin đại chúng chưa thấy giáo viên nào dạy mẫu cả 2, 3 phân môn, chủ yếu các tiết minh họa thuộc phân môn nào phân môn đó giảng dạy.

Hiện nay, môn Khoa học tự nhiên, cán bộ cốt cán môn cũng là 3 người thuộc 3 phân môn, khi họp triển khai chuyên môn, giáo viên thuộc phân môn nào trình bày nội dung đó, các trường vẫn phải cử 3 giáo viên thuộc 3 phân môn dự.

Ngay cả việc Bộ triển khai tập huấn online qua các module cũng gần như được thiết kế riêng lẻ theo từng phân môn.

Gọi là tích hợp nhưng thực tế lại là ghép 2, 3 môn và 1 quyển sách, môn Khoa học tự nhiên ở lớp 6 chỉ có 24 tiết dành cho phân môn Hóa học được bố trí giảng dạy ở học kỳ I, sau đó, học sinh học phân môn Sinh học và Vật lý.

Sang lớp 7, học sinh mới trở lại học Hóa học ở chủ đề 1,2 với khoảng 30 tiết, sau đó đến phân môn Vật lý, phân môn Sinh học ở học kỳ II.

Học sinh lớp 7 học đến cuối tháng 10 là bỏ hẳn phân môn Hóa học, đến lớp 8 mới học lại.

Những kiến thức Hóa học về tên gọi các vật chất, nguyên tố hóa học, nguyên tử, phân tử, Ion, liên kết hóa trị,… khá mới với học sinh nhưng học sinh lớp 6, 7 chỉ 12, 13 tuổi đầu, học 20-30 tiết Hóa, bỏ đi cả gần năm trời mới học lại, liệu học sinh có nhớ được những gì mà các em đã học từ đầu năm học trước đó?

Người viết là giáo viên Vật lý được phân công dạy Khoa học tự nhiên 7, ở chủ đề 1, 2 người viết đang vật lộn với những tên nguyên tố, đơn chất, hợp chất,… để dạy cho học sinh, nhưng không thể nào dạy được tường tận kiến thức.

Người viết chỉ mong cho hết chủ đề 2 để được sang chủ đề 3 để được dạy đúng chuyên môn của mình, nhưng đến chủ đề 7, 8, 9,10, 11 đến phần Sinh học sẽ tiếp tục là những khó khăn mới.

Sau khi dạy xong chủ đề 1, 2 môn Hóa, người viết sẽ không phải dạy môn Hóa cho đến năm lớp 8 mới dạy lại, bản thân giáo viên cũng sẽ quên, đừng nói gì đến học sinh 12, 13 tuổi.

Nếu là tích hợp thật sự thì khác. Các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý thực chất là ghép môn, chia làm các chủ đề khác nhau, ép các em học theo chủ đề thuộc 1 phân môn xong bỏ hẳn một thời gian dài liệu có khoa học hay không, phù hợp tâm lý lứa tuổi hay không?

Việc giáo viên đảm nhận cả 2-3 phân môn là vấn đề rất khó, nhiều giáo viên đang giảng dạy cảm thấy áp lực, khi dạy mong học sinh đừng hỏi những câu hỏi khó thuộc phân môn khác vì có thể sẽ lúng túng và không trả lời được những kiến thức mình không nắm vững.

Giáo viên đã 10, 20 hay 30 năm chỉ dạy đơn môn, chuyên sâu nay dự định đào tạo như thế nào để thành một người giỏi cả 2-3 phân môn để dạy được các môn gọi là tích hợp.

Bùi Nam

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/co-chung-chi-tich-hop-bao-nhieu-giao-vien-day-tot-ca-2-3-phan-mon-post230409.gd