Có cuộc chơi công bằng nào cho Grab và Vinasun?

TGTTO Chiều ngày 29/10, tòa lại quyết định tạm hoãn vụ kiện Vinasun yêu cầu Grab bồi thường thiệt hại do cần phải thu thập, bổ sung tài liệu, chứng cứ, trước khi đưa ra lời tuyên án chính xác.

Điều này cho thấy tòa đang rất lúng túng trong vụ xử này, vì chưa có các quy định rõ ràng về taxi công nghệ để có thể có những quyết định chính xác.

Cuộc chiến chưa có hồi kết giữa Vinasun và Grab

Với mỗi lần ra tòa, Grab luôn khẳng định mình chỉ là đơn vị "trung gian" môi giới cho hợp đồng điện tử giữa khách đi xe và tài xế. Tài xế không phải là nhân viên của Grab, nên Grab không phải là đơn vị vận tải taxi.

Lập luận này của Grab không khác gì tại Singapore, nhưng Ủy ban người tiêu dùng và cạnh tranh Singapore (CCCS) đã phạt rất mạnh tay với Grab, với số tiền phạt gần 5 triệu USD vì gây tổn hại cho sự cạnh tranh trên thị trường taxi. Grab đã phản ứng quyết định của CCCS dựa trên một định nghĩa thị trường có góc nhìn hẹp và không phù hợp, cũng như không mô tả chính xác bản chất sự sáng tạo mới của ngành, nhưng vẫn chấp nhận nộp phạt.

Tại thị trường Việt Nam, Vinasun và Grab đã tranh cãi triền miên về việc Grab có phải là một đơn vị taxi hay không. Nhưng hiệu ứng thấy rõ rằng Vinasun đã bị mất thị phần mạnh và doanh thu, lợi nhuận suy giảm.

Phía chính quyền Singapore cũng chỉ ra, theo số liệu do CCCS công bố vào tháng 6/2018, Grab hiện có thị phần trên thi trường taxi từ 80-90%. ComfortDelGro, một hãng taxi truyền thống nổi tiếng của Singapore chỉ còn chiếm từ 10-20% thị phần và những "người chơi" còn lại đều có tỷ lệ thị phần rất nhỏ từ 0-5%. Vậy nếu Grab khẳng định là đơn vị công nghệ trung gian giữa người gọi xe và tài xế thì lý giải làm sao các điều tra của CCCS? Grab luôn nói rằng không phải là đơn vị vận tải taxi nhưng phải nói ra sao với việc các tài xế chạy cho Grab đều rất lo ngại nếu làm sai các quy định mà Grab đặt ra sẽ bị đóng tài khoản, không cho kinh doanh.

Việc điều chỉnh hành vi của tài xế có khác gì một doanh nghiệp vận tải thay vì Grab luôn nói mình chỉ là người kết nối, thu phí chiết khấu để duy trì hoạt động của ứng dụng (app) và công môi giới, còn mọi thứ đều do tài xế và hành khách tự thỏa thuận với nhau.

Gần đây, Grab và Heineken bắt tay nhau để thực hiện chiến dịch “Đã uống rượu bia thì không lái xe”. Chiến dịch này khuyến khích những khách hàng đã uống quá nhiều nên nhờ người khác đưa về nhà thay vì trực tiếp cầm lái. Mà cụ thể có thể gọi những tài xế Grab để chở về nhà. Liệu rằng Heineken có xem Grab là công ty công nghệ để kết hợp thực chiến dịch nếu họ không có đội xe?

Nhìn lại vụ CCCS phạt mạnh tay với Grab thì thấy chủ yếu xoay xung quanh chuyện cạnh tranh trên thị trường taxi. Kết quả điều tra của CCCS cho thấy Grab đã tăng giá ngay sau khi loại bỏ đối thủ cạnh tranh đáng gờm là Uber (Grab đã mua lại Uber vào tháng 3/2018). Grab đã tăng 10-15% cước phí thuần không tính đến mức khuyến mãi nào. Ngoài ra, CCCS đã nhận được một lượng lớn khiếu nại về việc tính cước phí và hoa hồng của Grab từ người đặt xe lẫn tài xế.

CCCS cũng chỉ ra, Grab cũng thay đổi luôn chương trình áp dụng cho khách hàng trung thành, được biết với tên gọi GrabRewards, như giảm số điểm tích lũy trên mỗi đô la chi tiêu của người đặt xe cũng như giảm số lượng và tần suất khuyến mãi và ưu đãi. “Grab hiện đang nắm giữ 80% thị phần gọi xe công nghệ và tạo ra một hiệu ứng mạnh gây nhiều khó khăn cho đối thủ cạnh tranh mở rộng quy mô và thị trường. Đặc biệt, Grab đã áp đặt các quy định độc quyền lên các công ty taxi, đối tác cho thuê xe, và những người lái xe”, CCCS kết luận.

Một cách tương tự, các nước châu Âu và Mỹ đã xem Uber là một đơn vị vận tải, thay vì đơn thuần là một công ty công nghệ. Điều này có nghĩa rằng Uber cũng phải tuân thủ các quy định luật như các hãng taxi, vận tải truyền thống. Nhưng cũng không thể phủ nhận thời đại công nghiệp 4.0 và nền kinh tế chia sẻ, mà Grab đã nhanh chóng nắm bắt đã tạo ra một mô hình kinh doanh mới và đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, và buộc những hãng taxi truyền thống phải thay đổi lại hướng kinh doanh theo tiêu chuẩn dịch vụ tốt hơn, đưa các công nghệ vào ứng dụng trong kinh doanh.

Sẽ là dại dột nếu cho rằng phải cấm loại hình kinh doanh như Grab vì đi ngược lại xu hướng công nghệ mới trên thế giới mà đang thay đổi cuộc sống con người một cách tốt đẹp hơn.

Vấn đề là cần có những quy định kinh doanh mang tính công bằng cho mô hình kinh doanh áp dụng công nghệ mới và mô hình kinh doanh truyền thống. Điều này có lẽ cơ quan nhà nước nên tham khảo các tiền lệ từ các nước để đưa ra các chính sách phù hợp hơn vừa mang tính công bằng, vừa thu được thuế, mà người dân hưởng lợi nhiều hơn từ cuộc cách mạng 4.0.

MINH PHƯƠNG

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/co-cuoc-choi-cong-bang-nao-cho-grab-va-vinasun-16483.html