'Có đại biểu bị phản ánh che dù, che lọng khi tiếp xúc cử tri'

Lưu ý ứng viên đại biểu Quốc hội cần chú ý những vấn đề tế nhị, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội nhắc thực tế có đại biểu từng bị phản ánh vì che dù, che lọng khi tiếp xúc cử tri.

Ngày 19/4, Ban Công tác đại biểu phối hợp với Ủy ban về các vấn đề xã hội và Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam tổ chức hội thảo "Nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND và việc thúc đẩy bình đẳng giới".

Hội thảo nhằm cung cấp thông tin và tập huấn một số kỹ năng cơ bản cho các nữ ứng viên đại biểu Quốc hội, HĐND.

Chỉ hứa những điều thiết thực

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng các quy định của luật nêu rõ tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội, song quy định so với thực tiễn vẫn còn khoảng cách nhất định.

“Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cao hơn các khóa trước nhưng chưa đạt tỷ lệ như mong muốn”, bà Thúy Anh nói.

Theo bà, tỷ lệ nữ ứng viên đại biểu Quốc hội đạt 35% và cao hơn các nhiệm kỳ trước là một thách thức lớn, đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ và nỗ lực của chính các nữ ứng cử viên.

Phát biểu chỉ đạo, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận sáng kiến tập huấn cho nữ ứng viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND trước mỗi kỳ bầu cử. Qua nhiều nhiệm kỳ, ông đánh giá các nữ đại biểu đã có nhiều đóng góp, để lại nhiều dấu ấn, góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ Việt Nam và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.

Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhắc các ứng viên đại biểu Quốc hội cần lưu ý những vấn đề tế nhị khi tiếp xúc cử tri. Ảnh: H.Vũ.

“Nữ đại biểu Quốc hội giữ vai trò nòng cốt trong công tác thúc đẩy bình đẳng giới, đóng góp ngày càng tích cực trong các hoạt động ngoại giao, nghị viện. Tôi cũng rất ấn tượng với nhiều phát biểu cũng như bản lĩnh của các nữ đại biểu Quốc hội”, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội chia sẻ.

Trong việc tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử, Phó chủ tịch Trần Thanh Mẫn lưu ý ứng viên không nên quá áp lực mà nên chuẩn bị chương trình hành động ngắn gọn, thuyết phục, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và vì lợi ích nhân dân. Đặc biệt, chỉ nên hứa những điều thiết thực thay vì việc nằm ngoài khả năng.

Từng ứng cử đại biểu HĐND ở cấp huyện, cấp tỉnh và tham gia Quốc hội 2 khóa, ông Mẫn cho rằng tiếp xúc cử tri là việc hết sức quan trọng, và cũng đầy áp lực. Để giải tỏa áp lực phải có tự tin, bình dị, hòa hợp, gần gũi với người dân, ngay từ vấn đề mặc trang phục sao cho phù hợp.

Chỉ nên hứa những điều thiết thực thay vì việc nằm ngoài khả năng

Ông Trần Thanh Mẫn

“Có đại biểu từng bị phản ánh là che dù, che lọng, ăn mặc không phù hợp. Cái này đã được khắc phục nhưng phải hết sức chú ý”, ông Mẫn lưu ý.

Ứng xử của các ứng viên ở địa phương cũng được ông Mẫn đề cập. “Như mấy ngày gần đây khi tiếp xúc cử tri, người ta để ly nước mà mình không dám uống, vì cử tri ở dưới ngồi nóng nực không có nước uống, mình ngồi trên rót trà, nước suối uống thấy cũng hơi khó. Nhiều việc tế nhị nhưng phải rút kinh nghiệm”, ông Mẫn dẫn chứng.

Tỷ lệ nữ đại biểu luôn không đạt như kỳ vọng

Tham luận của Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha gửi đến hội thảo nêu thống kê trong 5 khóa Quốc hội gần đây, tỷ lệ đại biểu Quốc hội là nữ luôn dao động trong khoảng từ 25% trở lên.

Cụ thể, Quốc hội khóa X, tỷ lệ nữ đại biểu là 26,22%; khóa XI là 27,31%; khóa XIII là 25,76%; khóa XIII đạt 24,40% và khóa XIV là 26,80%.

Tính cơ học, nếu số người ứng cử đại biểu Quốc hội đạt 35% như luật định mà số người trúng cử đạt 25% có nghĩa là trên 71% phụ nữ ứng cử đã trúng cử.

Tỷ lệ người ứng cử là phụ nữ trúng cử vẫn thấp so với nam giới và luôn không đạt kỳ vọng

Ông Nguyễn Văn Pha

Theo ông Pha, kết quả cuộc bầu cử năm 2016 có 133 ứng viên nữ trúng cử đại biểu Quốc hội, thấp hơn 17 người so với dự kiến nhưng cao hơn 2,4% so với khóa XIII.

“Đây là tỷ lệ đáng mừng nhưng tỷ lệ người ứng cử là phụ nữ trúng cử, lẽ tất nhiên, vẫn thấp so với nam giới và luôn không đạt được như kỳ vọng”, ông Pha nêu rõ trong tham luận.

Theo báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về kết quả hội nghị hiệp thương lần thứ 2, ở khối các cơ quan, tổ chức Trung ương, trong 205 người được giới thiệu ứng cử có 46 người là nữ, đạt tỷ lệ 22,43%. Ở khối địa phương, có 435 người ứng cử là phụ nữ, chiếm tỷ 49,4%.

Các tỉnh có tỷ lệ phụ nữ ứng cử cao là Bắc Ninh (85,71%), Đồng Nai (73,33%), Thái Nguyên (70,59%), Hưng Yên (70%), Đồng Tháp (63,64%).

Như vậy, tính đến nay, số phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV đạt tỷ lệ cao nhất trong 4 khóa bầu cử đại biểu Quốc hội gần đây, trong đó riêng với khối Trung ương đạt gần gấp đôi so với khóa XIV. Ở khóa XIV, sau hội nghị hiệp thương lần 2, Trung ương giới thiệu 183 người ứng cử nhưng chỉ có 21 nữ, chiếm 11,5%.

Theo ông Pha, việc có rất ít phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội ở Trung ương và địa phương do nguyên nhân khách quan và chủ quan. Khách quan vì hầu hết người đứng đầu trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ và các đoàn thể ở Trung ương là nam giới.

Chủ quan là các cơ quan thường giới thiệu người đứng đầu mà ít khi giới thiệu cấp phó (thường là phụ nữ nhiều hơn).

Hoài Thu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/co-dai-bieu-bi-phan-anh-che-du-che-long-khi-tiep-xuc-cu-tri-post1205917.html