Cô dâu 9 tuổi bị chồng sát hại

Một bé gái 9 tuổi người Afghanistan bị bắt cưới một cách bất hợp pháp để lấy tiền trả nợ cho gia đình đã bị sát hại chỉ một ngày sau khi UNICEF công bố một báo cáo cho thấy cứ 3 thiếu nữ thì có một em bị ép lấy chồng trước 18 tuổi.

Một người đàn ông Afghanistan đã bị buộc tội bóp nghẹt cổ đến chết một cô bé 9 tuổi. Điều đáng nói là cô bé này đã bị gia đình bán làm vợ anh này để lấy tiền trả nợ. Tin tức về vụ giết người này đã nhanh chóng được đăng tải trên các phương tiện truyền thông ở tỉnh Naqibullah cũng như trên toàn Afghanistan.

Theo trang web và kênh truyền hình Tolo News của Afghanistan, cô gái, tên là Samia, đã "kết hôn" với kẻ giết người này từ khi mới 7 tuổi và được đặt theo tên mới là Sharafuddin.

Nhà chức trách địa phương khẳng định, kẻ giết người đồng thời là người chồng đã 35 tuổi và đang trốn chạy sau khi gây ra án mạng. Cha của Sharafuddin cũng đã bị bắt vì tội "buộc con gái lấy chồng ở độ tuổi vị thành niên".

Các chi tiết khác về vụ giết người cũng được xác nhận bởi tổ chức Trợ giúp nhân đạo cho phụ nữ và trẻ em Afghanistan. Tổ chức này hiện đang có văn phòng hoạt động tại thủ đô Kabul. "Chúng tôi có thể xác nhận rằng điều này đã xảy ra", Hashim Ahmadi, Giám đốc chương trình của tổ chức cho biết.

"Cha của cô gái tuyên bố rằng cô đã được đưa ra bán để giải quyết món nợ giữa ông và chú rể. Khi mới 7 tuổi, cô bé bị bán với giá 13.500 USD. Vụ việc vẫn đang được điều tra, nhưng cô ấy không đơn độc.

Điều cần nói là còn hàng trăm cô gái trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình như vậy mỗi ngày ở Afghanistan. Mặc dù các cuộc hôn nhân với trẻ em bị luật pháp nghiêm cấm nhưng nó không được thực hiện ở hầu hết các vùng của đất nước này", Hashim Ahmadi nói.

Thân phận của các trẻ em gái ở Afghanistan mong manh và luôn đối mặt với nguy cơ bị bán làm vợ.

Mặc dù báo cáo Unicef về hôn nhân trẻ em, nghiên cứu năm tỉnh của Afghanistan đại diện cho khu vực thành thị, bán thành thị và nông thôn, đã ghi nhận sự sụt giảm 10% về kết hôn ở nước này trong 5 năm qua, thực tế tình trạng này vẫn còn phổ biến.

Trong khi pháp luật quốc tế chỉ cho phép nữ giới kết hôn khi 18 tuổi thì tại Afghanistan, nam giới được phép kết hôn lúc 18 tuổi còn nữ giới thì trẻ hơn 2 tuổi (tức 16 tuổi).

Adele Khodr, đại diện Unicef ở Afghanistan tiết lộ: "Cần phải có những hành động cương quyết và hợp nhất để đạt mục tiêu chấm dứt hôn nhân trẻ em tại Afghanistan vào năm 2030".

Theo báo cáo mới nhất của UNICEF, 42% hộ gia đình ở nước này có ít nhất một thành viên trong gia đình đã kết hôn trước 18 tuổi. Bộ trưởng Lao động, các vấn đề xã hội, liệt sĩ và tàn tật Afghanistan, Faizullah Zaki, người đã viết bản báo cáo gửi UNICEF, mô tả việc tiếp tục thực hiện cuộc hôn nhân trẻ em ở Afghanistan là "một hành vi vi phạm nhân quyền kinh khủng nhưng cũng là vấn đề nhức nhối trong xã hội và khó giải quyết".

Báo cáo đó còn phản ánh thực trạng gần một nửa số trẻ em ở Afghanistan không được đi học do tình hình bất ổn về kinh tế và an ninh tại quốc gia Nam Á này. Trẻ em gái là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều hơn cả.

Cụ thể, các bé gái chiếm 60% trong tổng số 3,7 triệu trẻ em (ở độ tuổi từ 7-17) không được đi học. Hơn 85% trẻ em gái không được đi học tập trung tại các tỉnh phía Nam và miền Trung Afghanistan.

Theo đánh giá của UNICEF, khoảng 300.000 trẻ em khác đang được đăng ký học ở bậc tiểu học, có nguy cơ buộc phải thôi học trước khi kết thúc bậc học. Đa số học sinh này sống ở vùng nông thôn, xuất thân ở các gia đình khó khăn về kinh tế và có nguy cơ phải đi lánh nạn vì lý do mất an ninh.

Chưa hết, sự bất công đến với nữ giới ở Afghanistan còn ở vấn đề văn hóa. Chẳng hạn, nếu cuộc hôn nhân ép buộc không có hạnh phúc, người đàn ông có thể cưới người phụ nữ mà anh ta yêu về làm vợ hai. Nhưng các cô gái thì lại không có lối thoát.

Một số tìm đến cái chết. Một số khác bỏ trốn, có người bị rơi vào động mại dâm hoặc vòng vây của nghiện ngập. Nghèo đói là nguyên nhân thúc đẩy nhiều cuộc hôn nhân trẻ em ở Afghanistan.

Và một người đàn ông giàu có trả "giá cô dâu" một khoản tiền lớn hoặc chỉ vì cha cô dâu sau đó bớt đi một đứa con phải nuôi do nghèo đói và khủng hoảng lương thực.

Khánh Chi

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/noi-dau-so-phan/afghanistan-co-dau-9-tuoi-bi-chong-sat-hai-505278/