Cô dâu trước khi về nhà chồng cần làm những thủ tục gì?

Trước khi về nhà chồng, cô dâu cần làm nhiều nghi lễ. Người Việt tin rằng những nghi lễ này đảm bảo một cuộc sống thuận lợi, ấm êm cho cô dâu chú rể.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Trong các nghi lễ của đám cưới, nghi lễ lúc đón dâu được coi là quan trọng nhất bởi đánh dấu thời điểm cô dâu chính thức rời nhà bố mẹ đẻ, trở thành thành viên trong gia đình nhà chồng. Người xưa quan niệm con dâu lấy chồng là con nhà người ta, vì vậy những nghi thức trước khi con về nhà chồng cần được diễn ra đầy đủ, chỉn chu và trang trọng.

Khi nhà trai bắt đầu đến đón dâu, sau khi tuyên bố lý do, cô dâu và chú rể sẽ đến trước bàn thờ gia tiên, khấu đầu làm lễ, xin tổ tiên chấp nhận kể từ nay nên vợ nên chồng. Ở một số vùng miền, trong lúc này, sẽ có một người (thường là trưởng nam) khấn hộ và khấn vái theo bài bản. Sau khi làm lễ tại bàn thờ gia tiên nhà gái, cô dâu và chú rể sẽ đưa hộp trầu, bao thuốc, chén trà đi mời chào ông bà, bố mẹ hai bên, khách khứa và bạn bè. Trong khi chào mời, cô dâu phải giới thiệu cho chàng rể biết mối quan hệ để biết cách xưng hô.

Sau cùng, trước khi bước ra cửa để về nhà chồng, cô dâu cùng chú rể làm lễ tạ cha mẹ. Cha mẹ ngồi sẵn một phía ở cửa chính. Nếu ông bà nội ngoại còn thượng tại có đến dự thì ông bà cũng ngồi chung một phía, nhưng ở ghế cao hơn. Ngày nay, tục lạy ông bà bố mẹ gần như không còn, hầu hết chỉ cúi đầu cung kính thưa: "Xin phép ông bà, cha mẹ con về nhà chồng", "Xin phép ông bà, cha mẹ con xin đón em về".

Lúc đó, cha mẹ ban phát cho con gái, con rể một vật gì đó làm kỉ niệm. Có thể là một cái bút, một gương soi nho nhỏ, một cuốn sách hoặc một chiếc khăn, chiếc quạt. Xưa kia nhà giàu cho thêm hoa tai, nhẫn cưới hoặc quan tiền... Đây là những lễ vật mà nhà trai đã đưa đến hôm lễ nạp tài. Trong gói quà của mẹ đẻ cho con gái có cái châm cài tóc, hoặc bảy chiếc kim đính tóc hoặc kim khâu gói trong khăn vuông.

Ngày nay, nghi lễ này có phần tối giản hơn. Chú rể sau khi xin phép bố mẹ được đón cô dâu, bố mẹ hai bên có thể gửi lời chúc phúc hai con, ngoài ra tùy từng gia đình tặng quà kỷ niệm, thường là nhẫn vàng, vòng vàng. Món quà này mang ý nghĩa mong cho hai con có chút vốn liếng sau khi về chung một nhà, cũng là lời chúc may mắn, hạnh phúc dài lâu mà bố mẹ muốn gửi gắm đến hai con.

Hải Vân

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/co-dau-truoc-khi-ve-nha-chong-can-lam-nhung-thu-tuc-gi-82385.html