'Cố đi Hội An trong kỳ nghỉ lễ, tôi bất an nhiều hơn vui'

Với tôi, đi chơi trong kỳ nghỉ lễ trùng đợt dịch mới bùng phát là trải nghiệm nhớ đời khi cảm giác bất an thường trực, cứ chốc chốc lại vào mạng đọc tin tức để cập nhật tình hình.

“Em còn đi chơi không? Dịch dã thế này thấy sợ quá!”.

Nhận được tin nhắn từ sếp, tôi liếc nhìn đồng hồ. Còn 6 tiếng nữa là chuyến bay từ Hà Nội tới Đà Nẵng của tôi khởi hành lúc 20h tối 30/4.

Trước đó, ngày 29/4, tỉnh Hà Nam ghi nhận một trường hợp có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 là BN2899. Người này vừa hoàn tất cách ly tập trung tại TP Đà Nẵng và có xét nghiệm 3 lần âm tính với nCoV. Sau đó, nhiều F1, F2 liên quan ca bệnh này đã được phát hiện mắc Covid-19.

“Hay là đang ở đâu thì ở yên đó nhỉ?”, tôi có chút đắn đo.

 Cảng hàng không Nội Bài (Hà Nội) trưa 29/4 đông hơn thường lệ do nhiều người về quê hoặc đi du lịch dịp lễ 30/4. Ảnh: Ngọc Tân.

Cảng hàng không Nội Bài (Hà Nội) trưa 29/4 đông hơn thường lệ do nhiều người về quê hoặc đi du lịch dịp lễ 30/4. Ảnh: Ngọc Tân.

Thế nhưng, đây là lần nghỉ phép đầu tiên của tôi kể từ đầu năm nay. Tôi háo hức đến mức đã lên kế hoạch từ trước đó khá lâu.

Vẫn có khuyến cáo từ Bộ Y tế về việc duy trì tình trạng 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế), nhưng khi đó, việc di chuyển giữa các địa phương không bị cấm. Hơn nữa, Đà Nẵng cũng chưa có lệnh cấm các khu du lịch, resort, khách sạn không được nhận khách.

Cuối cùng, tôi gói ghém đồ đạc vào vali và lên đường với suy nghĩ: “Nếu thấy dịch phức tạp quá thì đặt vé về sớm hơn cũng được”.

Tránh đi bar, club vì sợ nguy hiểm

Sáng 1/5, tôi quyết định đi tắm biển. Trái với tưởng tượng của tôi về một Đà Nẵng đông đúc trong kỳ nghỉ lễ, xe cộ di chuyển thưa thớt trên đường phố.

Thấy tôi thắc mắc, tài xế nói: “Thấy dịch sợ quá người ta ồ ạt về từ hôm 30/4. Có công ty đặt khách sạn 5 sao cho 500 nhân viên đi nghỉ mà cũng hủy tour rồi”.

Ở bờ biển, dù thời tiết khá đẹp, tôi có thể đếm được số người ra đây chơi trên đầu ngón tay. Đó là một nhóm bạn trẻ Trung Quốc mang theo phao đùa nghịch dưới biển. Một gia đình có trẻ nhỏ hết xuống nước vùng vẫy lại lên bờ đắp cát.

Chiều cùng ngày, cảnh tượng vẫn vắng vẻ một cách kỳ lạ trên đường tới chùa Linh Ứng ở bán đảo Sơn Trà.

Không nhiều du khách ghé thăm chùa Linh Ứng (Sơn Trà, Đà Nẵng) chiều 1/5. Một số người nước ngoài không đeo khẩu trang. Ảnh: NVCC.

Đến địa điểm mới nổi gần đây, được giới trẻ gọi vui là “bãi đá Obama”, tôi mới thấy khoảng 100 người, chủ yếu là các gia đình ở địa phương, ngồi chen chúc trong những chiếc chòi để ăn uống, hát hò. Thấy cảnh tượng đông đúc, không ai đeo khẩu trang hay để ý đến việc giãn cách, tôi và bạn đồng hành nhanh chóng ra về.

Dù kế hoạch hôm đó còn đi “chill” ở quán bar trên nóc tòa nhà cao tầng vào buổi tối, chúng tôi quyết định hủy bỏ vì môi trường kín như bar, pub có thể dễ lây lan virus.

Trong suốt cả ngày, tôi và bạn đồng hành không quên đeo khẩu trang và mang theo nước rửa tay. Thỉnh thoảng khi di chuyển trên đường, tôi tranh thủ đọc tin tức để cập nhật tình hình về các ca nhiễm mới.

Đi chơi trong thấp thỏm

Theo lịch trình, ngày 2/5, tôi dành thời gian chủ yếu ở thành phố Hội An (Quảng Nam). Khác với Đà Nẵng, các điểm vui chơi ở đây vẫn khá đông đúc.

Trừ lúc đi lặn ngắm san hô hay tắm biển ở Cù Lao Chàm, tôi và bạn đồng hành cố gắng không rời chiếc khẩu trang. Đến giờ ăn trưa, chúng tôi cũng chọn bàn ở góc để hạn chế tiếp xúc với mọi người.

Tuy nhiên, với số lượng du khách khá đông đúc có mặt trên đảo, việc đảm bảo giãn cách xã hội là rất khó.

Du khách thưa thớt ở phố cổ Hội An lúc khoảng 16h chiều 2/5, song càng về tối càng trở nên đông đúc. Ảnh: NVCC.

Trên đường di chuyển tới phố cổ Hội An, tài xế taxi nhắc nhở chúng tôi về ca nghi nhiễm SARS-CoV-2 là người địa phương. Tôi liền mở điện thoại kiểm tra thông tin để yên tâm hơn.

Càng đến tối, số lượng du khách kéo đến phố cổ càng đông, chủ yếu là các bạn trẻ đi du lịch cùng người yêu, gia đình. Họ tập trung đông quanh các khu vực tham quan nổi tiếng như chùa Cầu, cổng chùa Bà Mụ, hội quán Phúc Kiến... để chụp ảnh. Theo quan sát, hầu hết không đeo khẩu trang.

Không muốn nán lại lâu ở chốn đông người, chúng tôi quyết định ra về sau khi đi tham quan một vòng.

Ngày cuối cùng ở Đà Nẵng, tôi chủ yếu ở trong khách sạn, không la cà phố sá vì hoang mang trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Ở sân bay tối 3/5, tôi càng mong trở về nhà khi Sở Y tế Đà Nẵng thông tin thành phố phát hiện một bệnh nhân Covid-19 trong cộng đồng. Người đàn ông này làm việc tại khách sạn Phú An (quận Hải Châu, Đà Nẵng), trú tại TP Hội An. Tôi bồn chồn khi biết trước đó, anh ấy đi lại nhiều địa điểm giữa hai thành phố.

Trước giờ lên tàu bay, tôi đã thực hiện khai báo y tế theo yêu cầu. Tôi và bạn đồng hành cũng thực hiện triệt để việc đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và giữ khoảng cách trước khi chuyến bay khởi hành.

Về đến nhà, sáng hôm sau, tôi lập tức khai báo y tế khi nhận được email của công ty. Tôi cũng xin tự cách ly tại nhà để theo dõi tình hình dịch bệnh.

Qua đọc tin tức, tôi biết từ 0h ngày 4/5, thành phố Đà Nẵng tạm dừng các hoạt động không thiết yếu và cấm tắm biển. Ở thành phố Hội An, đường phố cũng trở nên vắng lặng, hàng quán đóng cửa sau khi phát hiện ca mắc Covid-19.

Chiều 4/5, các tuyến phố cổ ở TP Hội An vắng lặng sau khi địa phương này xuất hiện ca dương tính với SARS-CoV-2. Ảnh: Thanh Đức, Quốc Tuấn.

Với tôi, đi chơi trong kỳ nghỉ lễ trùng đợt dịch mới bùng phát là trải nghiệm nhớ đời khi cảm giác bất an thường trực, cứ chốc chốc lại vào mạng đọc tin tức để cập nhật tình hình.

Tuy nhiên, ít nhất, tôi nghĩ bản thân đã thực hiện tốt quy tắc 5K và tuân thủ mọi quy định về phòng chống dịch ở những nơi mình đi qua.

Thu An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/co-di-hoi-an-trong-ky-nghi-le-toi-bat-an-nhieu-hon-vui-post1211882.html