Cố đô Huế: Từ dấu ấn văn hóa truyền thống đến nỗ lực lan tỏa

(Cinet)- Huế trở thành điểm đến mời gọi khách du lịch bởi giá trị văn hóa truyền thống.

Quần thể di tích cố đô Huế luôn hấp dẫn khách du lịch (Theo: hueworldheritage.org.vn)

Không gian lưu giữ “ký ức” lịch sử, văn hóa dân tộc Việt Nam

Huế là xứ sở của di sản, là nơi lưu giữ, bảo tồn giá trị văn hóa từ thời Nguyễn, triều đại quân chủ cuối cùng của dân tộc. Đến với Huế, du khách có cơ hội khám phá các di sản, đặc biệt là 5 di sản thuộc 3 loại hình: khác nhau được UNESCO vinh danh: Quần thể di tích cố đô Huế (1993- di sản vật thể); Nhã nhạc- âm nhạc cung đình Việt Nam (2003- di sản phi vật thể); Mộc bản triều Nguyễn (2009- di sản tư liệu); Châu bản triều Nguyễn (2014-di sản tư liệu); và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016- di sản tư liệu). Đây là nguồn tài nguyên văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc và mang dấu ấn một giai đoạn trong dòng chảy lịch sử dân tộc.

Đáng chú ý nhất, quần thể Cố đô Huế là hệ thống kiến trúc cung đình, bao gồm thành quách, cung điện, lăng tẩm. đền miếu, chùa quán, phố thị, vườn cảnh… Đó là không gian phản ánh diện mạo kinh đô phương Đông trong thời đỉnh cao. Cố đô Huế của nhà Nguyễn thể hiện sự đột phá trong tư duy kiến trúc so với kinh đô của các triều đại phong kiến khác. Bất chấp sự tàn phá của chiến tranh, thời tiết và thời gian, quần thể Cố đô Huễ vẫn nguyên vẹn giá trị trong tiềm thức dân tộc Việt, và đang được giữ gìn, bảo tồn để nét đẹp truyền thống lan tỏa trong cộng đồng.

Nhã nhạc cung đình Huế là thể loại nhạc của cung đình thời phong kiến, được biểu diễn vào các dịp lễ hội (vua đăng quang, băng hà, các lễ hội tôn nghiêm khác) trong năm của các triều đại nhà Nguyễn của Việt Nam. Nhã nhạc cung đình Huế được để cao như nghệ thuât diễn xướng bác học và cao quý. Trong thập niên 90 thế kỷ trước, môn nghệ thuật này từng bị lãng quên bởi đội ngũ nghệ nhân ngày càng ít và sự thiếu vắng môi trường biểu diễn. Tuy vậy, bộ môn nghệ thuật này đã được phục hồi và ngày càng phát triển bởi nỗ lực của những người làm công tác bảo tồn Cố đô, tình yêu nghề và tam huyết các nghệ nhân và sự ủng hộ, hỗ trợ của UNESCO.

Trình diễn Nhã nhạc cung đình Huế. (Ảnh: TTXVN)

Các di sản tư liệu như: Mộc bản triều Nguyễn (2009- di sản tư liệu); Châu bản triều Nguyễn (2014-di sản tư liệu); và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016- di sản tư liệu), là minh chứng góp phần khẳng định sự tôn vinh học vấn và tri thức của triều đại Nguyễn. Theo nhiều nhà nghiên cứu, số lượng các công trình biên soạn, in ấn dưới triều Nguyễn còn nhiều hơn của tất cả các triều đại trước đó cộng lại. Trong thời gian gần đây, những công trình tư liệu này không chỉ được lưu giữ phục vụ các nhà nghiên cứu mà còn được trưng bày ở Hoàng cung, để người dân địa phương và du khách có cơ hội tìm hiểu “kho tư liệu” quý báu này.

Với các di sản văn hóa truyền thống, Cố đô Huế trở thành nơi lưu giữ một phần “ký ức” văn hóa dân tộc. Tất cả những giá trị tinh hoa của triều đại Nguyễn được hội tụ trong Cố đô Huế. Vì thế, đến với Huế, du khách có cơ hội trải nghiệm trong không gian đa dạng và giàu giá trị văn hóa truyền thống.

“Huế: điểm đến 5 di sản” - Nỗ lực giữ gìn, bảo tồn và lan tỏa giá trị

“Huế: điểm đến 5 di sản” không chỉ slogan mới định vị thương hiệu mà còn là định hướng phát triển của ngành du lịch thành phố Huế. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút khách tham quan hằng năm, các sự kiện văn hóa lớn cũng triển tổ chức để hình ảnh địa danh, văn hóa và con người Huế ngày càng phổ biến rộng rãi.

Đặc biệt, trong thời gia gần đây, Festival Huế 2018 được tổ chức, là cơ hội quảng bá với công chúng trong và ngoài nước nguồn tài nguyên phong phú của thành phố Huế. Trong dịp này, nhiều chương trình nghệ thuật , lễ hội và hoạt động văn hóa được diễn ra, thu hút sư tham gia của đông đảo của khách du lịch và truyền thông quốc tế. Sự kiện khép lại trong tinh thần hữu nghị, tình đoàn kết và động lực hướng đến sự phát triển trong tương lai.

Từ những sự kiện quảng bá lớn, những nét đẹp truyền thông của Cố đô Huế không còn “đứng” tách biệt mà “hòa nhập” trong không gian văn hóa chung của nhân loại. Khi đường biên giữa các quốc gia ngày càng “mờ nhòe” trong bối cảnh hợp tác hội nhập, văn hóa trở thành “quyền lực mềm”, đóng vai trò quan trọng duy trì sự phát triển toàn diện và bền vững. Lúc này, văn hóa, di sản không còn là tài nguyên chỉ của riêng một địa phương hay dân tộc mà còn phải lan tỏa trong “làng văn hóa thế giới.” Chính vì thế, việc giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống vùng đất kinh đô cổ hay các địa danh khác trở thành trách nhiệm của tất cả người con đất Việt.

Có thể nói, chiến dịch quảng bá “1 điểm đến 5 di sản” là hướng đi đúng đắn của ngành du lịch thành phố Huế. Điều đó không chỉ thể hiện niềm tự hào về vùng đất giàu giá trị truyền thống mà còn khẳng định thương hiệu và nâng cao tầm vóc một điểm đến du lịch. Nhớ về Huế, mọi du khách sẽ nhớ đến một vùng đất truyền thống luôn sẵn sàng chào những vị khách đến khám phá, tham quan.

Nguồn Bộ VHTTDL: http://cinet.vn/viet-nam-noi-toi-den/co-do-hue-tu-dau-an-van-hoa-truyen-thong-den-no-luc-lan-toa-363797.html