Cổ đông Sacombank: 'Mong ước lớn nhất là được chia cổ tức'

Chặng đường tái cấu trúc 5 năm đã đi gần hết con đường khi đến nay được 4 năm, nhiều cổ đông Sacombank đã đề xuất được chia cổ tức

Sáng ngày 23/4, ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank – mã STB) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm tài chính 2020 tại Tp.HCM.

TOP 6 NGÂN HÀNG CÓ TỔNG DƯ NỢ TÍN DỤNG LỚN NHẤT

Báo cáo cổ đông, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank, cho biết năm 2020 là năm đầy thách thức, khó khăn do ảnh hưởng từ thiên tai, dịch bệnh, nhưng năm qua ngân hàng đã hoàn thành kế hoạch về lợi nhuận khi vượt 30% kế hoạch, tăng gần 4% so với năm trước đó, đạt 3.339 tỷ đồng.

Năm 2020, Sacombank đã cho vay ra tăng 15%, đạt 340.572 tỷ đồng. Với quy mô tín dụng ở mức trên 300.000 tỷ đồng, Sacombank đứng thứ 6 về quy mô tín dụng trong năm qua.

Nguồn vốn huy động tiền gửi cũng tăng 8%, đạt 447.369 tỷ đồng. Tổng tài sản tăng 9%, đạt 492.516 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu giảm còn 1,64%. Tổng số dư dự phòng 13.026 tỷ đồng, tăng gần 44% so với năm 2019. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) hợp nhất là 9,53%, cao hơn mức quy định là 8%.

Trong năm qua, Sacombank đã cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi, phí hơn 8.300 tỷ đồng theo Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước.

Các hoạt động công ty con của ngân hàng cũng được cải thiện khi Công ty Quản lý Nợ và Khai thác tài sản (SBA) đạt lợi nhuận gần 141 tỷ đồng. Công ty Cho thuê tài chính (SBL) đạt lợi nhuận gần 121 tỷ đồng. Công ty Kiều hối (SBR) với doanh số tăng 75,4%, lợi nhuận đạt 5 tỷ đồng. Công ty Vàng bạc Đá quý (SBJ), lợi nhuận đạt 1 tỷ đồng. Sacombank Lào và Sacombank Cambodia đạt mức lợi nhuận gần 1 triệu USD mỗi đơn vị.

Sau khi trích lập các quỹ cho năm 2020, lợi nhuận hợp nhất giữ lại lũy kế đến cuối năm 2020 hơn 6.495 tỷ đồng.

Đối với việc thực hiện Đề án tái cơ cấu đến năm 2025, mức thu hồi lũy kế đến cuối năm 2020 đạt 46.547 tỷ đồng, đạt 54,2% kế hoạch tổng thể, vượt 4,2% tiến độ.

Sacombank cũng đang kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận phương án chia cổ tức cho cổ đông từ lợi nhuận giữ lại. Đến nay, Sacombank vẫn đang chờ sự phê duyệt từ phía NHNN.

NĂM 2022 SẼ HOÀN THÀNH TÁI CƠ CẤU VÀ CHIA CỔ TỨC

Theo Sacombank, kinh tế thế giới năm 2021 được kỳ vọng sẽ hồi phục tích cực khi đại dịch đang từng bước được kiểm soát, các gói kích thích kinh tế sẽ phát huy tác dụng thúc đẩy tăng trưởng.

Do đó, ngân hàng lên kế hoạch kinh doanh cho năm nay với dự kiến lợi nhuận trước thuế tăng 20%, đạt 4.000 tỷ đồng. Theo đó, tổng dư nợ tín dụng tăng 9%, đạt 372.000 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn huy động đạt 485.500 tỷ đồng, tăng 9%. Trong đó, huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 478.300 tỷ đồng, tăng 9%. Tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.

Nguồn: Sacombank.

Nguồn: Sacombank.

Tại ĐHĐCĐ năm nay, cổ đông của Sacombank đã hỏi Ban Chủ tọa nhiều câu hỏi về vấn đề xử lý nợ xấu. Theo đó, cổ đông hỏi năm nay, ngân hàng xử lý Khu công nghiệp Phong Phú thế nào, bao nhiêu nợ xấu tiếp tục được thu hồi?

Cổ đông Thanh Trúc của Sacombank cho biết: "Mơ ước lớn nhất của cổ đông là được chia cổ tức, nhưng theo Đề án tái cấu trúc 5 năm, đến nay "chặng đường này" đã đi được 4 năm, cổ đông cũng chờ đợi 4 năm rồi, nếu được có thể chia cổ tức sớm hơn. Khi ông Dương Công Minh về thì cổ đông không ai ra đi, do đó, vui lòng "cho chúng tôi 1 ít máu để lưu thông huyết mạch".

Cổ đông hỏi về thông tin cổ phiếu Sacombank được bán cho một đối tác ngoại không? Lộ trình mua lại nhóm nợ xấu do VAMC nắm giữ trong thời gian tới? Hai ngân hàng là Sacombank và LienVietPostBank có mối liên hệ nào không…?

Trả lời các câu hỏi của cổ đông, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT của Sacombank, cho biết Sacombank và LienVietPostBank không có mối liên hệ nào. Sacombank là con dâu và được quý hơn vì hiện toàn bộ công việc của tôi đang tập trung tại Sacombank. LienVietPostBank là con đẻ và đã cho đi lấy chồng rồi. Con nào tôi cũng quý.

Sacombank đang cho bán đấu giá tất cả các tài sản mà ngân hàng mắc nợ theo Nghị quyết 42, thực hiện đấu giá công khai từ đấu giá gốc đến đấu giá khoản lãi của nợ xấu… Riêng Khu công nghiệp Phong Phú trước đây do có kiện tụng, UBND Tp.HCM đề nghị tạm ngưng để giải quyết. Trong năm 2021 sẽ đấu xong các khoản nợ này. Về Khu dân cư Bình Trị Đông đã bán đấu giá thành công.

Đối với khoản vốn 32,5% cổ phiếu của Sacombank do VAMC nắm giữ, đây là nợ xấu đã bán cho VAMC và phải xin phép Thủ tướng Chính phủ, khi bán cũng được đấu giá theo phương thức đấu giá gốc và lãi…

Về chia cổ tức, ngân hàng đang tái cơ cấu, bản thân tôi rất muốn được chia vì giá cổ phiếu đang tốt, nhưng vẫn phải trình NHNN vì Sacombank vẫn đang tái cơ cấu. Chúng tôi cố gắng trong 5 năm sẽ tái cơ cấu thành công, hy vọng năm 2022 – 2023 sẽ hoàn thành và trở về trạng thái bình thường và được chia cổ tức.

Về nợ xấu nội bảng là 1,62%, nghĩa là hoạt động tín dụng tốt, đạt quy định của NHNN dưới 3%. Phần lãi dự thu còn lại là 43.000 tỷ đồng, Sacombank sẽ cố gắng thực hiện thu hồi lãi dự thu trong năm 2022.

Theo ông Dương Công Minh thông tin về cổ đông chiến lược mới của ngân hàng thì phải đợi tái cơ cấu xong thì mọi chuyện mới được nói đến. Tôi khẳng định, đến hôm nay, Sacombank đã lấy lại được vị thế của mình trên thị trường tài chính – ngân hàng.

Tại đại hội, ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch của VAMC, cho biết hiện còn 10.000 cổ phần STB do ông Trầm Bê nắm giữ, VAMC đã trình Chính phủ để cuối năm nay hoặc năm sau trả lời rõ ràng. Sau khi xử lý mới biết được ông chủ thực sự của lượng cổ phiếu này và sẽ có "tiền tươi" được bơm vào, mọi chuyện sẽ tốt hơn. Hiện giá cổ phiếu STB đang tốt hỗ trợ cho hoạt động của Sacombank.

Ban Mai

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/co-dong-sacombank-mong-uoc-lon-nhat-la-duoc-chia-co-tuc-20210423115242433.htm