Cô đồng xem bói 'đúng nhận sai cãi' trên TikTok có thể xử phạt thế nào?

Hiện tượng người phụ nữ tên T.H đăng xem bói bằng hình thức bổ cau kèm câu nói 'đúng nhận sai cãi' khiến mạng xã hội dậy sóng những ngày qua.

Hiện tượng "cô đồng bổ cau" gây sốt mạng xã hội

Những ngày qua, mạng xã hội xôn xao nhiều đoạn clip ghi lại hình ảnh một người phụ nữ T.H. hiện đang làm việc tại Kinh Môn (Hải Dương) nổi tiếng qua những video xem bói cho người khác qua hình thức bổ cau.

Clip "cô đồng xem bói" bằng việc bổ cau thu hút hàng triệu lượt xem trên TikTok

Clip "cô đồng xem bói" bằng việc bổ cau thu hút hàng triệu lượt xem trên TikTok

Trên tài khoản TikTok của người này hiện có hơn 150.000 lượt theo dõi, người phụ nữ này thường xuyên đăng tải các đoạn video hầu đồng hay ngồi bổ cau và nói về "lá số tử vi" của người khác.

Trong các video này, cô đồng T.H luôn xưng với người xem bói là cô và con, chuyên xem về đường tình duyên, đất cát, nhà cửa, công danh sự nghiệp, vận hạn…

Không chỉ xem số mệnh, dự đoán về công việc, tình duyên, người phụ nữ còn nói về gia thế, thậm chí chỉ đích danh họ tên các thành viên trong gia đình của người hỏi.

Trong một clip xem bói thu hút hơn 2,5 triệu lượt xem trên nền tảng, người này nói: "Nhà mình tên Tuấn cũng có, tên Đức cũng có, tên Thủy cũng có, Tiến và Lam cũng có, Hưng và Thành cũng có luôn... Bổ quả cau này ra, có người tên Hoa... đúng nhận sai cãi cho cô".

Câu nói "đúng nhận sai cãi cho cô" của cô đồng T.H. ngay sau khi được lên sóng đã nhanh chóng tạo xu hướng trên nền tảng xã hội như TikTok hay Facebook.

Ngay sau đó, một loạt các video về phong cách của cô đồng T.H. cũng được nhiều người bắt chước. Thậm chí, trên TikTok còn xuất hiện tài khoản giả mạo "cô đồng" với mục đích lừa đảo xem bói online.

Cơ quan chức năng vào cuộc

Theo thông tin từ Dân Việt, chiều 7/2, lãnh đạo UBND thị xã Kinh Môn cho biết, đơn vị đang vào cuộc xác minh kiểm tra sự việc nói trên.

Đĩa tiền và cau đặt trước mặt người phụ nữ tên T.H trong quá trình xem bói

Bà Ninh Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cho biết hiện nay, chưa có các khái niệm mê tín dị đoan trong văn bản quy phạm.

Tuy nhiên, từ góc độ nhà nghiên cứu, đây là mê tín dị đoan vì là hiện tượng bói toán. Để có thể xác định rõ ràng hành vi của cá nhân trên, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng tại địa phương để khẩn trương xác minh, làm rõ.

Đồng quan điểm, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ cũng khẳng định đây là hoạt động mê tín, dị đoan, hoàn toàn không nên tin và mất tiền vào hoạt động này.

Trong bối cảnh, mạng xã hội đang phát triển rất mạnh mẽ và có tác động vô cùng lớn đối với xã hội, đặc biệt là đối với giới trẻ, bà Hương cho rằng, mỗi người dân khi tham gia vào mạng xã hội phải chấp hành các quy định của pháp luật về trách nhiệm khi sử dụng mạng xã hội.

Đặc biệt, người dùng cũng cần nâng cao nhận thức của mình đối với các hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xúy các hủ tục, mê tín dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.

Xử lý thế nào với hành động mê tín dị đoan?

Ở góc độ pháp lý, luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, mạng xã hội là công cụ hữu hiệu để chia sẻ thông tin đến đông đảo công chúng.

Tuy nhiên, hiện nay không ít những cá nhân, tổ chức đã lợi dụng mạng xã hội để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, không ít trong số đó đã bị xử phạt hành chính, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự.

Lluật sư Trần Xuân Tiền

Theo luật sư Tiền "bói toán" là hình thức mê tín dị đoan bị pháp luật cấm. Cụ thể, tại điểm đ khoản 7 Điều 14 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, hành vi tổ chức hoạt động mê tín dị đoan sẽ bị xử phạt từ 15-20 triệu đồng.

Theo luật sư Tiền, đối với người thực hiện hành vi mê tín, dị đoan mà đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về tội hành nghề mê tín dị đoan, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này theo quy định tại Điều 320 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với hình phạt là phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi dẫn đến làm chết người hoặc thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên hay gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng.

Luật sư khuyến cáo rằng, tử vi và bói toán chỉ nhằm tác động vào trạng thái tâm lý gọi chung là sự xác nhận chủ quan, sự ngộ nhận, đánh lừa nằm ở bộ não của chính chúng ta. Thực tế, không ít người mê xem bói đã bị kẻ xấu lợi dụng. Nhẹ thì bị rơi vào trạng thái lo lắng, thấp thỏm, bất an và sợ hãi. Nặng thì bị lừa gạt đến thân bại danh liệt, tiền mất tật mang.

"Để hạn chế được vấn nạn này thì các cơ quan chức năng và người dân cần nâng cao công tác phòng chống mê tín dị đoan.

Cơ quan chức năng cần tuyên truyền, phổ biến cho người dân về hậu quả của việc mê tín dị đoan, đồng thời cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để phát hiện những trường hợp có hành vi quảng cáo mê tín dị đoan, hay các "thầy bói" có hành vi buôn thần bán thánh để nhanh chóng xử lý vi phạm, tránh những hậu quả không lường trước", luật sư Tiền bày tỏ.

Minh Hiếu

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/co-dong-xem-boi-dung-nhan-sai-cai-tren-tiktok-co-the-xu-phat-the-nao-d581191.html