Có dự án chống ngập 10.000 tỷ, TP.HCM có hết ngập?

Theo KTS.TS Võ Kim Cương, đây là dự án có thể giải quyết căn cơ bài toán chống ngập do triều cường, biến đổi khí hậu cũng như do mưa lớn.

Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM vừa tổ chức hội thảo chuyên đề về thực trạng triển khai các giải pháp giảm ngập nước trong 5 năm qua, cũng như đề xuất các giải pháp, chỉ tiêu định hướng cho giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn TP.HCM.

Tại hội thảo, nhiều giải pháp chống ngập độc đáo cho TP.HCM đã được đưa ra, như sử dụng hóa chất Drap Reduction Polymer (DRP) hòa tan vào nước để giải quyết ngay các điểm ngập qua nhờ tăng công suất dòng chảy lên tới 40% và không ảnh hưởng đến môi trường; thu phí thoát nước mưa đối với các công trình xây không hết diện tích đất mà không có công trình điều tiết nước mưa; mềm hóa các vỉa hè, các mặt bằng nơi công cộng bằng các loại vật liệu thấm nước nhanh, nhiều...

KTS.TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho rằng, TP cần ưu tiên đầu tư một số công trình chống ngập, trong đó ưu tiên số 1 là dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng.

Giải thích thêm với Đất Việt về ý kiến của mình, KTS.TS Võ Kim Cương cho biết, đây là dự án có thể giải quyết căn cơ bài toán chống ngập do triều cường, biến đổi khí hậu cũng như do mưa lớn.

Hàng ngàn tỷ đồng đã đổ vào dự án này, tuy nhiên cho đến nay dự án vẫn đang dở dang, kéo dài. Bởi vậy, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM đề nghị cần gấp rút hoàn thành dự án bởi số tiền khổng lồ TP.HCM đã đổ vào đó và cả vì ý nghĩa của dự án này khi hoàn thành.

Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng của TP.HCM vẫn chưa thể hoàn thành do vướng mắc về vốn và mặt bằng. Ảnh: SGGP

Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng của TP.HCM vẫn chưa thể hoàn thành do vướng mắc về vốn và mặt bằng. Ảnh: SGGP

"Nếu làm được hệ thống đê bao chắn triều cường thì diện tích TP.HCM bị ngập do triều cường giảm đi rất nhiều, thậm chí có thể nói là sẽ giải quyết căn bản tình trạng ngập do triều cường.

Hơn nữa, khi hoàn thành hệ thống đê cao chắn triều cường, mực nước ở các rạch trong nội thành cũng hạ xuống ổn định, tự nhiên trở thành các hồ điều tiết, khi có mưa lớn sẽ trữ nước mưa trong đó", KTS.TS Võ Kim Cương giải thích.

Theo vị chuyên gia, dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng hoàn thành cũng sẽ hạn chế được tình trạng ngập lụt do mưa.

Trước đây, khi không có đê, vào lúc triều cường cao, nước từ ngoài sông sẽ chảy vào trong cống, chảy ngược lên đường. Nhưng khi có đê chắn nước sông sẽ không có áp lực làm nước chảy ngược lên mặt đường nữa, trong trường hợp có mưa việc sử dụng máy bơm sẽ hiệu quả.

Để làm tốt điều này, TS Cương lưu ý, cần xem lại cấu trúc đường cống đã đủ độ dốc chưa, nếu độ dốc đảm bảo cho nước chảy tốt thì sẽ chống ngập được. Chưa kể, dự án cũng giải quyết nhiều việc liên quan đến cốt nền bởi cốt nền ở TP.HCM trước đây được xây dựng khi không có đê, nhưng sau khi đê bao thì cốt nền không thể cao như cũ.

Khẳng định dự án chống ngập 10.000 tỷ là giải pháp cơ bản và lâu dài, TS Cương cho biết, hiện nay có nhiều ý kiến phê phán và muốn có chống ngập kiểu khác, như đắp đê ngoài biển, nhưng đó mới chỉ là ý tưởng, còn đây là dự án đang làm, đã bỏ vào đó hàng ngàn tỷ đồng nên TP.HCM phải làm gấp, dứt điểm và nó sẽ mang lại hiệu quả rất thiết thực.

Từ cái gốc là dự bán chống ngập nói trên, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho hay, TP cũng cần xác định lại cốt nền của các công trình ở các khu mới đang phát triển, quy hoạch lại hệ thống thoát nước cho hợp lý hơn. Đây là hai việc phải gắn liền với nhau.

"Hiện hệ thống thoát nước của TP đã quy hoạch rồi nhưng theo cốt nền và mức nước triều cũ, trong phạm vi đô thị phát triển cũng hạn chế hơn. Khi TP phát triển rộng rãi hơn thì phải có quy hoạch tổng thể về thoát nước mới, tức phải điều chỉnh cái cũ, trên tinh thần xác định các lưu vực nhỏ hơn để cho các hệ thống cống có độ thoát nước tốt hơn", KTS.TS Võ Kim Cương nói.

Cùng với đó, phải coi giáo dục người dân không xả rác để bảo vệ hệ thống cống là một biện pháp giáo dục chính.

"Có ý kiến đề nghị phải có chế tài xử lý, nhưng chế tài rất khó thực hiện vì chúng ta không đủ người để theo dõi các miệng cống, nhất là lúc mưa gió.

Do đó, đã là chế tài thì phải đủ sức răn đe, còn nếu xác định chỉ phạt sơ sơ, không có tiền nộp hay không làm công ích cũng xong thì tốt nhất là nên thôi... Việc tuyên truyền giáo dục cần phải được thực hiện từ mẫu giáo, phổ thông mới hiệu quả", KTS.TS Võ Kim Cương cho biết.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/co-du-an-chong-ngap-10000-ty-tphcm-co-het-ngap-3393865/