Cô gái 25 tuổi bất ngờ phát hiện suy kiệt buồng trứng, nguy cơ mãn kinh sớm

3 tháng trước lễ cưới, chị Thanh Hà (25 tuổi) ở Hải Dương đi khám sức khỏe, bất ngờ phát hiện buồng trứng suy kiệt, nguy cơ mãn kinh sớm, khó có con.

Cụ thể, thấy kinh nguyệt thưa, chu kỳ chỉ kéo dài 2-3 ngày, lượng ít dần, chị Hà đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội (IVFTA) khám.

Kết quả xét nghiệm AMH của chị Hà chỉ còn 0.6 ng/mL, trong khi phụ nữ khỏe mạnh dưới 38 tuổi thường là 2.2-6.8. Siêu âm buồng trứng trái có 4 nang trứng, bên còn lại 2 nang trứng. Ở phụ nữ cùng độ tuổi, số lượng nang trứng ít nhất là 10.

“Bác sĩ nói nếu trì hoãn điều trị, tôi có nguy cơ phải xin trứng để có con”, chị Hà lo lắng nói.

Tương tự, chị Ngọc Diệu (30 tuổi) ở Hà Nội cũng có biểu hiện rối loạn kinh nguyệt từ trước khi kết hôn. Vợ chồng canh ngày rụng trứng, thay đổi chế độ ăn bổ trứng và tinh trùng, uống thuốc đông tây y… nhưng vẫn không có thai.

Tại IVFTA, BS.CKI Phan Ngọc Quý chẩn đoán chị Diệu vô sinh do buồng trứng suy kiệt như phụ nữ ngoài 45 tuổi bước vào thời kỳ tiền mãn kinh, chỉ số dự trữ buồng trứng (AMH) chỉ còn 0.3 ng/mL. Hình ảnh siêu âm không thấy nang trứng.

Bác sĩ Phan Ngọc Quý đang tư vấn cho người bệnh

Theo bác sĩ Quý, số lượng tế bào trứng ở nữ giới cao nhất (khoảng 6-7 triệu) khi còn trong bụng mẹ ở tuần thai thứ 20. Con số này sẽ giảm dần theo thời gian. Khi mới sinh, bé gái còn khoảng 1 triệu nang noãn ở buồng trứng. Đến tuổi dậy thì, hai buồng trứng chỉ còn khoảng 300.000 - 400.000 tế bào.

Trước khi dậy thì, các nang noãn nguyên thủy lần lượt phát triển nhưng hầu hết đều thoái hóa. Chỉ đến giai đoạn dậy thì, trục nội tiết sinh sản hoạt động làm tăng tiết FSH vào mỗi chu kỳ kinh, giúp một số nang noãn không bị thoái hóa, tiếp tục phát triển và phóng noãn. Trong suốt độ tuổi sinh sản của phụ nữ, chỉ có 400-500 tế bào trứng được phóng thích khi rụng trứng.

Số lượng nang noãn nguyên thủy ở hai buồng trứng giảm dần cho đến khi không còn nang noãn ở 2 buồng trứng, phụ nữ bước vào giai đoạn mãn kinh (thường xuất hiện ở tuổi 45-55). Lúc này, người phụ nữ mất dần cơ hội mang thai và sinh con bằng noãn của chính mình.

Tuy nhiên, với phụ nữ suy buồng trứng sớm, các chức năng của buồng trứng sẽ ngừng hoạt động và sản xuất trứng ở trước tuổi 40. Tình trạng này xảy ra ở khoảng 3.7% phụ nữ trên toàn cầu. Việt Nam hiện chưa có số liệu thống kê tỷ lệ phụ nữ POI. Tại IVF Tâm Anh, tỷ lệ bệnh nhân POI đến thăm khám và điều trị hỗ trợ sinh sản chiếm khoảng 50%. Trong thực tế thăm khám và điều trị, bác sĩ Quý đã gặp trường hợp nữ giới chưa kịp dậy thì nhưng đã mắc bệnh.

Hiện chưa có phương pháp giúp quá trình lão hóa buồng trứng ngưng lại hay cải thiện tình trạng này. Khả năng thụ thai tự nhiên và mang thai của phụ nữ mắc bệnh chỉ còn khoảng 5%. “Thụ tinh ống nghiệm (IVF) hiện là phương pháp hiệu quả ở thời điểm hiện tại giúp cải thiện khả năng sinh sản ở nữ giới mắc bệnh lý này,” bác sĩ Quý nhận định.

Chị Hà được bác sĩ chỉ định kích thích buồng trứng bằng đường uống theo phác đồ cá thể hóa. Với mục tiêu gom tối đa số trứng còn lại, bác sĩ chỉ định chọc hút trứng mỗi chu kỳ một lần, dự kiến kéo dài trong 6 chu kỳ (tương đương 6 tháng). Quá trình chọc hút trứng người bệnh được gây mê hoặc gây tê nên không có cảm giác đau đớn. Sau 4 chu kỳ, chị Hà thu được 8 nang noãn. Những noãn này được trữ đông bằng kỹ thuật thủy tinh hóa, chờ ngày sinh con.

Theo bác sĩ Quý, tại thời điểm trữ đông, “đồng hồ sinh học” của tế bào trứng sẽ được ngưng lại. Khi có nhu cầu sử dụng, trứng sẽ được rã đông từ từ trong dung dịch chuyên biệt để loại bỏ chất trữ đông, khôi phục các hoạt động sinh học như ban đầu.

Với thời gian trữ đông không có giới hạn, đây hiện là xu hướng điều trị bảo tồn khả năng sinh sản tối ưu dành cho nữ giới suy buồng trứng sớm, dự trữ buồng trứng thấp, bệnh nhân ung thư sắp phải điều trị hóa, xạ trị.

Tuy nhiên, tế bào trứng có tới 99% thành phần là nước nên quá trình trữ đông đòi hỏi được bảo quản nghiêm ngặt trong môi trường nitơ lỏng âm 196 độ C để đảm bảo chất lượng. Với công nghệ thủy tinh hóa, chất lượng trứng rã tương đương trứng tươi.

Tỷ lệ noãn sống sau rã đông là 97%, gấp ba lần so với phương pháp cũ là đông lạnh chậm. Tỷ lệ IVF thành công từ trứng trữ tương đương trứng tươi.

Trứng được trữ đông trong môi trường nitơ lỏng ở âm 196 độ C

Với chị Ngọc Diệu, bác sĩ chỉ định kích thích buồng trứng theo phác đồ cá thể hóa, thu được ba noãn đạt tiêu chuẩn. Vợ chồng tạo được ba phôi ngày 3 trữ đông. Sau quá trình chuẩn bị niêm mạc, chị Diệu được chuyển một phôi vào buồng tử cung và đậu thai ngay. Tháng 11/2023, gia đình hạnh phúc đón con gái đầu lòng ở tuần thai 38 bằng phương pháp mổ.

Theo bác sĩ Quý, khoảng 90% trường hợp không xác định được nguyên nhân gây ra suy buồng trứng sớm. Một số nghiên cứu chỉ ra bệnh có thể liên quan đến sự biến dị của nhiễm sắc thể, di truyền; hay ảnh hưởng của việc can thiệp, phẫu thuật buồng trứng, vòi trứng, nạo phá thai gây rối loạn nội tiết, các bệnh tự miễn, giảm cân quá mức. Môi trường sống ô nhiễm, thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá, hóa chất, thuốc trừ sâu; người bệnh ung thư phải điều trị hóa-xạ trị… cũng có thể gây suy buồng trứng.

Người mắc bệnh thường có biểu hiện vô kinh, rối loạn kinh nguyệt, lượng máu kinh ít hơn và thay đổi màu sắc. Tình trạng này thường làm giảm estrogen, do đó phụ nữ sẽ có những dấu hiệu tương tự thời kỳ mãn kinh như mất ngủ, ngực nhão và chảy xệ, tóc dễ gãy rụng, da nhăn nheo, suy giảm trí nhớ, âm đạo khô, dễ đau rát khi quan hệ, giảm nhu cầu và ham muốn tình dục…

Ngoài ảnh hưởng khả năng sinh sản, bệnh còn có thể khiến chị em phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe như loãng xương, mắc bệnh tuyến giáp, tim mạch…

Bác sĩ Quý khuyên, phụ nữ đang có kế hoạch mang thai nên xây dựng chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt lành mạnh, luyện tập thể dục để duy trì cân nặng hợp lý và giải tỏa căng thẳng.

Ngoài ra, chị em nên chủ động thăm khám sức khỏe sinh sản định kỳ nếu có dấu hiệu tương tự mãn kinh như rối loạn kinh nguyệt, mất ngủ, chóng mặt, buồn nôn, giảm ham muốn tình dục, suy giảm trí nhớ, khô âm đạo,… hoặc ngay cả khi chưa có triệu chứng bất thường. Chẩn đoán, nhận biết sớm các bệnh lý giúp điều trị sớm với hiệu quả cao, tránh nguy cơ đã có biến chứng, tiết kiệm chi phí.

PV

Nguồn Tiêu Dùng: https://tieudung.giadinhonline.vn/co-gai-25-tuoi-bat-ngo-phat-hien-suy-kietbuong-trung-nguy-co-man-kinh-som-d8848.html