Cô gái Canada yêu Việt Nam sau 150 ngày vòng quanh thế giới

Sau 5 tháng lênh đênh trên biển và đến thăm nhiều quốc gia, nữ sinh người Canada đã có những trải nghiệm thú vị. Tuy nhiên, cô lỡ 'phải lòng' Việt Nam chỉ sau vài ngày tiếp xúc.

Tháng 1/2014, Rebecca Isaak, người Canada, bắt đầu chu du thế giới từ bến cảng thành phố San Diego, Mỹ. Khi đó, Rebecca 21 tuổi và tham dự "Học kỳ trên biển", một chương trình cho phép sinh viên đại học sống và học tập trên một con tàu ghé thăm nhiều bến cảng trên thế giới. Hành trình sẽ diễn ra trong 5 tháng.

Chia sẻ với BBC, Isaak cho hay mẹ cô cũng từng tham dự chương trình này vào năm 1981. "Tôi muốn ôm bức tượng mẹ từng ôm khi tới Trung Quốc, uống tới chuếnh choáng ở Nhật Bản, làm quen và có những tình bạn bền lâu như mẹ từng có", cô nói.

Tuy nhiên, trong hành trình vượt đại dương, cô lại có những câu chuyện của riêng mình.

Isaak muốn đi trên hành trình mẹ cô từng đi trong những năm còn trẻ. Ảnh: Rebecca Isaak.

Ấn Độ khác xa so với trí tưởng tượng

Một trong những điểm dừng chân đáng nhớ nhất của Isaak là Ấn Độ. Khi bước vào lăng Taj Mahal trong đôi dép lê màu trắng, một suy nghĩ chợt xuất hiện trong đầu cô.

"Lúc đó, tôi chợt nhận ra mẹ đã tiếc nuối thế nào khi không đến Taj Mahal. Nhưng tôi thì có", Issak chia sẻ.

Lăng mộ hệt như trong bức ảnh nhưng trải nghiệm khác hẳn với những gì cô tưởng tượng. Quang cảnh xung quanh náo loạn. Mọi người cố chèo kéo bán đồ lưu niệm.

"Họ nói oang oang, xô đẩy và nắm lấy tay bạn", nữ sinh kể lại cùng cảm xúc ngột ngạt và không thảnh thơi như những hình dung trước đó.

Bất chấp những xô bồ phía ngoài, lăng Taj Mahal khiến nữ sinh ấn tượng với vẻ lộng lẫy bên trong. Ảnh: Thinkstock.

Song, sau khi bước vào khu lăng mộ, cảm giác của Issak thay đổi. Những chi tiết phức tạp cùng các họa tiết chạm khắc trên các bức tường khiến cô mê mẩn. Bước dọc hành lang đá cẩm thạch, nữ sinh nhận ra sự vĩ đại và lộng lẫy của ngôi đền trước mắt.

Những vùng đất khác của Ấn Độ cũng khiến cô hài lòng. Cô thích hòa mình vào cuộc sống hàng ngày của người dân và gần gũi với họ. Điều này mang đến cho Isaak những trải nghiệm tuyệt vời.

Trong đêm đầu tiên và cũng là duy nhất ở thành phố New Delhi, một hướng dẫn viên du lịch đã nhiệt tình đưa Isaak và bạn bè tham quan đền thờ đạo Sikh. Anh đã ở lại rất muộn để chỉ cho cô và các bạn "chốn linh thiêng", nơi người ta giữ kinh kệ đạo Sikh.

Lúc đầu, họ chỉ định ở lại khoảng 5 phút. Nhưng sau khi thấy cảnh những người theo đạo đến đền dự nghi lễ, nghe giảng kinh và dùng bữa trong bếp, các sinh viên đã nán lại cả tiếng đồng hồ. Từ đó, họ có thêm những hiểu biết về đạo Sikh trong khi hướng dẫn viên cũng hiểu thêm về các nền văn hóa khác.

Cố gắng tiếp xúc với người địa phương trở thành mục tiêu của Isaak. "Nếu không gặp gỡ họ, tôi cảm thấy mình không thực sự ở đất nước này", cô bày tỏ quan điểm.

Những người bạn mới ở TP.HCM khiến Isaak "phải lòng" Việt Nam. Ảnh: Rebecca Isaak

Những người bạn mới ở Việt Nam

Trong hành trình, Isaak đặt chân tới một quốc gia khác mẹ cô chưa đến trong chuyến đi ngày trước, Việt Nam. Nhờ một website kết nối du khách với người địa phương dành cho những ai muốn kiếm chỗ ở giá rẻ và những người bạn mới, cô đã có những cuộc nói chuyện, gặp gỡ tuyệt vời.

3 ngày ở TP.HCM, Isaak cố gắng tìm hiểu cuộc sống của những người dân bản địa. Đầu tiên, cô gặp một giáo viên tiếng Anh. Ông đã đưa cô đến cửa hàng đồ ăn nhanh khai trương ở Việt Nam. Ngoài ra, họ cùng nhau nhấm nháp ly cà phê đá ở con phố đối diện.

Để đáp lại thịnh tình, Isaak đến lớp học của ông và tiếp xúc với những học viên Việt Nam. "Tôi gặp khoảng 30 người. Họ khá láu lỉnh và hơi căng thẳng khi hỏi tôi về Canada, về cảm nhận của tôi đối với các chàng trai Việt", cô nói.

Bên cạnh đó, nữ sinh người Canada cũng gặp 2 thiếu nữ người Việt. Họ nhanh chóng trở nên thân thiết. Những người bạn mới đã đưa cô đi thăm thú khắp nơi.

Ngân, một cô bạn khác, mời Isaak ở lại nhà mình 2 đêm. Cô giới thiệu nữ sinh người Canada cùng các bạn và đưa Isaak đến thăm trường của mình. Họ cùng nhau chơi cầu lông trong những con hẻm.

Thực tế, chương trình của Isaak khuyến cáo sinh viên không tự ý tham gia các hoạt động ngoài lịch trình. Những phần này không xuất hiện trong hợp đồng bảo hiểm du lịch. Ban tổ chức cũng không khuyến khích sinh viên đi ngủ nhờ nhà dân hay đi lại bằng xe máy. Tuy nhiên, Isaak đã "thử cả 3".

Dù đi qua nhiều quốc gia, Isaak cho rằng không nơi nào có thể bằng Việt Nam. Ảnh: Rebecca Isaak.

Myanmar rất đẹp, nhưng chẳng nơi nào bằng đất nước hình chữ S

Trong hành trình, tàu của Isaak dừng lại ở Myanmar. Vào năm 1981, khi mẹ cô còn là sinh viên, chương trình đã không đưa đất nước này vào trong lịch trình.

Trong 4 ngày, Isaak và những người bạn đến thăm thành phố cổ Bagan. Họ đã rất ấn tượng với những ngôi chùa với mái hiên rộng. Những buổi chiều ngắm cảnh hoàng hôn khiến lòng họ bừng lên xúc cảm.

"Tôi choáng ngợp trước vẻ lộng lẫy và cảm thấy bình an vô cùng. Những khoảnh khắc tuyệt đẹp này dường như xóa hết mọi lo lắng, ưu phiền trong tôi", cô nói.

Trong suốt thời gian của khóa học, nữ sinh cũng đến các quốc gia khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Mauritius, Nam Phi, Ghana và Anh. Tuy nhiên, Việt Nam luôn là điểm đến đặc biệt.

"Với tôi, không nước nào có thể sánh bằng Việt Nam", cô nhấn mạnh.

"Học kỳ trên biển" dạy cô cách bước ra khỏi vùng an toàn, biết vượt qua sợ hãi về những điều mình chưa biết.

"Dần dần, tôi nhận ra ngay cả khi đi theo những gì mẹ từng làm, tôi vẫn có những trải nghiệm của riêng mình", Isaak nhận định. Từ đó, nữ sinh hiểu ra cô phải bắt đầu cuộc sống của mình chứ không phải ở trong cái bóng của mẹ.

Trước chuyến đi, Isaak từng đặt ra những kỳ vọng. Nhưng sau đó, cô nhận ra mình và mẹ là hai cá nhân khác nhau. Đã đến lúc cô phải sống cuộc đời của mình và có những cuộc phiêu lưu riêng.

"Khi về đến nhà trong bộ dạng nhếch nhác, tôi ôm chầm lấy mẹ và biết rằng mình đã có những câu chuyện tuyệt vời và độc đáo không kém gì bà", cô nói.

Kim Ngân
Theo BBC

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/co-gai-canada-yeu-viet-nam-sau-150-ngay-vong-quanh-the-gioi-post892869.html