Cô gái dân tộc Thái đen quyết đưa sản phẩm dệt thổ cẩm về thành phố

Với niềm đam mê khát khao là đưa sản phẩm Dệt thổ cẩm của đồng bào mình về bán tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và xuất sang nước ngoài, Sầm Thị Tình - Cô gái dân tộc Thái đen, sinh năm 1986, ở bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An đã quyết tâm mang hồn quê về phố.

Lần đầu tiên gặp Sầm Thị Tình, nhiều người ấn tượng ngay với đôi mắt sáng, nụ cười tươi rói và hồn nhiên của cô gái dân tộc Thái đen này. Tốt nghiệp trường Cao đẳng Phát thanh truyền hình nhưng không theo nghề mà quyết định theo đuổi đam mê của mình, năm 2016, Sầm Thị Tình bắt đầu khởi nghiệp từ những miếng vải thổ cẩm vụn.

Sầm Thị Tình giưới thiệu sản phẩm với khách nước ngoài.

Nhìn những miếng vải đủ sắc màu mà bà con phải mất nhiều thời gian, công sức mới làm ra được mà bị bỏ đi, Tình tiếc lắm nên cứ loay hoay nghĩ cách làm sao để những miếng vải vụn này vẫn có ích cho cuộc sống. Nghĩ là làm nhưng Sầm Thị Tình không dám rủ ai làm cùng mà cứ âm thầm thử nghiệm, với suy nghĩ: “Em cứ thử một mình trước đã, nếu có chiều hướng tốt thì em sẽ rủ thêm người, giả sử nếu có thất bại thì chỉ một mình em chịu thôi”.

Đưa thổ cẩm vươn xa

Sản phẩm khởi nghiệp đầu tiên của Tình là những chiếc ví cầm tay khá xinh xắn và đáng yêu. Sau đó, Tình cho ra đời thêm những chiếc túi xách, những con thú bông, những chiếc khăn choàng và những đôi dép thổ cẩm. Sản phẩm làm ra từ chất liệu thổ cẩm đặc trưng của người dân tộc, cộng với sự khéo léo, sáng tạo của cô gái Thái, đã được người tiêu dùng Hà Nội đón nhận.

Với vai trò là phụ trách kinh doanh và thiết kế, Tình đã quảng bá và giới thiệu các sản phẩm dệt thổ cẩm của mình bằng nhiều hình thức thông qua mạng xã hội như facebook, zalo, tại các hội chợ, triển lãm. Tiếng lành đồn xa, sản phẩm của Tình đã được một khách hàng đặc biệt quan tâm, đó là chị Cynthia Mann, một nhà thiết kế người Úc, chuyên tìm sản phẩm thổ cẩm của Việt Nam để thiết kế cho những bộ trang phục hiện đại. Nhờ đó, những món đồ thủ công Sầm Thị Tình làm bằng tay đã có cơ hội được vươn xa ra đến nhiều vùng đất mới.

Sầm Thị Tình chia sẻ, sau gần 2 năm khởi nghiệp, Tình đã đạt doanh thu bình quân ổn định khoảng 50 - 60 triệu đồng/tháng. Các sản phẩm làm ra được bán tại nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hạ Long và xuất khẩu sang Úc, Lào.

Khi đã tìm được đầu ra ổn định cho các sản phẩm thủ công được làm từ thổ cẩm, Sầm Thi Tình còn quyết định tiến thêm một bước nữa, đó là mở một nhà hàng nho nhỏ tại Hà Đông, lấy tên quán là “Mỵ”, với mong muốn mang một chút hồn của người dân tộc Thái đen về nơi thành thị. Không chỉ giới thiệu những nét ẩm thực đặc trưng của dân tộc mình, Sầm Thị Tình còn tạo ra một không gian yên tĩnh, thanh bình, để khách hàng có giao lưu tìm hiểu văn hóa của người Thái đen, qua những khung cửi dệt vải, những bộ trang phục người Thái đen, hay những loại công cụ lao động của người Thái trang trí xung quanh nhà hàng.

Luôn nỗ lực vươn lên

Luôn cố gắng, nỗ lực để làm ra những sản phẩm đẹp nhất, Sầm Thị Tình đã nhận được nhiều sự hỗ trợ của các doanh nghiệp để thực hiện ước mơ của mình. Với cô gái 8x này, đây là những cơ hội quý trong hành trang khởi nghiệp của mình. Sầm Thị Tình đã được Hội đồng Anh (Bristish Council) hỗ trợ khóa học thiết kế sản phẩm, được Trung tâm Learning Hub đã hỗ trợ kết nối với khách hàng nước ngoài, được khách sạn Melia mời trình diễn dệt vải khung cửi cho khách trong và ngoài nước tìm hiểu thêm về văn hóa Việt...

Một trong những niềm vinh dự lớn lao của Sầm Thị Tình là được nhận bằng khen của Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc trong chương trình Ga La: “Khát vọng khởi nghiệp, Bừng sáng bản Làng”.

Sầm Thị Tình vẫn đang cố gắng hết mình để thực hiện ước mơ thành lập Hợp tác xã, kêu gọi các thành viên là đồng bào người Thái cùng làm việc để đưa các sản phẩm của đồng bào mình về thành phố và đi ra thế giới, đồng thời tạo sinh kế cho bà con dân tộc nơi quê hương mình.

Vũ Hòa

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/san-pham-hong/co-gai-dan-toc-thai-den-quyet-dua-san-pham-det-tho-cam-ve-thanh-pho-post48514.html