Cô gái 'không tay' và ước mơ trở thành cô giáo

Khuyết đôi cánh tay, nhưng với ý chí và nghị lực phi thường, nữ sinh Lê Thị Thắm đã xuất sắc vượt qua 12 năm học với nhiều thành tích đáng nể.

Lọt lòng mẹ đã bị khuyết đôi tay

Lê Thị Thắm sinh ra trong một gia đình nghèo tại xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa). Ngay từ khi mới lọt lòng mẹ, do bị di chứng từ chất độc da cam từ bà ngoại nên Thắm bị khuyết đi đôi tay.

Dù khiếm khuyết đôi tay nhưng Thắm vẫn từng ngày đến trường như những bạn bè cùng trang lứa

Khi đủ tuổi đi học, Thắm cũng được bố mẹ đưa đến lớp học chữ như các em nhỏ khác. Việc tập đọc với Thắm không ít khó khăn, nhất là mỗi khi tập viết, với em giống như một cực hình. Thắm đã rất nhiều lần phải khóc vì đôi chân thô kệch không theo ý muốn của mình. Những lần tập uốn nắn mà chân em đã rỉ máu khiến cho bố mẹ cũng như bản thân Thắm tưởng chừng phải bỏ cuộc. Nhưng rồi, những nỗ lực của em cũng đã đưa lại thành quả khi đôi chân của em đã viết được chữ.

Hồi ức của người mẹ về nghị lực của đứa con tật nguyền

Nhớ lại chặng đường đồng hành cùng con đến trường hơn 10 năm qua, chị Nguyễn Thị Tình (mẹ Thắm) cho biết: Thắm sinh ra đã chịu nhiều thiệt thòi so với các bạn cùng trang lứa. Khi sinh Thắm, tỉnh dậy trên giường đẻ chị không thấy con, hỏi thì không ai nói gì, khiến chị nghĩ có chuyện chẳng lành. Một tuần sau bà ngoại mới bế con đến và chị chết lặng khi thấy con gái bé xíu, yếu ớt và… không có hai tay. Mỗi lần cho con bú, chị lại khóc thầm, lo lắng cho tương lai của con. Không biết lớn lên Thắm có thể tự sinh hoạt cá nhân, giúp mẹ việc nhà bằng đôi chân khéo léo.

Thắm có thể làm hết các công việc hàng ngày bằng đôi chân

Đến tuổi đi học Thắm đòi bố mẹ đưa đi, nhưng mẹ bảo không có tay thì cắp cặp, cầm bút sao được? Thắm buồn lắm. Rồi Thắm mượn của chị họ cây bút, quyển vở, hàng ngày miệt mài tập viết bằng chân trái. Bàn chân trái khòng khoèo, kẹp bút được vài hôm thì hai ngón chân viết bị phồng rộp, đau và tê cứng… Nhưng Thắm không bỏ cuộc.

Năm lớp 7, em đã đạt giải xuất sắc cuộc thi viết chữ đẹp và vinh dự nhận được học bổng 3 triệu đồng của ngành giáo dục.

Những nét chữ trong cuốn tập của Thắm được viết bằng chân nhưng gọn gàng, sạch sẽ

Cô bé đa tài và thành tích đáng nể

Lúc ở nhà thấy mẹ thêu khăn, Thắm xin mẹ cho thêu cùng. Em dùng một chân kẹp lấy khung thêu, một chân kẹp kim chỉ nhưng những tấm khăn thêu đẹp một cách lạ thường. Lúc ở nhà em vẫn giúp mẹ, bà thêu khăn, đan sợi. Không chỉ vậy, em còn vẽ rất đẹp bằng chính đôi chân của mình.

Ban đầu Thắm vẽ đồ vật, con vật sau đó em vẽ về những chủ đề bảo vệ môi trường, về giao thông, thầy cô, bạn bè. Bức tranh nào của em cũng đẹp và đủ các gam màu. Người xem tranh ít ai nghĩ rằng đó là tác phẩm của cô bé vẽ bằng chân.

Nhìn bức tranh này không ai nghĩ đó lại là tác phẩm bằng chân của cô bé tật nguyền

Ở lớp thấy Thắm viết chữ, vẽ tranh đẹp nên khi có các cuộc thi, nhà trường luôn chọn em tham gia. Tất cả các cuộc thi em đều đạt được giải thưởng cao, điển hình như giải Nhì huyện với bức tranh phong cảnh, giải Nhì của Hội tàn tật tỉnh Thanh Hóa qua tác phẩm vẽ về người tàn tật. Đặc biệt nhất là bức tranh vẽ “gương người phụ nữ vượt lên số phận” của em hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Năm 2007 Thắm được Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi Việt Nam tặng bằng khen “Vì đã có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất, công tác và học tập từ năm 2004 đến năm 2006”. Em cũng vinh dự nhận được nhiều bằng khen, giải thưởng của các cấp địa phương. Đặc biệt vào cuối năm 2007, những bức tranh do chính chân Thắm vẽ đã được giải nhì cuộc thi vẽ tranh do Hội Mỹ thuật tỉnh Thanh Hóa tổ chức.

Những tờ giấy khen trên tường đủ để nói lên những nỗ lực của Thắm

Khi nói về ước mơ của mình, Thắm hồn nhiên bộc bạch: “Em sẽ cố gắng học giỏi để sau này trở thành cô giáo, em sẽ học tốt, dạy tốt bằng đôi chân của mình”. Dù khiếm khuyết đôi tay, nhưng Thắm vẫn từng ngày lớn lên trong sự hồn nhiên, vô tư như bao bạn bè cùng trang lứa. Những lúc không may vấp ngã, Thắm phải nhờ sự trợ giúp của người khác mới có thể đứng dậy được. Nhưng dần dần bằng ý chí, nghị lực, em đã tự đứng dậy bằng chính đôi chân của mình. Không những thế, Thắm còn tự đánh răng, rửa mặt, gấp chăn màn, dọn dẹp bàn học, đánh máy vi tính và giúp mẹ việc nhà.

Sự kiên trì của Thắm đã gặt hái được quả ngọt khi em liên tiếp dành được những danh hiệu khiến bạn bè nể phục. Từ lớp 1 đến lớp 12, Thắm đều đạt danh hiệu học sinh tiên tiến và học sinh giỏi. Năm lớp 3 em đoạt giải Nhì cuộc thi vẽ tranh do Hội Bảo trợ Người Khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh Thanh Hóa tổ chức. Năm lớp 5 em đoạt giải Nhất thi viết chữ đẹp của huyện... Ngoài ra, Thắm còn nhận được nhiều Giấy khen, Bằng khen của huyện Đông Sơn, của tỉnh Thanh Hóa…

Dù thuộc diện đặc cách xét tốt nghiệp nhưng Thắm vẫn quyết tâm tham gia và hoàn thành xuất sắc Kỳ thi THPT quốc gia 2016. Mới đây, em đã dự thi và được xét tuyển đặc cách vào khoa Ngoại Ngữ, Trường Đại học Hồng Đức Thanh Hóa. Thắm cho biết: Em ước mơ trở thành cô giáo dạy ngoại ngữ cho các em nhỏ tại quê nhà.

Những nỗ lực của Thắm đã được đền đáp bằng kết quả thi vào trường đại học

Ngoài việc được đặc cách, Thắm và mẹ còn được Trường đại học Hồng Đức bố trí cho ở trong ký túc xá, được nhà trường đóng bàn học riêng, đồng thời nhà trường còn tìm kiếm các suất học bổng giúp Thắm và gia đình ổn định hơn trong suốt thời gian theo học tại trường.

Trước mắt em sẽ là những chuỗi ngày vất vả trên giảng đường đại học nhưng với Thắm những thành tích mới vẫn đang chờ em

Do bị cong vẹo cột sống bẩm sinh, lại phải ngồi viết nhiều, nên sức khỏe của Thắm không được tốt, toàn thân đau nhức, thường xuyên bị hoa mắt, chóng mặt. Tuy nhiên, không vì thế mà cô bé từ bỏ ước mơ của mình.

Video: Nghị lực phi thường của cô bé bị bệnh xương thủy tinh

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/co-gai-khong-tay-va-uoc-mo-tro-thanh-co-giao-d120618.html