Cô gái mới 22 tuổi đã bị đột quỵ!

Ở cái tuổi mà chưa ai nghĩ có thể bị bệnh đột quỵ, thì cô giá trẻ mới 22 đã bất ngờ bị chóng mặt, nôn ói, tê tay chân, đớ miệng... Bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện cấp cứu khẩn cấp.

Cô gái may mắn được chuyển đến bệnh viện kịp thời.

Vào một buổi sáng chuẩn bị bước xuống giường thì bất ngờ V.T.T.N.(22 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) cảm thấy chóng mặt. Tưởng rằng đêm quá khó ngủ nên bị chóng mặt. N.định đứng dậy lấy một viên thuốc tuần hoàn não để uống. Nhưng chưa kịp đứng lên thì cô liền nôn ói rồi vùng mặt, tay, chân tê cứng không bước nổi, miệng đớ.

Mọi người trong gia đình nghe tiếng ú ớ của N. liền chạy đến thì thấy cô nằm giãy giụa trên giường. N. lập tức được đưa ngay đến bệnh viện cấp cứu.

Ngày 9.11, bác sĩ Trương Việt Trung - Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cho hay bệnh nhân N. được chẩn đoán là nhồi máu não cấp.“ Đây là trường hợp trẻ tuổi nhất bị bệnh đột quỵ mà bệnh viện này tiếp nhận và điều trị”, bác sĩ Trung nói.

Theo bác sĩ Trung, khi tiếp nhận bệnh nhân N. các bác sĩ đã nghĩ ngay đến căn bệnh đột quỵ. Vì không xác định được thời gian đột quỵ, các bác sĩ quyết định chụp MRI não và ghi nhận có hình ảnh nhồi máu tiểu não – cuống não, còn trong thời gian vàng điều trị. Bệnh nhân được chỉ định ngay dùng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch rTPA. Đây là loại thuốc được chỉ định trong nhồi máu não cấp dưới 4,5 giờ, giúp làm tan máu đông, mạch máu lưu thông tốt, cải thiện được vùng não có nguy cơ tổn thương.

“Hiện người bệnh đã hồi phục sau khi dùng thuốc. Bệnh nhân hết nói đớ, giảm tê vùng mặt và cử động tay chân dễ dàng hơn. Rất may cho bệnh nhân này là kịp đến bệnh viện trong thời gian vàng, nên may mắn thoát khỏi “lưỡi hái thần chết””, bác sĩ Trung chia sẻ. Ông cho biết điều đặc biệt là bệnh nhân này không hề có những bệnh có nguy cơ gây đột quỵ như: tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch. Do đó, hiện các bác sĩ đang tiến hành làm xét nghiệm máu, siêu âm để tìm nguyên nhân nhồi máu não.

Theo các chuyên gia y tế, thời gian vàng của bệnh nhồi máu não là từ 4 đến 5 giờ sau khi phát hiện triệu chứng chóng mặt, tê chân tay... Do vậy, cần đưa bệnh nhân bị đột quỵ đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Khi đó, khả năng phục hồi sau dùng thuốc sẽ được cải thiện đáng kể, giảm thương tật sau đột quỵ, tránh tổn thất lớn cho gia đình và xã hội.

Bên cạnh đó, người dân cũng có thể sử dụng quy tắc F.A.S.T để nhận biết và cấp cứu nhanh bệnh nhân đột quỵ. “Người bệnh lưu ý không sử dụng các phương pháp dân gian như: tiêm máu đầu ngón tay, nặn chanh vào miệng, uống thuốc không rõ loại… làm kéo dài thời gian nhập viện, mất đi thời gian vàng, khó có thể cứu sống bệnh nhân”, bác sĩ Trung khuyến cáo.

Bác sĩ Trung cho rằng hiện nay tình trạng nhồi máu não có xu hướng trẻ hóa và có chiều hướng gia tăng do stress, thói quen ăn uống nhiều muối, chất béo, hút thuốc lá, rượu bia… Vì vậy, để hạn chế nguy cơ nhồi máu não, chúng ta nên xây dựng lối sống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên. Đối với những bệnh nhân đái tháo đường, tăng huyết áp hay rối loạn lipid máu… cần điều trị tốt và lưu ý các triệu chứng bệnh để điều trị kịp thời.

Hồ Quang

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/suc-khoe-c-84/co-gai-moi-22-tuoi-da-bi-dot-quy-100585.html