Cô gái nặng 150 kg ở TP.HCM vượt cửa tử Covid-19

Hôm Tố Linh cai được máy thở lại là ngày ba cô mất. Quãng thời gian sau đó, cô phải gắng gượng vượt qua để về với mẹ và các em.

Ngày 9/8, Hoàng Tố Linh (sinh năm 1990) có những triệu chứng nhiễm virus đầu tiên. Cô sốt trên 38 độ C, đau họng, cảm thấy rét run người.

Linh tự mua bộ kit test Covid-19 về xét nghiệm. Kết quả cả cô và mẹ đều dương tính. Trước đó nửa tháng, mẹ và hai em trai Linh đã tiêm mũi một vaccine. Còn ba cô mới tiêm ngừa được 2 ngày.

Trong khi đó, Linh vẫn chưa chích vaccine do thuộc nhóm trì hoãn vì béo phì cấp độ 2, được khuyến nghị đến bệnh viện tiêm.

“Cứ thế cơn ác mộng Covid-19 ấp đến với gia đình mình. Trong hành trình chiến đấu gần một tháng trời, mình trải qua nỗi đau mất mát người thân và cả những giây phút cận tử chỉ muốn buông xuôi”, Linh nói với Zing.

 Hành trình 27 ngày chiến đấu với Covid-19 của Hoàng Tố Linh.

Hành trình 27 ngày chiến đấu với Covid-19 của Hoàng Tố Linh.

“Tôi nghĩ mình sắp chết”

Ngày đầu tiên nhiễm bệnh của Linh khá nhẹ nhàng nhờ thuốc hạ sốt. Nhưng sang đến ngày thứ hai, cô bắt đầu có triệu chứng khó thở.

“Khó thở, hụt hơi là điều kinh khủng nhất. Nó làm mình không thể nằm ngủ mà phải ngủ ngồi nên rất mệt mỏi và nhức hết mình mẩy. Nằm một tí là cứ bị hụt hơi cảm giác như có ai bóp cổ không thể thở được”.

Sang ngày thứ ba, Linh không buồn đụng đũa vào đồ ăn. “Ba nấu cháo và động viên mình nhấp từng muỗng cho tới khi hết chén nhỏ. Trong ngày, mình phải ăn nhiều bữa để cầm hơi”.

Hàng loạt triệu chứng như tức ngực, ho dữ dội, ói đến lả người ập tới vào hôm thứ tư. Cả nhà cô chạy vạy tìm oxy và liên hệ đưa Linh đi bệnh viện khi thấy cô trở nặng quá nhanh.

Khó thở, hụt hơi khiến Linh phải ngủ ngồi trong nhiều ngày.

"Mọi người biết chỗ nào cho mượn bình oxy không ạ? Em điện thoại mấy chỗ không được rồi", cô bất lực cầu cứu trên mạng xã hội.

Linh vẫn nhớ như in nỗi tuyệt vọng lúc chiếc xe cấp cứu chở cô đến Bệnh viện quận 6 nhưng phải vòng ra lại vì nhận được thông báo khu bệnh đang xây.

Xe cấp cứu chở Linh qua thêm 3 bệnh viện nữa nhưng cũng không có chỗ nào tiếp nhận.

“Đến bệnh viện thứ 5 là Bệnh viện An Bình, họ cho mình cái ghế bố để nằm và đo SpO2 còn 88%. Bác sĩ nói không nặng nên nếu có nhập viện cũng nằm ghế bố ngoài hành lang rồi cho mượn bình oxy để thở thôi. Thế là mình và mẹ quyết định về nhà. Lúc về, mình leo 2 lầu lên tới nhà thì SpO2 còn 82%, phải thở oxy gấp”.

Nhà Linh dự trữ 2 bình oxy nhưng đến hôm thứ 5, một bình bị hư. Vừa mệt vừa không có oxy, cô gái sinh năm 1990 nghĩ mình chắc không thể cầm cự thêm nữa và đã có ý định buông xuôi.

Chứng kiến cảnh Linh mê sảng gọi tên các thành viên mà người cứ lạnh ngắt, tím tái dần đi, người nhà đều hoảng. Họ khóc và cố lay Linh dậy.

“Mình nghĩ chắc mình sắp chết. Người nhà cũng nghĩ mình không qua khỏi, vì những lời mê sảng chẳng khác gì trăn trối. Lúc đó, trong cơn mộng mị, mình gặp lại người dì đã mất cách đây 7 năm và nắm tay dì, nhưng dì hất tay mình ra và cứ thế bước đi”.

Chiến đấu vì gia đình

4h sáng ngày thứ sáu, Linh đột nhiên tỉnh táo trở lại, tự ngồi dậy được dù vẫn rất mệt.

Cô bật livestream và cầu cứu mọi người giúp mình nhập viện trong hơi thở nặng nhọc. Nỗ lực gần như cuối cùng của cô được đền đáp. Một người bạn đã xem livestream và giúp Linh liên hệ đội thiện nguyện để chuyển cô vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.

Chiều cùng ngày, xe cấp cứu chở Linh vào bệnh viện. Tại khu F, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, Linh được cho thở oxy mũi, vô kháng sinh. Hôm sau, cô trở nặng hơn nên được chuyển sang khu A, dùng oxy chụp thay vì thở oxy mũi.

Được xác định viêm phổi nặng, Linh bắt đầu thở máy và phải nằm sấp để dễ thở hơn. Một tuần tiếp theo, cô không thể tự ăn uống hay đi lại. Tất cả đều phải nhờ đến điều dưỡng, y tá trợ giúp.

"Size tã lớn nhất cũng không vừa người nên mình chỉ lót tã ở dưới. Việc lấy ven 4,5 lần/ngày cũng là ác mộng với những người béo phì như mình. Các điều dưỡng đã rất vất vả và mình cũng phải cố chịu đau để truyền được dịch”.

Từ kinh nghiệm của bản thân, Linh nói nghị lực là điều quyết định quá trình hồi phục của một F0. Trong phòng bệnh, cô từng chứng kiến nhiều người bệnh triệu chứng nhẹ nhưng trở nặng rất nhanh vì lo lắng nhưng cũng có những F0 lớn tuổi hồi phục tốt nhờ ý chí, tinh thần lạc quan.

Linh cho rằng tinh thần lạc quan, ý chí là điều quan trọng nhất giúp F0 hồi phục.

Với Linh, gia đình là động lực lớn nhất để cô chiến đấu. Không lâu sau khi Linh nhập viện, ba cô cũng dương tính và phải chuyển đến Bệnh viện quận 6 điều trị. Mỗi ngày cô đều cố tập ngồi, tập hít thở, vật lý trị liệu theo hướng dẫn của bác sĩ với hy vọng sớm hồi phục để còn về chăm ba.

Thế nhưng, lúc Linh khỏe hơn thì ba cô lại chuyển nặng. Hôm 23/8, Linh cai được máy thở lại là ngày ba cô mất.

Gia đình giấu chuyện vì sợ ảnh hưởng đến quá trình hồi phục của cô. Sau 17 ngày ở viện, Linh mới biết ba đã mất. Cô nghe mẹ kể trước khi đi, ba không được gặp gia đình lần cuối, vì mẹ phải về chăm sóc hai đứa em cũng đang dương tính ở nhà.

Trước khi mẹ về, ba cô dặn nhất định phải cứu sống Linh. Lời trăn trối khiến Linh thương ba và quyết tâm phải khỏe lại. Cơm cháo không có vị gì cô vẫn cố nhai, cố nuốt. Mỗi ngày tập hít thở, đi lại theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Sau gần một tháng chiến đấu Covid-19, Linh giảm 10 kg, sức khỏe dần hồi phục. Các triệu chứng hậu Covid-19 vẫn đeo bám nhưng giờ đây Linh tin mình đủ kiên trì và ý chí để vượt qua tất cả.

Ngày 4/9, Linh ra viện, hài cốt ba cô được về nhà. Việc đầu tiên Linh làm khi về nhà là đốt nén nhang cho ba. “Ba ơi, con về rồi. Từ nay con sẽ thay ba chăm sóc mẹ và các em”.

Lê Vy

Ảnh: NVCC

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/co-gai-nang-150-kg-o-tphcm-vuot-cua-tu-covid-19-post1262610.html