Cô gái Nobel Hòa bình 2014 phát biểu gì tại hội nghị về thanh niên của LHQ?

Dưới đây là một số phần chính trong bài phát biểu tại Hội nghị về thanh niên của Liên hợp quốc của Malala Yousafzai.

Thế kỉ XXI là thế kỉ của khoa học – công nghệ, là thế kỉ của sự phát triển như vũ bão về kinh tế, về cơ hội hợp tác của các quốc gia trên toàn cầu, nhưng cũng trong thế kỉ này, những vấn đề về quyền con người, đặc biệt là quyền được học tập và bảo vệ của phụ nữ và trẻ em ở một số quốc gia trên thế giới vẫn còn là vấn đề nhức nhối.

Malala Yousafzai – nhà hoạt động nhân quyền của Pakistan, người đã nhận giải Nobel Hòa bình năm 2014

Nhân dịp kỉ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, chúng tôi đăng tải lại một số phần chính trong bài phát biểu tại Hội nghị về thanh niên của Liên hợp quốc của Malala Yousafzai – nhà hoạt động nhân quyền của Pakistan, người đã nhận giải Nobel Hòa bình năm 2014 về vấn đề quyền được học tập và bảo vệ của phụ nữ và trẻ em trên thế giới. Cụ thể như sau:

"Có hàng trăm nhà hoạt động nhân quyền và xã hội không chỉ lên tiếng về quyền con người, mà còn đang đấu tranh để đạt được những mục tiêu về hòa bình, bình đẳng và giáo dục. Hàng nghìn người đã bị chết, hàng triệu người bị thương bởi những kẻ khủng bố. Tôi chính là một người trong số đó.

Vì thế tôi đứng đây… một cô gái, giữa mọi người. Tôi không chỉ nói cho riêng mình mà còn cho cả những người không được lên tiếng. Họ cần được lắng nghe. Những con người ấy đã đấu tranh vì quyền được sống trong hòa bình, quyền được đối xử một cách tôn trọng, quyền được bình đẳng về cơ hội. Và đặc biệt là quyền được học tập của mình.

Các bạn thân mến, vào ngày 9 tháng 10 năm 2012, những kẻ khủng bố đã bắn vào bên trái trán tôi. Họ cũng bắn vào các bạn của tôi. Họ nghĩ rằng súng đạn sẽ làm cho chúng tôi im lặng, nhưng họ đã thất bại. Từ sự im lặng đó đã vang lên hàng ngàn tiếng nói. Những kẻ khủng bố tưởng rằng họ sẽ thay đổi được mục đích của tôi và ngăn chặn khát vọng của tôi. Nhưng không có gì thay đổi trong cuộc sống của tôi, ngoại trừ một điều: sự yếu đuối, sợ hãi và tuyệt vọng đã không còn tồn tại trong tôi, nhường chỗ cho sức mạnh và lòng dũng cảm được đâm chồi.

Tôi vẫn là Malala. Những khát vọng của tôi không thay đổi. Hy vọng của tôi không thay đổi. Và những giấc mơ của tôi cũng không thay đổi. Hỡi các anh chị em, tôi không chống lại ai cả. Tôi cũng không đứng ở đây để nói về sự trả thù đối với Taliban hay bất cứ nhóm khủng bố nào khác. Tôi ở đây để nói về quyền được giáo dục của mỗi đứa trẻ. Tôi muốn những đứa con trai và con gái của binh lính Taliban và các nhóm khủng bố khác cũng như những phần tử quá khích, cũng được hưởng sự giáo dục. Tôi không thù ghét thành viên Taliban đã bắn tôi; dù cho tôi có một khẩu súng trong tay và anh ta đang đứng trước mặt tôi, tôi cũng sẽ không bắn. Đây chính là lòng trắc ẩn mà tôi đã học được từ nhà tiên tri của sự khoan dung Mohammed, chúa Jesus và Đức Phật. Đây chính là là di sản mà tôi được thừa hưởng từ Martin Luther King, Nelson Mandela và Mohammed Ali Jinnah.

Đây cũng chính là triết lý phi bạo lực mà tôi đã học được từ Gandhi, Bacha Khan và Mẹ Teresa. Và đây cũng là sự khoan dung tôi được cha mẹ dạy. Linh hồn tôi nói với tôi rằng: hãy chung sống hòa bình và yêu thương tất cả mọi người.

Anh chị em thân mến! Khi nhìn thấy bóng tối, chúng ta nhận ra tầm quan trọng của ánh sáng. Khi phải câm lặng, chúng ta nhận ra tầm quan trọng của tiếng nói. Tương tự, khi chúng tôi ở Xơ-oát (Swat), miền Bắc Pa-ki-xtan, chúng tôi nhận ra tầm quan trọng của cây bút và quyển sách khi nhìn thấy súng đạn.

Câu ngạn ngữ “Ngòi bút mạnh hơn gươm giáo” là rất đúng. Những kẻ cực đoan sợ sách bút. Sức mạnh của giáo dục khiến họ run sợ. Họ sợ tiếng nói của phụ nữ. Sức mạnh của tiếng nói phụ nữ khiến họ sợ hãi. Đây chính là lí do họ đã giết 14 sinh viên trường y vô tội trong cuộc tấn công mới đây ở Que-ta (Quetta). Đây cũng chính là lí do họ giết hại nhiều nữ giáo viên và các nhân viên tiêm vắc-xin sởi ở Khi-bơ Pa-khun-khơ-ta-va (Khyber Pakhunkhtawa) và FATA. Và cũng là lí do họ nổ bom trường học mỗi ngày. Bởi vì họ đã và đang sợ sự thay đổi, sợ sự bình đẳng mà chúng tôi sẽ đem đến cho xã hội của mình. Chúng nghĩ rằng Chúa là một kẻ nhỏ mọn và bảo thủ, một kẻ sẵn sàng chĩa súng vào đầu người chỉ vì người đó dám tới trường. Những kẻ khủng bố này đang lạm dụng cái tên của đạo Hồi vì lợi ích cá nhân. Pakistan là một đất nước chủ nghĩa, yêu hòa bình. Người dân Pakistan muốn con trai và con gái họ được giáo dục. Đạo Hồi là tôn giáo của hòa bình, của nhân tính và của tình nghĩa. Đưa giáo dục tới với mỗi đứa trẻ, đó là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi người - đạo Hồi đã giao phó như vậy

Giáo dục cần hòa bình. Nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là Pakistan và Áp-ga-ni-xtan (Afghanistan), nạn khủng bố, chiến tranh và xung đột khiến trẻ em không thể đến trường. Chúng tôi thực sự mệt mỏi với những cuộc chiến này. Phụ nữ và trẻ em đang phải chịu đau khổ về nhiều mặt ở nhiều nơi trên thế giới. Ở Ấn Độ, trẻ em nghèo vô tội là nạn nhân của lao động trẻ em. Nhiều trường học bị phá hủy ở Ni-giê-ri-a (Nigeria). Người dân ở Áp-ga-ni-xtan bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa cực đoan suốt nhiều thập kỉ. Các bé gái phải làm việc của các bà nội trợ và bị buộc phải lấy chồng từ sớm. Nghèo đói, thiếu tri thức, bị đối xử bất công và bị tước đoạt các quyền con người cơ bản là những vấn nạn chính mà cả nam giới và phụ nữ phải đối mặt.

Chúng nghĩ rằng Chúa là một kẻ nhỏ mọn và bảo thủ, một kẻ sẵn sàng chĩa súng vào đầu người chỉ vì người đó dám tới trường. Những kẻ khủng bố này đang lạm dụng cái tên của đạo Hồi vì lợi ích cá nhân. Pakistan là một đất nước chủ nghĩa, yêu hòa bình. Người dân Pakistan muốn con trai và con gái họ được giáo dục. Đạo Hồi là tôn giáo của hòa bình, của nhân tính và của tình nghĩa. Đưa giáo dục tới với mỗi đứa trẻ, đó là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi người - đạo Hồi đã giao phó như vậy. Để có giáo dục, chúng ta phải có hòa bình. Trong rất nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là ở Pakistan và Afghanistan, khủng bố, chiến tranh, và xung đột khiến trẻ em không thể tới trường. Chúng tôi đã quá mệt mỏi với chiến tranh. Phụ nữ và trẻ em đang phải chịu đựng nhiều nỗi thống khổ trên nhiều nơi trên thế giới.

Anh chị em thân mến! Đây chính là lúc chúng ta cần lên tiếng. Vì vậy hôm nay, chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới thay đổi các chính sách chiến lược vì lợi ích của hòa bình và phồn vinh.

Chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới rằng mọi thỏa thuận cần phải bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em. Một thỏa thuận đi ngược lại các quyền của phụ nữ là không thể chấp nhận. Chúng tôi kêu gọi tất cả các chính phủ đấu tranh chống nạn khủng bố và bạo lực, để bảo vệ trẻ em khỏi sự tàn bạo và xâm hại. Chúng tôi kêu gọi những quốc gia phát triển hãy hỗ trợ đẩy mạnh cơ hội giáo dục cho những bé gái tại những quốc gia đang phát triển. Chúng tôi kêu gọi mọi cộng đồng hãy khoan dung, hãy từ chối định kiến dựa trên đẳng cấp, tín điều, giáo phái, chủng tộc, tôn giáo, hoặc những động cơ (tiêu cực) để đảm bảo sự tự do và bình đẳng cho phụ nữ, để họ được phát triển. Chúng ta không thể thành công nếu một nửa trong chính chúng ta bị kìm hãm. Chúng tôi kêu gọi những phụ nữ trên toàn thế giới hãy dũng cảm, hãy sử dụng sức mạnh của chính mình và ý thức được ý thức được tiềm năng của mình.

Thưa các anh chị em! Chúng tôi muốn trường học và nền giáo dục soi sáng cho tương lai của mỗi đứa trẻ. Chúng tôi sẽ tiếp tục hành trình trên con đường tới hòa bình và giáo dục. Không ai có thể ngăn cản chúng tôi. Chúng tôi sẽ đấu tranh cho quyền lợi của mình, và chúng tôi sẽ dùng tiếng nói của mình để đổi mới. Chúng tôi tin vào quyền năng và sức mạnh của tiếng nói. Tiếng nói có thể thay đổi thế giới vì chúng ta đang sánh vai cùng nhau, gắn kết vì giáo dục. Và nếu chúng ta muốn đạt được mục đích của mình, hãy cùng tự vũ trang bằng học thức, và cùng bảo vệ mình bằng tình đoàn kết.

Anh chị em yêu quý! Chúng ta không được phép quên hàng triệu người đang vật lộn với nghèo đói, bất công, và sự thiếu hiểu biết. Chúng ta không được quên rằng hàng triệu trẻ em đang không được tới trường. Chúng ta không được quên rằng những người anh chị em của mình đang mong đợi một tương lai tươi sáng và hòa bình.

Vậy nên hãy bắt đầu, hãy bắt đầu một cuộc đấu tranh vĩ đại để chống lại nạn mù chữ, nạn đói, và nạn khủng bố. Hãy để chúng ta cầm lấy sách bút, vì chúng là thứ vũ khí đầy sức mạnh. Một đứa trẻ, một người giáo viên, một cuốn sách và một cây bút có thể thay đổi cả thế giới. Giáo dục là giải pháp duy nhất. Giáo dục phải đi đầu".

Nguồn lược dịch:

https://www.theguardian.com/commentisfree/2013/jul/12/malala-yousafzai-united-nations-education-speech-text

Vương Anh và Ngân Hà lược dịch

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/co-gai-nobel-hoa-binh-2014-phat-bieu-gi-tai-hoi-nghi-ve-thanh-nien-cua-lhq-post238566.gd