Cố gắng đáp ứng tối đa nhu cầu của thí sinh

Đại học Quốc gia Hà Nội đã mở cổng đăng ký dự thi kỳ thi đánh giá năng lực (HSA) lần thứ hai để phục vụ thí sinh chọn ca thi cho các đợt thi HSA 404 (thi ngày 11 - 12/5), HSA 405 (thi ngày 25 - 26/5) và HSA 406 (thi ngày 1 - 2/6).

Số lượng chỗ dự kiến cho các đợt thi này là khoảng 51.800. Các địa điểm thi đặt tại 11 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Thí sinh đăng ký dự thi tại địa chỉ http://hsa.edu.vn, chọn địa điểm thi, ngày thi, ca thi. Hệ thống đăng ký chỉ cho phép tài khoản đăng nhập và thao tác trên một thiết bị máy tính tại cùng thời điểm. Việc này giúp kiểm soát tốt tài nguyên công nghệ thông tin, giảm thiểu tình trạng nghẽn mạng, đáp ứng tối đa nhu cầu của thí sinh.

Kết thúc ngày đầu tiên của lần đăng ký thứ hai, các địa điểm thi ở Hà Nội hầu như đã hết chỗ, chỗ trống chỉ còn ở các tỉnh. So với năm 2023, số thí sinh đăng ký dự thi đã tăng hơn và dự kiến sẽ còn tăng trong những ngày tới.

Kỳ thi đánh giá năng lực được Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức từ năm 2015 và 2016, sau đó dừng đến năm 2021 mới mở trở lại. (Ảnh minh họa)

Ở lần đăng ký thứ hai, tình trạng nghẽn mạng vẫn xảy ra khi có thời điểm gần 84.000 thí sinh truy cập cùng lúc. Tuy nhiên, việc gián đoạn không kéo dài như ở lần mở đăng ký đầu tiên vào ngày 18/2 (Ngày 18/2, do số lượng tài khoản truy cập để đăng ký suất thi quá đông (đến 9h25, số lượt truy cập trên 96.200 tài khoản) đã khiến hệ thống đăng ký thi bị nghẽn, dẫn đến việc nhiều thí sinh, phụ huynh không thể truy cập vào hệ thống để đăng ký thi trong nhiều giờ).

Sau đó, phụ huynh và thí sinh có thể đăng nhập được. Cổng đăng ký thi đánh giá năng lực tiếp tục mở đến khi đủ số lượng thí sinh hoặc đóng trước 14 - 18 ngày so với ngày thi chính thức. Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ thông báo số báo danh, phòng, địa điểm thi trên tài khoản của thí sinh trước 7 ngày thi.

Kỳ thi đánh giá năng lực được Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức từ năm 2015 và 2016, sau đó dừng đến năm 2021 mới mở trở lại. Kỳ thi hướng đến mục tiêu đánh giá kết quả học tập bậc Trung học phổ thông phục vụ các mục đích: Đánh giá năng lực học sinh Trung học phổ thông theo chuẩn đầu ra của Chương trình giáo dục phổ thông mới; định hướng nghề nghiệp cho người học trên nền tảng năng lực cá nhân; kiểm tra kiến thức tự nhiên xã hội, tư duy của người học, kỹ năng, thái độ của người học; các cơ sở giáo dục đại học trong và ngoài nước tham khảo phục vụ công tác tuyển sinh đại học, đào tạo nghề phù hợp; đánh giá chung về kết quả học tập bậc Trung học phổ thông và phân tích, dự báo kết quả học tập bậc đại học của người học.

Ngoài ra, kết quả của kỳ thi cũng nhằm xếp loại các trường Trung học phổ thông, góp phần xây dựng, hoàn thiện chính sách quốc gia về giáo dục đào tạo.

Năm 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức thành công 8 đợt thi tại 17 điểm thi đặt tại 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định, Hưng Yên, Thanh Hóa, Nghệ An với 87.095 lượt thí sinh dự thi. Quy trình tổ chức thi chặt chẽ, đảm bảo an toàn, bảo mật, khách quan, minh bạch. Phổ điểm tổng của 8 đợt thi đánh giá năng lực năm 2023 có dạng phân bố chuẩn, đối xứng qua giá trị trung bình. Dải điểm từ 31/150 đến 133/150 điểm.

Thống kê kết quả thi năm 2023, điểm cao nhất của kỳ thi là 133/150, thấp nhất là 31/150. Sau mỗi ca thi hoặc đợt thi, Ban đề thi đều sàng lọc, loại bỏ khỏi ngân hàng những câu hỏi thí sinh vi phạm quy chế thi (sử dụng điện thoại di động, thí sinh bàn tán trên diễn đàn)...

Năm 2024, Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục triển khai kỳ thi đánh giá năng lực với 6 đợt thi. Các đợt thi sẽ diễn ra từ ngày 23/3 đến ngày 2/6 tại 11 tỉnh, thành: Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Hưng Yên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Dương, Ninh Bình, Hải Phòng. Theo kế hoạch, đợt thi đầu tiên (HSA 401) sẽ diễn ra ngày 23 - 24/3. Vật dụng được mang vào phòng thi gồm: Căn cước công dân, 1 quyển Atlat địa lý Việt Nam (không có thêm bất kỳ ký tự nào khác), 1 máy tính tính đơn giản cầm tay thí sinh được mang vào phòng thi không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ để lưu dữ liệu, không có chức năng thu phát truyền tin và chỉ thực hiện được các phép tính số học, các phép tính lượng giác và các phép tính đơn giản.

Bài thi đánh giá năng lực hiện nay được làm trên máy tính. Thời gian làm bài từ 195 - 199 phút, điểm tối đa là 150. Đề gồm 3 phần với các câu hỏi trắc nghiệm khách quan (lựa chọn đáp án) và câu hỏi điền đáp án về các lĩnh vực Toán học (50 câu hỏi, 75 phút), Văn học - Ngôn ngữ (50 câu hỏi, 60 phút), Khoa học Tự nhiên - Xã hội (50 câu hỏi, 60 phút). Phần 1 và phần 3 sẽ có thêm 1 - 3 câu hỏi thử nghiệm không tính điểm.

Thí sinh tra cứu kết quả thi và nhận Giấy chứng nhận kết quả thi sau 14 ngày dự thi. Giấy chứng nhận kết quả được gửi qua đường thư bảo đảm theo địa chỉ và số điện thoại khai báo tại tài khoản đăng ký thi đánh giá năng lực. Hiện 90 trường sẽ sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội để xét tuyển đầu vào, trong đó 17 trường quân đội lần đầu sử dụng điểm kỳ thi này.

T.P

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/co-gang-dap-ung-toi-da-nhu-cau-cua-thi-sinh-167261.html