Có gì bên trong 'viên ngọc đen' bên bờ vịnh Hạ Long?

Được coi là điểm đến không thể bỏ qua khi tới Hạ Long (Quảng Ninh), Bảo tàng Quảng Ninh khiến nhiều du khách thích thú trước không gian độc đáo và hệ thống hiện vật đồ sộ, lưu giữ bề dày văn hóa - lịch sử vùng đất Mỏ.

Bảo tàng Quảng Ninh gây chú ý ngay từ vẻ bề ngoài tựa như “viên ngọc đen” nằm bên bờ vịnh Hạ Long. 14.000m2 kính cường lực đen bao phủ các khối nhà không chỉ tượng trưng cho than đá (khoáng sản đặc trưng của Quảng Ninh) mà còn phản chiếu sắc nét mây trời, các đảo đá, đường phố xung quanh. Nhờ sự độc đáo này, cụm công trình gồm Bảo tàng và Thư viện tỉnh Quảng Ninh do kiến trúc sư Salvador Pérez Arroyo (Tây Ban Nha) thiết kế đã nhận giải “Kiến trúc của năm” (2014) do Hội Kiến trúc sư Việt Nam trao tặng.

Bảo tàng Quảng Ninh gây chú ý ngay từ vẻ bề ngoài tựa như “viên ngọc đen” nằm bên bờ vịnh Hạ Long. 14.000m2 kính cường lực đen bao phủ các khối nhà không chỉ tượng trưng cho than đá (khoáng sản đặc trưng của Quảng Ninh) mà còn phản chiếu sắc nét mây trời, các đảo đá, đường phố xung quanh. Nhờ sự độc đáo này, cụm công trình gồm Bảo tàng và Thư viện tỉnh Quảng Ninh do kiến trúc sư Salvador Pérez Arroyo (Tây Ban Nha) thiết kế đã nhận giải “Kiến trúc của năm” (2014) do Hội Kiến trúc sư Việt Nam trao tặng.

Từ khi đi vào hoạt động ở địa điểm mới năm 2015, Bảo tàng Quảng Ninh luôn là điểm check-in yêu thích của du khách trong và ngoài nước. Năm 2022, nơi đây đón khoảng 700.000 lượt khách, doanh thu từ bán vé tham quan hơn 16 tỷ đồng. Bảo tàng Quảng Ninh cũng là bảo tàng tổng hợp cấp tỉnh đầu tiên tự chủ được kinh phí trong cả nước.

Không gian phía ngoài bảo tàng gây chú ý bởi những hiện vật cỡ lớn như bệ phóng tên lửa, pháo cao xạ, súng thần công,... và đặc biệt là khối than đá Antraxit được khai thác tại độ sâu âm 176m, trọng lượng khoảng 28 tấn, nhận kỷ lục Guiness Việt Nam là khối than kíp lê - Antraxit nguyên khối lớn nhất Việt Nam.

Hệ thống trưng bày trong bảo tàng rất phong phú, thực hiện công tác bảo tồn và giới thiệu lịch sử, văn hóa, thiên nhiên Quảng Ninh một cách khoa học, hiện đại, sinh động. Sảnh lớn gây ấn tượng với bộ xương cá voi hơn 20m được phát hiện tại đảo Ngọc Vừng năm 1994.

Theo các ống núi tại tầng 1, khách tham quan bước vào hành trình khám phá sự đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên tại Quảng Ninh, như mẫu vật của hàng trăm loại hải sản, côn trùng, sự hình thành địa chất đa dạng, các công cụ nghề cá của ngư dân Quảng Ninh xưa và nay…

Tầng 2 của bảo tàng giống như 1 lòng thuyền khổng lồ, nơi trưng bày các hiện vật từ thời Tiền – Sơ sử đến kỷ nguyên Đại Việt. Du khách đặc biệt thích thú trước Cọc gỗ Bạch Đằng – ghi dấu 3 lần chiến thắng phong kiến phương Bắc hay hiện vật về Thương cảng Vân Đồn – thương cảng đầu tiên của Đại Việt,… Bên cạnh đó là Khu hiện vật Cách mạng kháng chiến được bố trí trong không gian tái hiện khoang máy bay, gợi nhớ ký ức hào hùng bắn rơi máy bay, hạ giặc lái Mỹ của quân dân Quảng Ninh năm 1964.

Không gian Yên Tử và nhà Trần tại Quảng Ninh mang lại cảm xúc thanh tịnh và linh thiêng với hình ảnh chùa tháp, thể hiện giai đoạn phát triển rực rỡ của văn hóa - kiến trúc – nghệ thuật dưới thời Trần, đặc biệt là về Trần Nhân Tông - vị Vua đã rời ngôi báu để tu hành đắc đạo.

Khách tham quan có thể chiêm ngưỡng Hộp vàng Ngọa Vân - Bảo vật quốc gia được phát hiện năm 2012 trên con đường hành hương lên di tích am Ngọa Vân - thánh địa của Thiền phái Trúc Lâm (TX. Đông Triều, Quảng Ninh). Tác phẩm cho thấy trình độ và kỹ thuật hết sức điêu luyện của nghệ nhân chế tác thời Trần thế kỷ XIV. Đây cũng là 1 trong số 12 Bảo vật Quốc gia hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Ninh.

Khu trưng bày lịch sử ngành than tại tầng 3 khiến nhiều du khách hào hứng. Với sa bàn khai trường khai thác than lộ thiên, khách tham quan phần nào hình dung hoạt động khai thác “vàng đen” với nhiều thăng trầm, lịch sử đấu tranh hào hùng của công nhân mỏ dưới ách áp bức của thực dân.

Đặc biệt, du khách sẽ được “thử làm thợ lò” khi bước vào không gian mô phỏng một đường lò thực tế, tận mắt chứng kiến các công đoạn khai thác than ở độ sâu hàng trăm mét dưới lòng đất thông qua mô hình và phim tài liệu được trình chiếu.

Kỷ niệm của Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Quảng Ninh được thể hiện không kém phần sinh động qua các hiện vật giá trị. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần về thăm vùng than, đến những hải đảo xa xôi, những tầng than, nhà máy, công trường...

Khu trưng bày chủ đề dân tộc được thiết kế dạng không gian mở khiến người xem như lạc vào các ngôi làng, thôn bản, tìm hiểu các dân tộc tại tỉnh Quảng Ninh với những nét văn hóa đa dạng, đầy màu sắc từ vùng cao tới hải đảo…

Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động trưng bày, Bảo tàng Quảng Ninh cũng đưa vào hoạt động một phiên bản ảo trên website baotangao.baotangquangninh.vn, nâng cấp các hệ thống màn hình tương tác và đang thực hiện dự án trình chiếu công nghệ 3D phục vụ khách tham quan, tổ chức các hóa học lịch sử trực tuyến cho học sinh...

Bảo tàng Quảng Ninh kề bên Quảng trường 30 tháng 10 và Cung Quy hoạch, hội chợ và triển lãm Quảng Ninh đã trở thành không gian đẹp để người dân, du khách tìm đến, tận hưởng và lưu giữ những khoảnh khắc đáng nhớ nơi phố biển Hạ Long./.

Trường Giang/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/du-lich/anh-cua-ban/co-gi-ben-trong-vien-ngoc-den-ben-bo-vinh-ha-long-post1007570.vov