Có gì đặc biệt trong Tết Nguyên đán ở Triều Tiên?

Trong dịp Tết Âm lịch, người dân Triều Tiên thường chuẩn bị rất kỹ lưỡng, đặc biệt là quà tặng, kế hoạch đi lại và thực phẩm. Người thân và bạn bè sẽ trao quà cho nhau, vì vậy đi mua quà trước lễ hội là một việc rất cần thiết.

Pháo hoa đêm giao thừa bên bờ sông Đại Đồng, Bình Nhưỡng. Ảnh: Young Pioneer Tours.

Pháo hoa đêm giao thừa bên bờ sông Đại Đồng, Bình Nhưỡng. Ảnh: Young Pioneer Tours.

Triều Tiên vốn là một quốc gia bí ẩn với nhiều quy định và hạn chế dành cho khách nước ngoài tới du lịch. Đất nước này từng đóng cửa với du khách từ tháng 12 tới tháng 1 năm sau để chuẩn bị đón năm mới.

Tuy nhiên, những năm gần đây, chính phủ Triều Tiên đã cho phép người nước ngoài trải nghiệm Tết Nguyên đán tại thủ đô Bình Nhưỡng.

Seollal, hay Tết Nguyên đán, là một trong những ngày lễ truyền thống được chờ đợi nhất trên bán đảo Triều Tiên. Dịp lễ này từng bị quên lãng mãi đến năm 1989, khi nhà lãnh đạo Triều Tiên lúc đó là Kim Jong Il hồi sinh truyền thống ăn tết theo lịch âm. Trước đó, người dân Triều Tiên thường đón chào năm mới theo lịch dương.

UPI cho biết không như nhiều quốc gia châu Á, người Triều Tiên không di chuyển ồ ạt về quê trong dịp Tết Nguyên đán do hạn chế về việc tự do đi lại trong nước.

Mặc dù Tết ở Triều Tiên thường chỉ kéo dài từ 3 đến 4 ngày, nhưng việc chuẩn bị Tết thường được tiến hành từ một tháng trước đó.

Trước Tết, các gia đình ở Triều Tiên thường chuẩn bị rất kỹ lưỡng, đặc biệt là quà tặng, kế hoạch đi lại và thực phẩm. Người thân và bạn bè sẽ trao quà cho nhau, vì vậy đi mua quà trước lễ hội là một việc rất cần thiết.

Món quà phổ biến nhất trong dịp tết là thẻ mua hàng ở siêu thị và tiền mặt. Một số món quà phổ biến khác là sâm, mật ong, các sản phẩm sức khỏe, ghế massage, đồ phòng tắm, các gói quà chứa thức ăn gồm cá ngừ, thịt jam-bông hộp, cá hoặc hoa quả khô, kẹo bánh truyền thống.

Mâm cơm cúng tổ tiên tại Trều Tiên. Ảnh: AP

Bên cạnh đó, người dân còn may quần áo mới và trang phục truyền thống, có tên gọi là Solbim. Đây là trang phục dành riêng cho dịp Tết Triều Tiên, thường rất sặc sỡ vì được trang trí bằng 5 màu chính.

Vào ngày 30 Tết, các gia đình dọn dẹp trong nhà ngoài hiên và treo câu đối Tết, tranh Tết và trang hoàng nhà cửa đẹp đẽ. Họ cũng chuẩn bị làm cơm Tết và may quần áo Tết.

Cũng trong ngày cuối cùng của năm cũ, người dân Triều Tiên chuẩn bị một chiếc rổ lớn làm bằng rơm và treo trước cửa nhà để xua đi cái xui xẻo của những ngày đã qua cũng như đón may mắn và tốt đẹp đến với năm mới.

Buổi tối, trước khi giao thừa, họ thường tắm bằng nước nóng để tẩy trần. Các thanh tre được đốt trong nhà lúc giao thừa để xua đuổi tà ma vì tục truyền do tiếng nổ của các thanh tre sẽ làm cho ma quỷ khiếp sợ bỏ chạy.

Vào đêm giao thừa không ai ngủ cả, vì theo truyền thuyết nếu ngủ thì sáng hôm sau sẽ bị bạc trắng cả lông mi và đầu óc kém minh mẫn khi thức dậy.

Trẻ em vui Tết. Ảnh: China News.

Sáng ngày mồng 1, người Triều Tiên thức dậy từ rất sớm và mặc trang phục truyền thống của dân tộc. Mỗi người sẽ lấy một ít tiền cho vào trong hình nộm bằng rơm, sau đó đem bỏ ra ngoài phố để đuổi tà ma, đón vận may. Đây được gọi là phong tục “đuổi quỷ”, một nghi lễ không thể thiếu trong ngày tết ở Triều Tiên.

Trong những ngày này, người dân Triều Tiên cũng đến thăm và dâng hoa trước hai bức tượng đồng của nhà lập quốc Kim Nhật Thành và con trai ông, cố lãnh đạo Kim Jong Il.

Tại các gia đình, mọi người thường quây quần, cùng thưởng thức các món ăn truyền thống như tteokguk (súp bánh gạo) và dành thời gian chơi các trò chơi dân gian như yut nori hay chơi nhảy dây.

Truyền thống mừng tuổi cho trẻ em cũng được duy trì ở Triều Tiên.

Bên cạnh đó, người Triều Tiên còn có phong đốt tóc vào ngàu đầu năm mới. Người ta sẽ đem tóc rụng thu nhặt trong cả năm ra đốt sạch, với mong ước năm mới gặp nhiều may mắn, xua đuổi dịch bệnh và cầu bốn mùa bình an.

Người dân Triều Tiên đến thăm và dâng hoa trước hai bức tượng đồng của nhà lập quốc Kim Nhật Thành và con trai ông, cố lãnh đạo Kim Jong Il. Ảnh: China News

Ngoài món bánh songpeon truyền thống, Tết của người Triều Tiên còn có một món đặc trưng là “cơm thuốc”. Để chế biến món này, người ta đem gạo nếp hấp qua, rồi trộn với mật ong, hạt dẻ, táo, nhân hạt tùng, mỡ, tương... rồi hấp chín. Người Triều Tiên từ xa xưa đã coi mật là thuốc nên đã gọi loại cơm này là cơm thuốc. Loại cơm này dùng để đãi khách và cúng tổ tiên. Người Triều Tiên quan niệm, ăn loại cơm này vào đầu năm mới thì cả năm sẽ được sống sung túc và ngọt ngào.

Trong khi người dân Hàn Quốc thường ăn canh bánh gạo trong dịp tết thì món ăn truyền thống ngày tết của người Triều Tiên là một loại bánh gạo nhỏ có tên gọi là Songpeon, một loại bánh gạo được nặn theo hình trăng lưỡi liềm thể hiện quan niệm sống “trăng khuyết rồi trăng lại tròn” như cuộc đời vẫn đổi thay, xoay vần của họ.

Trong dịp tết, chỉ riêng một gia đình trung lưu gồm 4 người ở Triều Tiên cũng có thể tiêu thụ khoảng 4 kg gạo, 2 kg bột mỳ, 3 kg miến, 2 kg thịt lợn cùng dầu ăn và rượu. Đậu phụ cũng là một món ăn rất phổ biến trong dịp tết ở Triều Tiên.

Mộc Miên (T/h)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/tin-the-gioi/co-gi-dac-biet-trong-tet-nguyen-dan-o-trieu-tien-a308481.html