Có gì khác trong ý nghĩa câu 'đau đớn thay phận đàn bà' xưa và nay?

Câu 'đau đớn thay phận đàn bà' trong tác phẩm Thúy Kiều của đại thi hào Nguyễn Du cho đến ngày nay đã có nhiều những điểm khác biệt hay vẫn còn vẹn nguyên ý nghĩa?

Nguyên văn câu thơ của danh hào Nguyễn Du khi nói về thân phận đàn bà trong xã hội cũ như sau:

“Đau đớn thay phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”

Khi xưa ý nghĩa câu "đau đớn thay phận đàn bà" chỉ những sự tủi nhục của người đàn bà khi bị những gông cùm trong xã hội cũ đè ép: tư tưởng trọng nam khinh nữ, tư tưởng thân phận thấp hèn, không được phép học cao học rộng, không có quyền hành địa vị xã hội, thậm chí họ còn không được phép quyết định hạnh phúc của cả đời mình.

Cuộc đời của người phụ nữ trong xã hội xưa chỉ vòng quanh những đạo lý, tư tưởng buộc phải thực hiện. Tam tòng tứ đức, công dung ngôn hạnh, tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, rồi chồng là trời, con trai là điểm tựa,… Có thể nói, người phụ nữ sống trong xã hội cũ hoàn toàn không có được tính nhân quyền trong suốt cuộc đời mình.

Trong câu thơ trên, Nguyễn Du đã dùng sự cảm thông, thấu hiểu và sẻ chia của mình để nói về thân phận người phụ nữ. Ông xót xa thân phận đàn bà trong xã hội thời đó. Xã hội mà những hủ tục phong kiến suy tàn đã hủy hoại cuộc sống hạnh phúc của những con người mang trong mình thân phận đàn bà.

Trong kho tàng những bài thơ, ca dao cũ nói về thân phận của người đàn bà, cũng có rất nhiều những nhà thơ, nhà văn đồng cảm với nỗi khổ của người đàn bà sinh ra trong xã hội cũ. Tất cả đều được nói ra với những sự xót xa, chia sẻ và đồng cảm. Thế nhưng tất cả cũng chỉ dừng ở những câu thơ trên trang giấy. Bởi sau bao nhiêu đời tư tưởng cổ hủ thâm căn cố đế về sự thấp hèn trong thân phận người đàn bà, thì tường thành về điều đó vẫn khó mà hao mòn ngay được.

Thế nhưng, phận đàn bà trong xã hội xưa và nay có gì khác?

Cùng với sự phát triển của cuộc sống con người, sự thay đổi các chính quyền cải cách, sự du nhập các tư tưởng phương Tây về lối sống bình đẳng mới, thân phận người đàn bà đã có nhiều những thay đổi.

Nếu như nói về sướng, thì đàn bà thời nay có nhiều điểm sung sướng hơn với những người đàn bà thời đại cũ. Ít nhất thì họ cũng đã được cởi bỏ một số những gông cùm hủ tục như: tư tưởng bình đẳng giới đang ngày càng phát triển, nhân quyền của phụ nữ được nâng cao,… Những người phụ nữ ngày nay được phép đi học đi hành, được phép tham gia vào những tầng lớp trí thức, có địa vị trong xã hội. Tài năng của người phụ nữ ngày nay đã được khai thác và sử dụng một cách hợp lý, đáng trân trọng.

Tuy nhiên, nếu như nói về khổ, thì đàn bà thời nay cũng có nhiều điểm vẫn khổ như đàn bà thời đại cũ. Bởi tư tưởng trọng nam khinh nữ dù cải thiện nhưng vẫn còn đó. Tư tưởng bình đẳng giới dù đã phát triển rộng mở nhưng chưa thật sự làm hết được những điều nên làm. Cùng với sự phát triển của toàn xã hội, phụ nữ ngày nay có những nỗi vất vả riêng. Nhiều người than rằng, ra ngoài họ phải chiến đấu với công việc, với xã hội, với những người đàn ông. Còn về nhà, họ phải chăm lo con cái, lo lắng việc nhà và hầu hạ chồng như một người ô sin. Nhiều chị em phụ nữ khi gặp nhau vẫn than thở với nhau rằng: "Chán thay thân phận đàn bà".

Nói chung, mỗi thời đại mỗi khác. Nỗi khổ hay sự sung sướng của mỗi một giai đoạn là không thể so sánh ngang bằng. Thế nhưng, làm người phải biết hài lòng với những gì mình đang có. So với những nỗi khổ thân phận mà người đàn bà trong xã hội cũ phải chịu, thì ngày nay, đàn bà cũng đã được sung sướng phần nào. Và ý nghĩa câu đau đớn thay phận đàn bà, cũng đã giảm đi đáng kể nỗi xót xa trong đó!

Theo Phụ nữ sức khỏe

Nguồn Khỏe Plus: http://khoeplus24h.vn/yeu-tam/co-gi-khac-trong-y-nghia-cau-dau-don-thay-phan-dan-ba-xua-va-nay-803760.html