Có gì mới từ 1/1/2019?

Tăng lương tối thiểu vùng; Tăng giá khám bệnh BHYT; Xúc phạm nhân viên hàng không bị phạt đến 5 triệu đồng... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 1/2019.

Ảnh minh họa.

Tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1/2019

Theo Nghị định số 157, ngày 16/11/2018, của Chính phủ, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp sẽ tăng khoảng 160-200.000 đồng/ tháng so với năm 2018.

Cụ thể, vùng I: 4.180.000 đồng/tháng; Vùng II: 3.710.000 đồng/tháng; Vùng III: 3.250.000 đồng/tháng; Vùng IV: 2.920.000 đồng/tháng.

Nghị định sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.

Doanh nghiệp phải công khai việc đóng BHXH, BHYT

Theo Nghị định 149, ngày 07/11/2018, của Chính phủ quy định chi tiết khoản 3 Điều 63 của Bộ luật lao động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, từ 01/01/2019 người sử dụng lao động phải công khai, gồm: Tình hình thực hiện nhiệm vụ, sản xuất, kinh doanh; nội quy, quy chế và các văn bản quy định khác của doanh nghiệp liên quan đến nghĩa vụ, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải công khai thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành, thỏa ước lao động tập thể khác mà doanh nghiệp tham gia; nghị quyết Hội nghị người lao động; việc trích lập, sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi và các quỹ do người lao động đóng góp (nếu có); việc trích nộp kinh phí công đoàn, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; tình hình thực hiện thi đua, khen thưởng, kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Tăng giá khám bệnh BHYT từ 15/01/2019

Từ 15/01/2019, giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc sẽ được áp dụng theo Thông tư 39/2018/TT-BYT của Bộ Y tế.

Theo đó, giá khám bệnh được quy định như sau: Bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I: 37.000 đồng/lượt (tăng 3.900 đồng); Bệnh viện hạng II: 33.000 đồng/lượt (tăng 3.400 đồng); Bệnh viện hạng III: 29.000 đồng/lượt (tăng 2.800 đồng); Bệnh viện hạng IV, Trạm y tế xã: 26.000 đồng/lượt (tăng 2.700 đồng).

Riêng giá hội chẩn để xác định ca bệnh khó (chuyên gia/ca; chỉ áp dụng đối với trường hợp mời chuyên gia đơn vị khác đến hội chẩn tại cơ sở khám, chữa bệnh) là 200.000 đồng.

Quy định mới về thi tuyển công chức

Từ ngày 15/01/2019, Nghị định 161/2018/NĐ-CP của Chính phủ sẽ chính thức có hiệu lực. Theo đó, cách thức thi tuyển, xét tuyển công chức sẽ được thay đổi.

Cụ thể, việc thi tuyển công chức được diễn ra trong 2 vòng: Vòng 1: Thi trắc nghiệm trên máy tính về kiến thức chung, ngoại ngữ và tin học; Vòng 2: Thi môn nghiệp vụ chuyên ngành với nội dung về kiến thức, năng lực, kỹ năng thực thi công vụ của người dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng.

Hình thức thi là phỏng vấn hoặc thi viết.

Theo quy định, việc xét tuyển công chức cũng diễn ra trong 2 vòng: Vòng 1: Kiểm tra điều kiện, tiêu chuẩn của người dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm tại Phiếu đăng ký dự tuyển; Vòng 2: Phỏng vấn để kiểm tra về năng lực và trình độ chuyên môn.

Trêu ghẹo, xúc phạm nhân viên hàng không bị phạt đến 5 triệu đồng

Từ ngày 15/01/2019, Nghị định 162/2018/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực hàng không dân dụng sẽ chính thức có hiệu lực.

Một trong những quy định mới của nghị định này là xử phạt từ 3 - 5 triệu đồng đối với người có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhân viên hàng không, hành khách hoặc người khác tại cảng hàng không, sân bay.

Mức phạt nêu trên cũng áp dụng với người có hành vi đe dọa, lăng mạ nhân viên hàng không, hành khách trên máy bay.

Đối với hành vi hành hung nhân viên hàng không, hành khách, người khác tại cảng hàng không, sân bay, mức phạt từ 7 - 10 triệu đồng.

Thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại 9 địa phương

Theo Quyết định 47 ngày 26/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 10/01/2019 thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và xã, phường, thị trấn thuộc huyện, quận, thị xã, thành phố của 9 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Gia Lai.

Riêng tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, 100% đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã sẽ triển khai thí điểm; tại 7 tỉnh, thành phố còn lại, có tối đa 25% số đơn vị hành chính cấp huyện và 25% đơn vị hành chính cấp xã tham gia thí điểm.

Thời gian thực hiện thí điểm là 01 năm, bắt đầu từ ngày 10/7/2019.

Nhà mạng phải đảm bảo bí mật thông tin người dùng

Tại Thông tư 16/2018/TT-BTTTT, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục đặt ra những yêu cầu nghiêm ngặt hơn đối với các nhà mạng trong việc thực hiện hợp đồng với khách hàng.

Theo đó, các nhà mạng có nghĩa vụ đảm bảo bí mật thông tin của khách hàng và chỉ được chuyển giao thông tin cho bên thứ ba khi có sự đồng ý của khách hàng, trừ các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Các nhà mạng phải đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng theo đúng chất lượng đã công bố; Không được từ chối giao kết hợp đồng hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng với khách hàng, trừ một số trường hợp đặc biệt.

Trong trường hợp ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông, nhà mạng phải thông báo cho khách hàng trước 30 ngày.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 21/01/2019.

Thưởng Tết 2019: Thấp thỏm chờ giờ “G”

BizDAILY : Những phi vụ mờ ám “hô biến” đất công ở Sài Gòn

Đề xuất tăng lương cán bộ, công chức từ 1/7/2019

VẠN XUÂN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/chinh-tri-xa-hoi/co-gi-moi-tu-112019-3486857.html