Có gì ở cố đô Bagan vừa được UNESCO công nhận là Di sản thế giới?

Sau gần 1/4 thế kỷ, cố đô của Myanmar là Bagan đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.

Cố đô Bagan của Myanmar được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.

Trong cuộc họp diễn ra ở Baku, Azerbaijan từ ngày 30-6 đến ngày 10-7 thảo luận về 43 đề cử cho nhiều hạng mục, UNESCO đã công nhận Bagan của Myanmar là Di sản thế giới.

Quyết định này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Bagan - một thành phố cổ với 3.500 chùa tháp, đền đài và các công trình khác được xây dựng từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIII. Chính quyền và người dân nơi đây hy vọng, sự công nhận này sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho ngành du lịch Myanmar.

Trước đó, Bagan lần đầu tiên được đề cử vào danh sách Di sản Thế giới năm 1995.

Cố đô Bagan ẩn hiện trong sương mờ, đẹp như một bức tranh.

Nằm ở vùng đồng bằng thuộc miền Trung của Miến Điện, chạy dọc theo bờ phía Đông của dòng sông Ayeyarwady, cố đô Bagan (hay còn được gọi là Pagan) có diện tích hơn 41km2

Tuy diện tích không lớn, nhưng đây là khu vực tập trung rất nhiều công trình kiến trúc Phật giáo nguy nga và tráng lệ, có thể sánh ngang với hai quần thể đền tháp Phật giáo vĩ đại trên thế giới, đó là đền Angkor Wat của Campuchia và đền Borobodur tại miền Trung đảo Java, Indonesia.

Bagan từng là thủ đô tráng lệ của Myanmar suốt 230 năm. Cố đô Bagan sở hữu 3.500 chùa tháp, đền đài và các công trình được xây dựng từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIII.

Điều đặc biệt là tất cả các đền chùa của Bagan chỉ nằm trong diện tích chừng 42km2 bên trái bờ sông Ayeyarwady, nay được biết đến là vùng Bagan cũ (Bagan Plain).

Những công trình đền chùa còn sót lại chính là hiện thân của một lối kiến trúc đã tiệt chủng, từ những chùa búp tháp đặc kín trong giai đoạn đầu của thời Mon, cho tới những ngôi đền có kiến trúc rỗng bên trong của thời hậu Mon. Đây là lối kiến trúc rất phổ biến tại các ngôi chùa lớn ở Bagan, và một trong số đó chính là chùa Vàng Shwezigon.

Chùa Vàng Shwezigon - ngôi chùa vàng đầu tiên được xây dựng tại Miến Điện, đồng thời cũng là mẫu tiêu biểu cho các ngôi chùa sau này. Ngoài chùa Shwezigon “cổ xưa nhất”, Bagan còn có ngôi đền Ananda “đẹp nhất”; chùa Thatbyinyu “cao nhất” và cuối cùng là chùa Dhamma Yangyi “đồ sộ nhất”.

Một trong những trải nghiệm tuyệt vời và được nhiều người yêu thích nhất khi đến Bagn chính là ngắm những ngôi đền, chùa nổi tiếng linh thiêng và độc đáo với phần kiến trúc 4 mặt, tâm tháp ở giữa bằng khinh khí cầu.

Du khách thường lựa chọn khinh khí cầu để thưởng ngoạn cảnh sắc nơi đây.

Ngoài cảnh sắc thiên nhiên cùng lối kiến trúc độc đáo, nhịp sống yên bình, trầm mặc và chậm rãi ở Bagan cũng chính là điều cuốn hút nhiều người.

Nhịp sống bình yên và chậm rãi là nét đặc trưng, thu hút nhiều du khách.

Khung cảnh hệt như trong những câu chuyện cổ tích ở Bagan.

Bagan đẹp mơ màng dưới ánh hoàng hôn buông.

Bagan không chỉ thu hút du khách bởi các ngôi đền, chùa với lối kiến trúc độc đáo mà còn bởi nền văn hóa và những con người thân thiện.

Tuệ An

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/co-gi-o-co-do-bagan-vua-duoc-unesco-cong-nhan-la-di-san-the-gioi-82298.html