Có gì trong 'bản cáo trạng nói' của công tố viên đặc biệt Mueller?

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, Điều tra viên đặc biệt Robert Mueller đang sử dụng công cụ pháp lý đặc biệt khi đưa ra một bản cáo trạng về việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ song song với việc âm thầm thúc đẩy các hoạt động điều tra.

Điều tra viên đặc biệt Robert Mueller. Ảnh: AFP/TTXVN

Cụ thể, ông Mueller đã công bố “bản cáo trạng nói”, văn bản được giới chuyên gia pháp lý diễn tả đó là một bản cáo trạng chứa đựng nhiều hơn các chi tiết, bằng chứng, lời buộc tội so với quy định pháp lý thông thường và các công tố viên có thể lựa chọn những thông tin trong đó để đưa vào nội dung của bản cáo trạng chính thức.

“Bản cáo trạng nói” của công tố viên đặc biệt Mueller dài 29 trang, bao gồm những thông tin được đưa ra từ tháng trước liên quan các các buộc tình báo Nga thâm nhập qua mạng ảo vào Ủy ban Bầu cử quốc gia của đảng Dân chủ, đồng thời cung cấp thêm nhiều bằng chứng cụ thể hơn về các hoạt động thâm nhập đó.

“Bản cáo trạng nói” khẳng định các đối tượng người Nga lấy tên là “Guccifer 2.0” để liên lạc với một nhân vật có mối quan hệ với các thành viên cấp cao trong nhóm tranh cử của ứng cử viên Donald Trump và trao cho các tài liệu đánh cắp được về đảng Dân chủ.

Do không thể bắt ép các đối tượng bị cáo buộc xuất hiện tại tòa án Mỹ, “bản cáo trạng nói” này được coi là tài liệu pháp lý duy nhất tại tòa cho cáo buộc trên.

Dư luận Mỹ vẫn chưa rõ mục đích công tố viên đặc biệt Mueller sử dụng công cụ này, nhưng những chuyên gia pháp luật nhận định có thể ông muốn công khai trên diện rộng những thông tin không có trong công bố chính thức về cuộc điều tra. Đây cũng có thể là đòn cảnh cáo của quan chức này đối với những người muốn hạ bệ ông.

Glenn Kirschner, cựu công tố viên liên bang thuộc Văn phòng Luật sư Washington D.C, cho rằng “bản cáo trạng nói” trên có thể gửi đi thông điệp rằng các cơ quan luật pháp Mỹ muốn tập hợp nhiều ý kiến hơn của dư luận trong nước đối với vụ án và thúc đẩy sự hợp tác từ nhiều phía.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng có thể có những lý do chiến lược khác của việc sử dụng “bản cáo trạng nói” như là cách thức để chứng minh rằng các cơ quan tố tụng Mỹ đã thu thập đầy đủ bằng chứng, khiến những người bị buộc tội cảm thấy không thể “chiến thắng”, đồng thời đưa ra tín hiệu cảnh báo với những đối tượng liên quan khác rằng các bằng chứng của bản cáo trạng có thể chứng minh họ có tội trong tương lai.

Công tố viên đặc biệt Mueller đã sử dụng công cụ này trong cáo buộc tội danh với các cố vấn tranh cử của Trump là Paul Manafort và Richard Gates. Ngày 21/8 vừa qua, tòa đã ra phán quyết ông Manafort phạm 8 tội danh về gian lận tài chính và đây được coi là một chiến thắng của công tố viên Mueller.

Trong khi đó, Tổng thống Trump liên tục chỉ trích cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Mueller về việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ là “cuộc săn phù thủy” mang tính chính trị, khẳng định không có bằng chứng cho thấy sự thông đồng giữa nhóm tranh cử của ông với Moskva.

Đến nay, đội ngũ điều tra viên của ông Mueller đã có một số buổi trao đổi với các luật sư của Tổng thống Trump, trong đó đặt ra một số câu hỏi về khả năng Tổng thống Mỹ cản trở công lý và đề nghị về khả năng thẩm vấn trong tương lai.

Theo TTXVN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/the-gioi/co-gi-trong-ban-cao-trang-noi-cua-cong-to-vien-dac-biet-mueller-3466362.html