Có gì trong máy bay trinh sát mới của Nga được Mỹ cho phép do thám lãnh thổ?

Washington vừa cho phép một máy bay trinh sát mới của Nga bay giám sát lãnh thổ nước mình. Từ lâu Mỹ và Nga đã nhất trí giám sát hợp pháp đối phương để đảm bảo không ai trong hai phía âm mưu triển khai một cuộc tấn công.

Máy bay dân dụng Tu-214. Ảnh: Reuters

Máy bay dân dụng Tu-214. Ảnh: Reuters

Việc lấy chứng nhận cho chiếc máy bay Tu-214ON của Nga cuối cùng đã hoàn tất sau khi Mỹ ngày 25/9 ký chấp thuận mẫu máy bay trinh sát vào hôm 25/9, Sergey Ryzhkov – người đứng đầu Trung tâm Giảm thiểu Mối đe dọa Hạt nhân của Bộ quốc phòng Nga – cho biết.

Chiếc máy bay này sẽ làm nhiệm vụ theo dõi xem Mỹ có tuân thủ đúng các hiệp ước kiểm soát vũ khí trước đó ký với Nga hay không.

“Rõ ràng không có khiếu nại về mặt kỹ thuật đối với máy bay Nga và việc được chứng nhận chỉ là vấn đề thời gian”, ông Ryzhkov giải thích. Hiện máy bay này có thể triển khai nhiệm vụ bay giám sát lãnh thổ Mỹ theo những gì cam kết trong Hiệp ước Bầu trời Mở.

Giám sát vì hòa bình

Hiệp ước Bầu trời Mở được ký kết vào năm 1992, trong bối cảnh cả hai bên đối lập trong Chiến tranh Lạnh muốn giảm căng thẳng và có sự minh bạch về ý định của nhau. Hai bên đã cho ra đời một hiệp ước, cho phép kiểm tra lãnh thổ để xác nhận không có bất kỳ một động thái triển khai quân sự bí mật nào đang được tiến hành.

Tuy nhiên, Hiệp ước phải sau 10 năm mới có hiệu lực. Hiện tại có 34 quốc gia tham gia ký hiệp ước: Mỹ, Canada, các quốc gia châu Âu, Nga và một vài nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây. Thực tế Hiệp ước trên cho phép Nga và đồng minh Belarus hợp pháp giám sát Mỹ và các đồng minh, ngược lại máy bay các nước NATO cũng có thể lần lượt bay do thám trong không phận Nga mà không vướng phải bất kỳ rào cản nào.

Mỗi nước sẽ tự chọn máy bay để sử dụng cho nhiệm vụ do thám bất ngờ. Phi đội của Nga ban đầu bao gồm máy bay Antonov An-30 làm nhiệm vụ giám sát châu Âu, và một phiên bản đặc biệt của chiếc Tupolev Tu-154 dành cho khu vực Bắc Mỹ.

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga mong muốn có một chiếc máy bay giám sát chuyên dụng. Chính vì vậy bộ này đã chỉ đạo sửa lại hai máy bay dân dụng Tupolev Tu-204/214 và đổi tên thành Tu-214ON.

Chuyến bay đầu tiên của Tu-214ON được thực hiện vào năm 2011 và chuyến bay thứ hai là vào năm 2013. Cho đến nay chúng vẫn chưa được phép tiến hành các chuyến bay giám sát bên ngoài nước Nga.

Video máy bay Tu-214ON trình làng tại Triễn lãm Hàng không Quốc tế 2011 của Nga (nguồn: RT):

Có gì mới trong máy bay trinh sát chuyên dụng của Nga?

So với máy bay Tu-214 thông thường, phiên bản Tu-214ON có thêm một số đặc điểm mới. Buồng lái có thể chứa hơn 2 người. Chính vì vậy, ngoài cơ trưởng, cơ phó và thợ máy, thì buồng lái mới còn có chỗ ngồi cho người điều hướng và thông dịch viên hoặc nhân viên truyền thông. Thân máy bay nhẹ hơn sau khi một số bề mặt kim loại được thay thế bằng các vật liệu composite. Phạm vi hoạt động của Tu-214ON là 6.500km, được nâng lên một mức đáng kể so với phạm vi 4.340km của máy bay dân dụng Tu-214.

Cửa sổ bổ sung cũng được lắp ghép thêm ở khu vực hành khách để hành lý, nhằm phục vụ cho công tác giám sát. Một công tơ điện phụ trợ cũng được bổ sung để cung cấp điện cho các camera và máy ghi âm cũng như hỗ trợ như nguồn dự phòng trong trường hợp khẩn cấp.

Thiết bị quan sát được đầu tư cho Tu-214ON là một sản phẩm của công ty kỹ thuật Vega. Ba mảng cảm biến bao gồm một camera ảnh kỹ thuật số, một camera hồng ngoại, và một camera TV, với radar khẩu độ tổng hợp nhìn ngang có thể xác định phần cứng quân sự trên mặt đất hoặc bố trí ghi âm cơ sở hạ tầng dân sự.

Theo giới chuyên gia, việc Mỹ công bố chấp thuận máy bay do thám Nga trong thời điểm này là một chiêu bài chính trị.

Trước đó, sau 10 ngày thử nghiệm tại Moskva để các chuyên gia đế từ các quốc gia thành viên tham gia Hiệp ước đánh giá, phái đoàn Mỹ là những người duy nhất từ chối cho phép máy bay mới của Nga bay trong không phận nước mình. Quân đội Nga cho biết không có bất kỳ lời giải thích nào được đưa ra. Tuy nhiên, ngay lúc này, Mỹ lại bất ngờ thông báo chấp thuận.

"Tôi tin rằng họ chờ cho đúng thời điểm. Tổng thống Mỹ Donald Trump có bài phát biểu trước LHQ, vì vậy phía Mỹ làm hành động này để cho dư luận thấy họ sẵn sàng hợp tác với tất cả các quốc gia khác, bao gồm cả Nga. Điều này hoàn toàn xuất phát từ động cơ chính trị. Không hề có trở ngại về mặt kỹ thuật về máy bay này”, Aleksandr Bartosh - cựu nhà ngoại giao quân sự Nga – nhận định.

Trong khi đó, chuyên gia quân sự Aleksandr Zhilin lại bày tỏ sự nghi ngờ về cử chỉ bất ngờ của Mỹ, khi cho biết ông không loại trừ một kịch bản, trong đó Washington cho phép máy bay Nga chỉ để sớm rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở hoàn toàn. Mỹ và Nga liên tục chỉ trích lẫn nhau không tuân thủ đúng quy định của các hiệp ước. “Người Mỹ không thể tin tưởng được”, chuyên gia quân sự Aleksandr Zhilin nhấn mạnh.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/vu-khi-khi-tai/co-gi-trong-may-bay-trinh-sat-moi-cua-nga-duoc-my-cho-phep-do-tham-lanh-tho-20180926080650928.htm