Có gì trong 'thành phố trên biển' Mỹ vừa đưa đến Vùng Vịnh?

Nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm USS Abraham Lincoln đại diện cho việc triển khai sức mạnh quân sự của Washington ở bất kỳ điểm nóng nào trên thế giới.

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln (CVN-72) đang được triển khai đến Vịnh Ba Tư để chống lại mối đe dọa, dù chưa xác định cụ thể, từ Iran. Đây là đợt triển khai mới nhất của tàu sân bay tới khu vực chiến lược của Mỹ.

Iran vừa bắt đầu ngưng thực hiện một số điều khoản trong hạt nhân năm 2015, đáp trả việc Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi năm 2018 đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận và khôi phục các lệnh trừng phạt.

Chi tiết về nhóm tác chiến tàu sân bay sẽ cho chúng ta một cái nhìn về việc nó phù hợp ra sao với chiến lược của Mỹ và vì sao Washington đưa nó đến Vùng Vịnh.

"Thành phố di động trên biển"

USS Abraham Lincoln là tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân thuộc lớp Nimitz. Tàu được đưa vào hoạt động từ năm 1989. CVN-72 dài 332 m, gần bằng chiều cao tòa nhà Empire State ở New York.

Nhóm tác chiến tàu sân bay Lincoln đang đi qua kênh đào Suez tiến vào Biển Đỏ. Ảnh: AP.

Nhóm tác chiến tàu sân bay Lincoln đang đi qua kênh đào Suez tiến vào Biển Đỏ. Ảnh: AP.

Boong tàu có diện tích tới 18.210 m2, mang theo các tiêm kích trên hạm F/A-18 Super Hornet, trực thăng và máy bay khác. Tàu có thể chở theo tới 90 máy bay các loại. Bên trong tàu là các lối đi chật hẹp, cầu thang sắt dẫn qua một loạt mê cung với các không gian làm việc và sinh hoạt của thủy thủ đoàn.

Lincoln cần thủy thủ đoàn tới 6.000 người để vận hành. Nó được ví von như một thành phố di động trên biển. Tầm hoạt động của tàu sân bay chỉ bị giới hạn vì nhu yếu phẩm cho thủy thủ đoàn.

Lincoln giống như các hàng không mẫu hạm khác của Mỹ, di chuyển trong một nhóm tấn công để bảo vệ lẫn nhau. Đi cùng Lincoln đến Trung Đông có 3 tàu khu trục USS Bainbridge, USS Mason và USS Nitze, lớp Arleigh Burke, tuần dương hạm USS Leyte Gulf và tàu hộ vệ tên lửa Mendez Nunez của Tây Ban Nha. Tàu sân bay cũng được trang bị súng máy và tên lửa để tự vệ.

Tương quan sức mạnh quân sự Mỹ - Iran. Đồ họa: Salamnfws.

Tàu sân bay cho phép quân đội triển khai sức mạnh không quân tới các khu vực khó triển khai máy bay trên đất liền hoặc tốn nhiều thời gian. Nó giúp giảm thời gian chuẩn bị, cho phép máy bay ở trên chiến trường lâu hơn.

Trên tàu sân bay có đủ cơ sở bảo trì và sửa chữa nhỏ, với các chức năng đầy đủ như một căn cứ không quân trên đất liền. Hàng không mẫu hạm phục vụ như một cách để quốc gia sở hữu nó phô diễn sức mạnh quân sự ở các khu vực xa nhà.

Đó là cách mà tàu sân bay Lincoln sẽ làm khi nó đi qua eo biển Hormuz, cửa hẹp để đi vào Vịnh Ba Tư, nơi có một phần ba lượng dầu của thế giới được giao dịch.

Phản ứng của Iran

Eo biển Hormuz dù là tuyến đường thủy quốc tế, nhưng nó đi qua lãnh thổ Iran. Vệ binh Cách mạng Iran, lực lượng bán quân sự dưới sự chỉ huy của lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei, thường triển khai một đội xuồng tốc độ cao đi theo và cắt qua trước mặt tàu sân bay.

Xuồng tên lửa tốc độ cao của Iran trong một cuộc tập trận. Ảnh: Far News.

Iran cũng có các máy bay không người lái có thể giám sát hoạt động của hàng không mẫu hạm Mỹ trên Vịnh Ba Tư. Các cảnh quay như vậy thường xuất hiện thường xuyên trên truyền hình nhà nước Iran trong nhiều tháng để tuyên truyền. Iran cũng thử tên lửa và vũ khí do họ chế tạo khi tàu sân bay Mỹ đã đi qua.

Dù không có đối đầu quân sự giữa Mỹ và Iran kể từ năm 1988, nhưng căng thẳng hiện tại có thể leo thang ngoài ý muốn. Quân đội Iran nhiều lần tập trận mô phỏng đánh chìm tàu sân bay tương tự như Lincoln.

Bất kỳ sự cố nào liên quan đến tàu sân bay Mỹ có thể kéo theo cuộc khủng hoảng với những hậu quả khó lường.

Trung Hiếu

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/co-gi-trong-thanh-pho-tren-bien-my-vua-dua-den-vung-vinh-post945681.html