Có gì trong thỏa thuận trần nợ mà Mỹ vừa đạt được?

Sau nhiều tuần tranh luận gay gắt, các nhà đàm phán của Nhà Trắng và đảng Cộng hòa cuối cùng cũng đạt được một thỏa thuận để nâng trần nợ của Mỹ vào cuối ngày 27/5.

Kêt thúc cuộc điện đàm kéo dài 90 phút hôm 27/5, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã chốt được một thỏa thuận sơ bộ về việc nâng trần nợ.

Giờ đây, cả 2 vị đại diện đảng Dân chủ và đảng Cộng hoàsẽ phải thuyết phục các đồng minh của mình ở cả Thượng viện và Hạ viện để thông qua thỏa thuận trước ngày 5/6, ngày mà Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cảnh báo rằng Mỹ sẽ mất khả năng thanh toán các hóa đơn.

Chấm dứt bế tắc

Nếu thỏa thuận cuối cùng được Quốc hội thông qua và được ông Biden ký thành luật trước ngày X (ngày Mỹ dự kiến vỡ nợ, tức 5/6), thì Mỹ sẽ tránh được một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có.

Bế tắc kéo dài đã khiến thị trường tài chính hoảng sợ, đè nặng lên cổ phiếu và buộc Mỹ phải trả lãi suất cao kỷ lục trong một số đợt bán tháo trái phiếu. Các nhà kinh tế cho rằng, việc Mỹ vỡ nợ sẽ đẩy quốc gia vào suy thoái, làm chấn động nền kinh tế thế giới, và dẫn đến tỉ lệ thất nghiệp tăng đột biến.

Tổng thống Biden đã từ chối đàm phán với ông McCarthy về việc cắt giảm chi tiêu trong nhiều tháng, và yêu cầu các nhà lập pháp thông qua mức tăng trần nợ mà không kèm theo điều kiện nào. Các cuộc đàm phán hai chiều giữa ông Biden và ông McCarthy bắt đầu từ ngày 9/5, nhưng thật sự trở nên nghiêm túc vào ngày 16/5.

Dù đã đạt được thỏa thuận về nguyên tắc, nhưng công cuộc nâng trần nợ còn tốn nhiều thời gian. Ông McCarthy đã tuyên bố sẽ cho các thành viên Hạ viện 72 giờ để đọc dự luật trước khi đưa ra bỏ phiếu. Dự luật này cần ít nhất 9 phiếu bầu của đảng Cộng hòa mới được thông qua tại Thượng viện.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ hôm 26/5 cảnh báo rằng Mỹ sẽ vỡ nợ vào ngày 5/6 nếu Mỹ không hành động kịp thời. Ảnh: theitem.com

“Chúng tôi vẫn còn nhiều việc phải làm, nhưng tôi tin rằng đây là một thỏa thuận về nguyên tắc xứng đáng với người dân Mỹ”, ông McCarthy nói với các phóng viên tại Điện Capitol hôm 27/5. Vị lãnh đạo đảng Cộng hòa cho biết, ông dự kiến sẽ viết xong dự luật vào ngày 28/5, sau đó nói chuyện lại với ông Biden trong cùng ngày và sắp xếp một cuộc bỏ phiếu vào ngày 31/5.

Một phụ tá của đảng Dân chủ cho biết, Nhà Trắng có kế hoạch họp báo với các đảng viên đảng Dân chủ vào ngày 28/5, CNN đưa tin.

Mặc dù đã đạt được thỏa thuận về nguyên tắc, nhưng các vấn đề mới vẫn có thể nảy sinh trong quá trình thực hiện, và mỗi bước đều tốn nhiều thời gian. Ngoài ra, các nhà quan sát dự kiến sẽ có sự phản đối gay gắt từ cả cánh tả và cánh hữu. Do đó, cần có sự hỗ trợ tích cực từ cả hai phía để thực sự tìm được tiếng nói chung.

Vướng mắc cuối cùng

Thỏa thuận về nguyên tắc sẽ nâng trần nợ hiện ở mức 31,4 nghìn tỷ USD trong 2 năm, đồng thời giới hạn chi tiêu phi quốc phòng ở mức hiện tại trong năm tài chính 2024, sau đó tăng thêm 1% trong năm tài chính 2025.

Nhà Trắng dường như cũng đã nhượng bộ các nhà đàm phán của đảng Cộng hòa tại Hạ viện về các yêu cầu công việc đối với những người nhận phiếu thực phẩm.

Ngoài ra, thỏa thuận này cũng đặt ra những yêu cầu mới đối với một số người nhận viện trợ của chính phủ, bao gồm phiếu thực phẩm và chương trình hỗ trợ tạm thời cho các gia đình nghèo. Chương trình hỗ trợ thực phẩm cho những người từ 54 tuổi trở xuống không có con sẽ kết thúc vào năm 2030, mở rộng khả năng tiếp cận cho cựu chiến binh và người vô gia cư.

Yêu cầu hiện tại đối với chương trình hỗ trợ dinh dưỡng bổ sung (SNAP) sẽ chỉ áp dụng cho một số người nhất định trong độ tuổi 18-49.

Thỏa thuận dự kiến cũng sẽ lấy lại số tiền chưa sử dụng cho dự luật cứu trợ đại dịch trước đó và giảm 10 tỷ USD (từ 80 tỷ USD xuống còn 70 tỷ USD) nguồn tài trợ thực thi mới cho Đạo luật giảm lạm phát nhằm kiểm soát gian lận thuế.

Cho đến ngày 16/5, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy mới chính thức đàm phán một cách nghiêm túc về trần nợ sau khi Bộ Tài chính nhiều lần cảnh báo nguy cơ chính phủ liên bang vỡ nợ vào tháng 6. Ảnh: NBC News

Theo CNN, các yêu cầu mới đối với một số chương trình mạng lưới an sinh xã hội vẫn là điểm vướng mắc cuối cùng.

Đảng Cộng hòa cho rằng những người thụ hưởng các chương trình như hỗ trợ thực phẩm và những người không có người phụ thuộc nên buộc phải tuân theo các quy tắc mới. Tuy nhiên, các đảng viên Đảng Dân chủ đã coi ý tưởng này là một cuộc tấn công vào những người nghèo.

Nhiều tháng qua, đảng Cộng hòa đã nhất quyết phản đối ý tưởng tăng trần nợ trừ khi ông Biden đồng ý cắt giảm chi tiêu. Thỏa thuận cuối cùng hoàn thành mục tiêu của họ, nhưng chỉ ở mức khiêm tốn.

Một phân tích của New York Times về giới hạn chi tiêu trong thỏa thuận này cho thấy, Quốc hội Mỹ sẽ chỉ giảm chi tiêu liên bang khoảng 650 tỷ USD. Những khoản cắt giảm này chắc chắn là quá ít để giành được phiếu bầu của những người bảo thủ trong Hạ viện.

Ông McCarthy đã nhiều lần bày tỏ sự tin tưởng rằng đa số thành viên đảng Cộng hòa sẽ bỏ phiếu cho thỏa thuận, nhưng vẫn chưa rõ có bao nhiêu đảng viên Cộng hòa thực sự ủng hộ nó, và cần bao nhiêu thành viên đảng viên Dân chủ bỏ phiếu để bù lại con số phản đối bên đảng Cộng hòa.

Nguyễn Tuyết (Theo NY Times, CNN, Reuters, Bloomberg)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/co-gi-trong-thoa-thuan-tran-no-ma-my-vua-dat-duoc-a609943.html