Có gì trong viên An Cung đang bị thổi phồng công dụng?

Nhiều người đang lầm tưởng khi cho rằng An Cung Ngưu Hoàng Hoàn được xem là thần dược có thể cứu sống người đột quỵ. Công dụng thực sự của loại thuốc này là gì?

4 dấu hiệu cảnh báo đột quỵ ai cũng có thể mắc Người bệnh có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời trong vòng 4-5 tiếng sau khi có dấu hiệu đột quỵ.

Theo bác sĩ Bùi Tiến Hưng (khoa Y học Cổ truyền, Đại học Y Hà Nội) an cung được nhắc đến nhiều trong sách Ôn bệnh điều biện của Ngô Đường (1758-1836) đời Thanh (Trung Quốc). Tính đến nay thuốc này đã có lịch sử ít nhất 200 năm.

Quyển Dược điển Trung Quốc 2010 nêu rõ các thành phần của một viên thuốc An cung 3 g bao gồm:

- Ngưu hoàng (Bovis Calculus): 100 g

- Thủy ngưu giác (Pulvis cornus bubali concentratus): 200 g

- Xạ hương hoặc Xạ hương nhân tạo (Moschus hoặc Moschns Artifactus): 25 g

- Trân châu (Margarita: 50g

- Chu sa (Cinnabaris): 100 g

- Hùng hoàng (Realgar): 100 g

- Hoàng liên (Rhizoma coptidis): 100 g

- Hoàng cầm (Radix Scutellariae): 100 g

- Chi tử (Fructus Gardeniae): 100 g

- Uất kim (Radix Curcumae): 100 g

- Băng phiến (Borneolum syntheticum): 25 g

- Mật ong tinh luyện vừa đủ.

Một bệnh nhân đột quỵ đang được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: M.T.

Một bệnh nhân đột quỵ đang được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: M.T.

Về các thành phần của thuốc, Lương y Vũ Quốc Trung cũng cho biết thuốc do danh y Ngô Đường người đời Thanh (Trung Quốc) sáng chế, sau này được cửa hàng Bắc Kinh Đồng Nhân phục dựng lại. Ban đầu thành phần bài thuốc này có sừng tê giác, sau đó loài vật này có nguy cơ tuyệt chủng, sừng thuộc hàng thuốc cấm nên phải thay thế bằng vị thuốc khác là sừng trâu nước.

Trong bài thuốc này, vị ngưu hoàng có tác dụng thanh tâm giải độc, hóa đờm, khai khiếu, an thần là chủ dược. Hoàng cầm, hoàng liên, chi tử tả tâm hỏa, thanh nhiệt độc. Hùng hoàng cùng với ngưu hoàng khu đàm giải độc. Uất kim, băng phiến phương hương hóa trọc thông khiếu khai bế. Chu sa, trân châu trấn kinh an thần. Các vị thuốc hợp lại thành bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt giải độc, khu đàm khai khiếu, trấn kinh an thần.

Tuy nhiên, theo lương y Trung, trong các vị thuốc thành phần của thuốc này có 3 loại mang độc tính nằm trong danh sách 19 vị thuốc có khả năng gây mất an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế. Đó là chu sa - một loại khoáng vật với thành phần chính là thủy ngân, hùng hoàng cũng là một loại khoáng vật có thành phần chính asen và xạ hương có độc tính cao.

Theo Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, hiện thuốc có tên An Cung Ngưu Hoàng Hoàn lưu hành trên thị trường Việt Nam có nhiều nguồn gốc từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên,... được nhập khẩu vào Việt Nam qua đường phi mậu dịch hoặc qua đường chính thức. Đây là thuốc đông y có thành phần gồm các vị dược liệu và phải được sử dụng, kê đơn của các thầy thuốc Đông y.

Cơ quan này quy định rõ thuốc chỉ được dùng cho nhiệt bệnh, tà nhập tâm bào, cao nhiệt kinh quyết (sốt cao co giật), thần hôn (hôn mê), loạn ngữ (mê sảng); hôn mê do trúng phong (viêm não, viêm màng não, xuất huyết não thể bế chứng: có sốt cao, huyết áp tăng,…).

Thuốc được dùng đường uống, cần phải dùng thuốc theo đơn, đúng chỉ định và dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ y học cổ truyền hoặc thầy thuốc Đông y.

- Người lớn: 1 viên hoàn, 1 lần/ngày;

- Trẻ em dưới 3 tuổi: dùng 1/4 viên hoàn, 1 lần/ngày;

- Trẻ từ 4-6 tuổi: 1/2 viên hoàn, 1 lần/ngày

Liệu trình điều trị: 3 ngày liên tục, có thể dùng 5 ngày. Nên nhai viên thuốc hoặc uống từng phần nhỏ.

Đặc biệt, theo hướng dẫn của Bộ Y tế thuốc chống chỉ định với người tai biến mạch máu não, viêm não thể thoát chứng và thể chảy máu vào não thất của tai biến mạch máu não, người thể hàn, dương hư, tỳ vị hư hàn, phụ nữ có thai, người suy giảm chức năng gan, thận.

Về việc người dân mua thuốc dự trữ cho người đột quỵ uống, các chuyên gia khuyến cáo đây là hành động nguy hiểm. Lương y Vũ Quốc Trung nhấn mạnh thuốc không dùng để điều trị cho người xuất huyết não (một trong hai thể của đột quỵ), chỉ dùng trong trường hợp tai biến mạnh máu não, nhồi máu não.

Song người không có chuyên môn không thể phân biệt hai bệnh này. Nếu dùng với bệnh nhân xuất huyết não, tuy thuốc có tính thiên về hàn nhưng với tác dụng hoạt huyết, hành khí khá mạnh có thể làm cho tình trạng xuất huyết nặng thêm. Khi đó, bệnh nhân sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng.

Hà Quyên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/co-gi-trong-vien-an-cung-dang-bi-thoi-phong-cong-dung-post807529.html