Có giải pháp khả thi 'tiếp thêm nguồn năng lượng' cho doanh nghiệp

Cùng với việc nhận diện sâu sắc những khó khăn, thách thức mà nền kinh tế đang đối mặt, trong ngày làm việc đầu tiên của phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh phải có ngay các giải pháp khả thi, vượt trội để 'tiếp thêm nguồn năng lượng' cho doanh nghiệp, xem đây là giải pháp 'gốc rễ' để giải quyết nhiều vấn đề về lao động, việc làm, an sinh xã hội... hiện nay.

ĐBQH Lê Hữu Trí (Khánh Hòa):
Điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm

Để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2023 như đã đề ra, tôi nhận thấy một số vấn đề đòi hỏi cần có sự chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả hơn. Trong đó, phải có giải pháp hữu hiệu tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, có giải pháp bảo đảm cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế. Đây là yêu cầu đặt ra rất khó khăn, trong khi chúng ta vừa phải kiểm soát lạm phát, vừa phải bảo đảm lãi suất phù hợp với nền kinh tế thị trường và diễn biến của thị trường. Qua kết quả khảo sát của VCCI, những khó khăn hàng đầu mà doanh nghiệp gặp phải là: tiếp cận tín dụng có nhiều trở ngại, bao gồm cả tín dụng, nguồn vốn, lãi suất ưu đãi của Chính phủ và nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây cũng là một trong những yếu tố làm cho doanh nghiệp đã khó khăn lại càng khó khăn hơn, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình phá sản, giải thể, bán lại doanh nghiệp.

Đại biểu Lê Hữu Trí (Khánh Hòa). Ảnh: Lâm Hiển

Đại biểu Lê Hữu Trí (Khánh Hòa). Ảnh: Lâm Hiển

Tôi đề nghị, cần điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, chia sẻ vai trò hỗ trợ, phục hồi tăng trưởng kinh tế với chính sách tiền tệ. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả và phải phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, bảo đảm hợp lý để vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa kiểm soát được lạm phát. Cần chủ động xem xét tiếp tục hạ lãi suất nhằm hỗ trợ tăng trưởng, kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng, sử dụng vốn và hạn mức tăng trưởng tín dụng.

Cùng với đó, phải có biện pháp chấn chỉnh ngay lề lối làm việc của bộ máy nhà nước các cấp, nhất là tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nhà nước nói chung và cán bộ, công chức giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý nói riêng có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh không giải quyết các thủ tục hành chính hoặc gây ách tắc kéo dài khi giải quyết các thủ tục hành chính của dân và doanh nghiệp. Tình trạng trì trệ trong hoạt động điều hành ở nhiều nơi đã góp phần gây khó khăn, ách tắc trong giải quyết các thủ tục hành chính cho dân và doanh nghiệp, làm cho doanh nghiệp và người dân đã và đang khó khăn lại càng khó khăn hơn, làm mất nhiều thời gian, tăng chi phí không chính thức, làm mất cơ hội của người dân và doanh nghiệp, trong nhiều trường hợp vi phạm gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân đã được Hiến pháp quy định.

Đồng thời, khẩn trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định của pháp luật không rõ ràng, khó thực hiện trên thực tế, thiếu đồng bộ, xung đột pháp luật, nhằm tháo gỡ kịp thời các bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật. Đây là yêu cầu rất quan trọng, không những cả trước mắt và cả lâu dài để cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, giải quyết kịp thời các vấn đề xã hội phát sinh.

ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung (Long An):
Giải quyết căn cơ, kịp thời, hiệu quả tình hình lao động, việc làm

Trước Kỳ họp thứ Năm, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An đã tiếp xúc chuyên đề với hơn 200 cử tri đại diện cho gần 400.000 công nhân lao động ở các khu công nghiệp của tỉnh và ghi nhận rất nhiều ý kiến của công nhân lao động. Đó là những tâm tư, những chia sẻ về tình hình khó khăn hiện nay, những nguyện vọng, kiến nghị về chính sách, những quy định liên quan đến lao động, việc làm, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và đặc biệt là mong muốn thiết tha về tiếp cận, mua nhà ở xã hội.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An). Ảnh: Hồ Long

Tôi đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện hơn về tình hình kinh tế, sản xuất công nghiệp, hoạt động doanh nghiệp, lao động, việc làm, theo dõi sát sao tình hình thực tiễn. Phân tích rõ hơn các nguyên nhân khách quan, chủ quan, rút ra bài học kinh nghiệm để chủ động, kịp thời đề ra những giải pháp căn cơ, toàn diện, giải quyết hiệu quả tình hình lao động, việc làm, đảm bảo an sinh, trật tự xã hội, nhìn nhận rõ trách nhiệm cho những nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại thuộc về chủ quan.

Một trong những giải pháp chúng tôi cho là “gốc rễ” của vấn đề là có chính sách bồi dưỡng, tăng cường “sức khỏe” của doanh nghiệp. Đề nghị Chính phủ cần tiếp tục có giải pháp khả thi để kích cầu, tiếp thêm nguồn năng lượng, sức mạnh cho doanh nghiệp. Trước mắt, những gì có thể tháo gỡ bằng thông tư, nghị định, hướng dẫn thì Chính phủ, bộ, ngành sớm ban hành văn bản điều chỉnh và hướng dẫn. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc phân cấp, phân quyền cho địa phương, nhất là lĩnh vực đất đai, đầu tư, đầu tư công, xây dựng, tài chính, tổ chức biên chế lao động để tạo cơ sở, điều kiện cho địa phương phát huy nội lực, chủ động, linh hoạt hơn trong việc triển khai điều hành phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình, tránh lãng phí nguồn nội lực, mất cơ hội cho việc chờ đợi các thủ tục được giải quyết để chủ động và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc điểm nghẽn tại địa phương mình.

ĐBQH Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long):
Cần chính sách vượt trội hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động

Dưới sự điều hành linh hoạt, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, góp phần hiện thực hóa chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 được cử tri và nhân dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên, báo cáo đánh giá của Chính phủ cũng cho thấy hiện nay có nhiều vấn đề kinh tế - xã hội phát sinh, tác động tiêu cực đến tâm trạng chung của toàn xã hội khiến cử tri và nhân dân cả nước băn khoăn, quan tâm, lo lắng.

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long). Ảnh: Hồ Long

Trong đó, Chính phủ đánh giá những tháng đầu năm 2023 bình quân 1 tháng có 19,2 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường, không chỉ doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa gặp khó mà cả những doanh nghiệp lớn, đa ngành, đa lĩnh vực cũng đối diện với tình trạng thiếu đơn hàng, áp lực trả nợ lớn nên phải ngưng hoạt động, giải thể hoặc chuyển nhượng doanh nghiệp, bán cổ phần. Hệ lụy liền kề là người lao động bị giảm, giãn việc, mất việc diễn ra tại nhiều khu công nghiệp, trong số đó số người rút bảo hiểm xã hội một lần tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022. Thực trạng đó cho thấy trong giai đoạn này, cả doanh nghiệp và người lao động đang cần những chính sách hỗ trợ vượt trội.

Do đó, tôi đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đánh giá, dự báo các yếu tố ảnh hưởng, xu hướng vận động cũng như là khả năng phát triển của các lĩnh vực đầu tư kinh doanh để kịp thời điều chỉnh các cơ chế, chính sách về tín dụng, thuế, phí, lệ phí, đất đai, đầu tư kinh doanh. Ưu tiên nguồn lực và tạo động lực tăng trưởng để tăng khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn của doanh nghiệp gắn với chỉ đạo đẩy mạnh thanh tra công vụ. Nhìn thẳng, nói thật về những hạn chế, yếu kém trong nền hành chính công phụ hiện nay để nâng cao hiệu quả phối hợp. Khắc phục tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các ngành trong thực thi công vụ; đơn giản hóa thủ tục hành chính, không ban hành chính sách quy định mới làm phát sinh chi phí thủ tục, thời gian không cần thiết ở tất cả các lĩnh vực để doanh nghiệp có môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi, có điều kiện phục hồi, phát triển và tham gia thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.

Đề nghị Chính phủ cùng với việc chỉ đạo các ngành hữu quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các dự án luật có liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động. Cần chú trọng công tác đẩy mạnh các biện pháp thanh, kiểm tra chủ sử dụng lao động về việc chấp hành chính sách pháp luật về lao động, việc làm. Tăng cường đối thoại với người lao động để kịp thời gỡ khó, đảm bảo sự cân đối, hài hòa về quyền lợi, nghĩa vụ của doanh nghiệp và người lao động. Đặc biệt đề nghị Chính phủ và các ngành chức năng quyết liệt chỉ đạo triển khai các biện pháp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhất là các chính sách thí điểm ưu đãi tích hợp trong huy động vốn, tín dụng gắn với các chính sách về quỹ đất. Định hướng quy hoạch sử dụng đất, vị trí triển khai các dự án để đảm bảo đồng bộ về hạ tầng kiến trúc, góp phần hiện thực hóa Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030. Đây là một chương trình lớn mang tính nhân văn sâu sắc, giúp người lao động có thu nhập thấp an cư lạc nghiệp.

Nguyễn Bình ghi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/co-giai-phap-kha-thi-tiep-them-nguon-nang-luong-cho-doanh-nghiep-i330971/