Cô giáo cắm bản biến nhà thành thư viện

Là huyện miền núi khó khăn bậc nhất Nghệ An, nhưng huyện Tương Dương lại xây dựng được phong trào đọc sách rộng khắp, đến từng xã biên giới, vùng lòng hồ… Thư viện thân thiện không chỉ có trong các nhà trường mà còn được đưa về tận thôn bản và nhà giáo viên cắm bản.

Học sinh đọc sách tại thư viện thân thiện Trường Tiểu học Tam Thái, huyện Tương Dương, Nghệ An.

Học sinh đọc sách tại thư viện thân thiện Trường Tiểu học Tam Thái, huyện Tương Dương, Nghệ An.

Thư viện sách tại nhà cô giáo

Suốt mùa hè vừa qua, nhà cô giáo Kha Thị Hằng (bản Can, xã Tam Thái, huyện Tương Dương, Nghệ An) là nơi ghé thăm quen thuộc của Lô Tuấn Tú và các bạn. Tại đây, các em được thoải mái lựa chọn những cuốn sách theo sở thích của mình. Với cậu bé Tuấn Tú, em thích đọc truyện tranh Doreamon. Cuối buổi, em còn được mượn sách về nhà để tự đọc, tự học và chia sẻ với bố mẹ, anh chị. Nhưng Tú và các bạn vẫn thích đến nhà cô giáo hơn, vì ngoài đọc sách, các em còn được vui chơi cùng nhau, nghe cô giáo giải đáp những thắc mắc, những điều chưa hiểu.

Cô Kha Thị Hằng đã có gần 10 năm làm giáo viên cắm bản của Trường Tiểu học Tam Thái (huyện Tương Dương). Sau đó lập gia đình tại xã này và sinh sống ở bản Can. Cũng từ đó, cô gắn bó với các em nhỏ và người dân nơi đây như gia đình, quê hương thứ 2. Cô Kha Thị Hằng chia sẻ, ở xa trung tâm nên để mua một cuốn truyện là một điều khó khăn.

Hơn nữa, các em đều là người dân tộc thiểu số, đa phần thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Việc bố mẹ bỏ tiền ra mua sách cho con là điều xa xỉ. Bản thân cô cũng là người Thái, nên hiểu được những thiệt thòi của học sinh nơi đây. Vì thế, khi trường có chủ trương đưa sách về gia đình cô đã xung phong nhận nhiệm vụ này. Tuần nào, cô cũng đi từ bản lẻ ra trường chính để lấy và đổi sách. Cô cũng chú ý lấy nhiều thể loại để phù hợp với nhiều độ tuổi học sinh trong bản.

Trước đó, từ năm 2018, Trường Tiểu học Tam Thái đã khánh thành và đưa vào sử dụng Thư viện thân thiện với hơn 2.000 đầu sách. Những ngày hè, dù nghỉ học nhưng trường và thư viện không đóng cửa. Ngoài thủ thư, thì giáo viên chủ nhiệm cũng luân phiên nhau trực thư viện để cho học sinh đến đọc, tìm sách mượn về nhà. Em Hà Khánh Đăng (lớp 3) cùng chị gái Hà Khánh Đoan (lớp 6) hằng ngày vẫn đạp xe chở nhau từ bản Lụng đến trường đọc sách. Phòng dịch Covid-19, chị em Đăng và Đoan được cô giáo dặn không đi chơi xa, tiếp xúc với người lạ. Những cuốn sách trở thành người bạn thân thiết của cả 2 chị em trong suốt mùa hè.

Đối với các điểm trường lẻ, giáo viên bản địa sẽ đưa sách về nhà phục vụ học sinh. Trong năm học, hàng tuần Trường Tiểu học Tam Thái tổ chức cuộc thi vẽ tranh, kể chuyện theo sách. Mỗi lớp cũng sẽ có tiết đọc thư viện với nhiều hình thức khác nhau như đọc nghe chung, các thành viên trong lớp sẽ sắm vai các nhân vật trong truyện để kể chuyện... Qua những hoạt động này, học sinh cũng sẽ có thêm nhiều bài học thú vị, tăng thêm hiểu biết, và các kỹ năng khác.

Thư viện được đưa về nhà cô giáo Kha Thị Hằng, thu hút học sinh xung quanh đến đọc sách.

Không để trẻ dân tộc thiểu số “khát sách”

Cô Lê Hồng Quang – Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Xá Lượng (huyện Tương Dương) cũng là người trăn trở với từng cuốn sách cho học sinh. Ngoài xây dựng thư viện xanh, thân thiện ở trường, thì nhà riêng của cô Quang cũng là một thư viện nhỏ cho học sinh ở khu vực thị trấn Thạch Giám và cả các xã lân cận.

Tại nhà cô Quang, nhiều thùng sách liên tục được chuyển đến từ các tổ chức nhân ái. Phụ huynh cũng góp sức bằng cách chở sách từ bến xe đến nhà giúp cô giáo. Cô và giáo viên trong trường sẽ phân loại sách để phù hợp với từng lứa tuổi học sinh. Sau đó, mới chia về từng thư viện. Theo cô Quang: “Đọc sách cũng là một cách chính là tăng cường Tiếng Việt, giúp các em có thêm vốn từ, vốn kiến thức, hiểu biết đa dạng, nhất là với trẻ dân tộc thiểu số”.

Bà Võ Tuyết Chinh – Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tương Dương, Nghệ An cho biết, phong trào đọc sách, nhân rộng mô hình thư viện thân thiện, mở cửa thường xuyên được triển khai liên tục 3 năm qua. Ban đầu, chỉ có một số trường triển khai như Tiểu học Thị trấn, Tam Hợp, Tam Đình, Yên Thắng… Mục đích tạo thói quen và ý thức đọc và làm theo sách của học sinh. Hạn chế chơi game online, chơi điện thoại hay trốn nhà đi tắm sông suối nguy hiểm…

Sau đó, phong trào tổ chức đọc sách cho trẻ em được nhân rộng đến nhiều địa phương trong huyện. Phòng cũng kêu gọi, kết nối với các nhà hảo tâm, các trường miền xuôi và tổ chức nhân ái để xin thêm nguồn sách về cho học sinh. Đến năm 2020, thư viện trường học thì các thư viện gia đình, thư viện thôn bản đã được triển khai hiệu quả ở hầu khắp các xã trong huyện. Ngoài thư viện trong nhà trường, nhà giáo viên, còn có thư viện đặt tại nhà văn hóa cộng đồng.

Thư viện này do phụ huynh cùng tổ chức thiện nguyện hỗ trợ. Tại xã biên giới Tam Hợp (huyện Tương Dương), trong dịp hè, đoàn xã đã phối hợp với đội Sinh viên tình nguyện đến từ các trường đại học lập “Thư viện ngày hè” và tổ chức các lớp học Tiếng Anh cho học sinh trong xã. Đồng thời, tổ chức chương trình sinh hoạt chuyên đề như “Phòng chống đuối nước và tai nạn thương tích”, “Phòng chống xâm hại trẻ em” thu hút cả học sinh và phụ huynh tham gia.

Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Tương Dương, Nghệ An, ngoài sự nhiệt tình của giáo viên, thì địa phương, đoàn thể xã hội cũng quan tâm, chăm lo phát triển thư viện sách. Hiệu quả thiết thực, ý nghĩa các thư viện được nhiều tổ chức nhân ái ghi nhận và tiếp tục gửi tặng sách cho Tương Dương.

“Chúng tôi cũng quán triệt với các trường, dù “khát” sách, nhưng không tiếc với học sinh. Các em đọc tại chỗ hoặc mượn về nhà thoải mái. Nếu mất thì phòng, nhà trường, thầy cô tiếp tục đi xin. Vì nếu để trên giá thì chỉ là sách chết, không có giá trị”, bà Võ Tuyết Chinh – Phó phòng GD&ĐT Tương Dương, Nghệ An chia sẻ.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/co-giao-cam-ban-bien-nha-thanh-thu-vien-LgbTYFDGR.html