Cô giáo của lớp học 'Nét chữ xinh'

Bước chân vào Khoa Ung bướu, bệnh viện Nhi đồng 2, TP Hồ Chí Minh, ấn tượng đầu tiên trong mắt tôi là hình ảnh những đứa trẻ đầu trọc lóc, tay còn dính đầy băng gạc và tiếng khóc ré của bọn trẻ sau mỗi đợt truyền thuốc vọng lại ở cuối dãy nghe buồn rười rượi. Thế nhưng trong không gian bệnh tật ấy, có một lớp học hết sức đặc biệt, hoàn toàn miễn phí, lớp học không có mùa hè và chỉ bắt đầu vào những buổi chiều muộn, nơi mà sĩ số của lớp chưa bao giờ ổn định dù chỉ một ngày. Đó là lớp học tình thương 'Nét chữ xinh' do cô Lê Thị Mai đảm nhiệm.

Hình dáng của cô Mai đã trở thành nỗi mong mỏi mỗi ngày của những đứa trẻ mắc bệnh nan y. Ở tuổi ngoài 40, nhưng cô Mai lại rất nhanh nhẹn và trìu mến vô cùng trong vóc dáng mảnh mai, nho nhỏ của mình. Cô coi lớp học như ngôi nhà thứ hai. Dù ngày nắng hay ngày mưa, cứ sau một ngày tất bật công việc cá nhân và gia đình, cô đều tranh thủ đến bệnh viện để dạy học cho các em. Cô coi công việc này là niềm vui, niềm hạnh phúc và đam mê dành cho những đứa trẻ bất hạnh. Tất cả đều xuất phát từ tình thương con trẻ, đặc biệt là những đứa trẻ mang trong mình căn bệnh ung thư quái ác chẳng thể đến trường.

 Cô Lê Thị Mai đến giường bệnh phát quà cho các em trong đêm Giáng sinh.

Cô Lê Thị Mai đến giường bệnh phát quà cho các em trong đêm Giáng sinh.

Là một mạnh thường quân gắn bó và hỗ trợ cho các bé bệnh nhi ung thư nhiều năm qua, cô Mai hiểu được nguyện vọng đến trường của các bé và giúp cho các bé quên đi cơn đau đến từ những khối u và sau những lần xạ trị. Cô muốn những con chữ, tình yêu thương của mình là những” liều thuốc” giảm đau, mang lại niềm tin, khát vọng sống để chống lại bệnh tật của con trẻ. Lớp học này được thành lập vào cuối năm 2017. Lớp học như một sân chơi, một niềm cổ vũ động viên lớn lao khiến không khí của khoa tươi mới hẳn. Có lớp, các bé phải điều trị lâu dài trong bệnh viện có thể duy trì việc học tập và cô Mai trở thành người mẹ thứ hai của chúng.

Tham gia một buổi học cùng các em, tôi mới thấy được sự tận tụy đó của cô. Trong căn phòng nhỏ lổm chổm những cây truyền thuốc, tiếng í ới của những đứa trẻ gọi cô nghe chừng thân thương vô cùng. Cô đến từng bàn, cầm tay cho từng em viết tròn chữ, dạy các em cách tính số, dạy tiếng Anh và cả những kỹ năng mềm để chăm sóc cơ thể mình. Không chỉ vậy, cô còn chu đáo tới mức tất cả đồng dùng học tập của các em, cô đều chọn những thứ nhẹ và an toàn nhất.

Nhìn cô Mai giảng bài, tôi cứ ngỡ như đang xem một diễn viên múa tài ba. Đôi tay mềm mại của cô uốn lượn theo từng câu nói chứa chan. Gương mặt tươi như hoa nở, cùng thân hình đung đưa, truyền cảm, cô Mai như mang cả một thế giới tình thương đến cho các cháu bị bệnh nặng. Trong những câu nói, nụ cười của cô, đều toát lên sự chia sẻ, động viên vô bờ bến, để các em và người thân cảm thấy như đây không phải là phòng bệnh, mà là nơi để gửi gắm niềm tin và động lực vươn lên.

Sau mỗi buổi học, cô Mai lại phát cho các bé quà bánh như một phần thưởng nhỏ cổ vũ tinh thần. Cô chia sẻ: “Mình chỉ mong lớp học sĩ số ngày một ít đi, như vậy các con nhanh khỏi bệnh để được về nhà. Nhìn các con đau mình cầm lòng không nổi”. Cô lấy lớp học làm động lực, còn tụi trẻ lấy đó làm niềm vui, những tiết học ngắn ngủi đó đã góp phần khích lệ phát triển tư duy của các em, cũng là một cách để ngăn chặn sự phát triển của những căn bệnh quái ác đang làm đau thể xác và cả tinh thần của các em mỗi ngày.

Cô Mai từng tâm sự với tôi rằng: “Sợ nhất là mỗi lần có bé không thể thắng nổi bệnh tật mà ra đi. Điều này xót xa vô cùng, chứ không phải sợ bản thân không cáng đáng nổi lớp học này”. Không biết đã bao nhiêu lần cô rơi nước mắt tiễn biệt những đứa trẻ đáng thương, rồi lặng thầm lưu giữ kỷ vật của các bé như một cách ghi nhận sự tồn tại của những thiên thần đáng yêu trên cõi đời này. Những kỷ vật ấy đơn giản chỉ là cuốn vở, cây viết các bé từng sử dụng, được xếp ngay ngắn trên kệ sách đặt tại phòng học. Trong một lần tổ chức sinh nhật hàng tháng cho các bé, tôi thấy cô buồn rười rượi, sau màn thổi nến cô lại lén lau nước mắt mình. Cô nói với đám trẻ: “Cô không biết còn được tổ chức sinh nhật cho các con bao nhiêu lần nữa”.

Cô Lê Thị Mai dạy các em bó hoa nhân ngày Nhà giáo Việt Nam.

Một lần, cô Mai đã rưng rức nước mắt khi kể cho tôi nghe việc học sinh gắn bó với cô lâu nhất là bé N.H.H đã vĩnh biệt thế giới này. Cô xúc động nói trong tiếng nấc: “Mình hứa cho bé đi dã ngoại ở Vũng Tàu vì bé ước được một lần đi biển, vậy mà chưa kịp thực hiện thì bé đã ra đi”. Đêm trước ngày ra đi, bé không ngừng nhắc đến lớp học của cô Mai, bé muốn ở bệnh viện để được học với cô chứ không muốn bệnh viện trả về nhà. Mỗi lần như thế những cái tên quen thuộc trong lớp dần vắng đi, nó lại chích vào lòng cô một niềm đau khôn tả. Nhưng không vì những sự mất mát ấy mà cô nản chí, cô lấy đó làm động lực để chia sẻ với các con nhiều hơn và dành cả tâm huyết của mình để cùng các con chiến đấu với bệnh tật.

Câu chuyện của cô Mai như nối dài bất tận giữa muôn trùng cảm xúc. Những đứa trẻ ung thư phần lớn sẽ đi về cuối con đường bằng cách này hay cách khác, nhưng cô Mai dạy chữ cho các con là một cách để chăm sóc tâm hồn chúng sau những cơn đau thấu xương thấu thịt. Tôi không tin vào những câu chuyện cổ tích, nhưng tôi tin bà tiên là có thật và cô Mai là một trong số những bà tiên đó. Sự hy sinh thầm lặng của cô vẫn thường trực hàng ngày trên gương mặt, nụ cười và cả những bài giảng của cô. Bà tiên, mẹ, cô giáo… tôi chẳng biết phải gọi cô bằng danh từ nào cho đúng, bởi tất cả đang hội tụ đủ trong cô cùng với tình thương ngàn vàng cô dành cho những đứa trẻ kém may mắn đó.

Lớp học “Nét chữ xinh” như một ngọn nến sáng và cô Mai chính là người đốt lên ngọn lửa đó. Từng ngày, từng tháng một phần nào đó giúp các em đến gần hơn với khúc ca khải hoàn chiến thắng bệnh tật. Những điều mà các em học ở đây là những động lực được tiếp thêm từ người mẹ thứ hai. Người mẹ ấy đã giúp các em có thêm không gian để vui chơi, để hy vọng và bỏ mặc ngoài kia những ống kim chích thuốc, những cơn đau, những khối u tàn ác, để một ngày sớm trở về với cuộc sống thường nhật mà các em đáng được có. Những điều tử tế mà cô Mai đã và đang thầm lặng từng ngày từ lớp học, là đóa hoa tỏa sáng giữa đời thường, giữa Khoa Ung bướu Huyết học Bệnh viện Nhi đồng 2 hôm nay và ngày mai.

Bài, ảnh: LÊ CÚC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/cuoc-thi-viet-noi-theo-guong-sang-bac-ho/co-giao-cua-lop-hoc-net-chu-xinh-611739