'Cô giáo đánh hàng loạt học sinh ở Hải Phòng có thể bị xử lý hình sự'

Luật sư Đặng Văn Cường nhận định hành vi giáo viên đánh hàng loạt học sinh là vi phạm pháp luật, bạo lực học đường, không thể chấp nhận được trong xã hội ngày nay.

Cô giáo đánh, quát tháo học sinh trong giờ kiểm tra Trong giờ kiểm tra, cô Trang nhiều lần dùng thước đánh vào người, tát tai học sinh.

Mới đây, mẹ của học sinh lớp 2, trường Tiểu học Quán Toan, Hải Phòng, đăng clip ghi cảnh cô giáo chủ nhiệm Trần Thị Trang liên tiếp tát học trò trong giờ kiểm tra, khiến nhiều người phẫn nộ.

Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội, cho rằng việc cô giáo đánh hàng loạt học sinh là phản giáo dục, có thể gây hệ lụy lâu dài. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, bạo lực học đường, không thể chấp nhận được.

Về trách nhiệm pháp lý, ông Cường cho rằng học sinh có 1%-2% thương tích, cô giáo có thể bị khởi tố về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại điều 134 Bộ luật Hình sự (hành vi là gây thương tích cho người dưới 16 tuổi và gây thương tích cho người mà người phạm tội có trách nhiệm giáo dục... ).

Nếu hành vi đánh đập, sỉ nhục, xúc phạm học sinh diễn ra thường xuyên khiến nạn nhân bị tổn thương nặng nề về tâm lý, dù không có tỷ lệ phần trăm thương tích, vẫn có thể khởi tố hình sự về tội hành hạ người khác.

Trường hợp hành vi và hậu quả không đủ dấu hiệu cấu thành hai tội danh nêu trên, vẫn có thể xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP và tiến hành các biện pháp kỷ luật viên chức theo quy định pháp luật.

Chân học sinh bầm nhiều chỗ do cô Trang đánh.

Chân học sinh bầm nhiều chỗ do cô Trang đánh.

Theo luật sư này, hiện nay, việc khen thưởng và kỷ luật học sinh được áp dụng theo quy định tại Thông tư số 08/TT, ngày 21/3/1988 của Bộ GD&ĐT. Theo đó, chỉ có 5 hình thức kỷ luật đối với học sinh. Giáo viên chỉ được thực hiện hình thức kỷ luật cảnh cáo. Các hình thức kỷ luật khác do hội đồng kỷ luật và hiệu trưởng nhà trường quyết định.

"Trong các hình thức kỷ luật đó, không có hình thức nào cho phép giáo viên được phép đánh đập, chửi bới, xúc phạm danh dự nhân phẩm của học sinh", ông Cường khẳng định.

Bởi vậy, ngoài hình thức cảnh cáo, hành vi mắng chửi, đánh đập, sỉ nhục học sinh là vi phạm pháp luật, thể hiện sự tùy tiện và bất lực, thiếu năng lực của giáo viên.

Khi xã hội càng phát triển, quyền trẻ em càng được pháp luật ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ. Việt Nam là một trong các quốc gia tham gia công ước về Quyền trẻ em từ rất sớm. Để thực hiện công ước về Quyền trẻ em, chúng ta có Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004, nay là luật trẻ em năm 2016.

Kết quả nghiên cứu về tội phạm học và xã hội học hành vi cho thấy bạo lực, bạo hành đối với trẻ em mang lại những hậu quả, hệ lụy lâu dài, như: Trẻ cảm thấy sợ hãi, tự ti, thiếu tự tin trong cuộc sống. Bạo hành cũng khiến học sinh quen với bạo lực, sẵn sàng sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề, nuôi dưỡng tính cục cằn, thô lỗ và thiếu sự tôn trọng bản thân mình, cũng như người khác.

Giáo viên là nghề nghiệp đòi hỏi nhiều đức tính đặc thù, trong đó, ngoài trình độ chuyên môn, các phẩm chất khác rất cần thiết như đạo đức, kỹ năng nghiệp vụ sư phạm. Thầy cô không được phép áp dụng các hình thức kỷ luật ngoài luật, ngoài nội quy, quy chế của nhà trường.

Quyên Quyên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/co-giao-danh-hang-loat-hoc-sinh-o-hai-phong-co-the-bi-xu-ly-hinh-su-post946985.html