Cô giáo giàu nghị lực

Cô giáo Nguyễn Thị Hạ, Trường THCS Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trên đường đi làm không may bị tai nạn giao thông, mất một chân. Tưởng rằng, sau đó cô sẽ bị sốc, không thể tiếp tục với sự nghiệp 'trồng người', nhưng với nghị lực, lòng yêu nghề, cô đã vượt qua mọi khó khăn, vất vả, không chỉ làm tốt công tác dạy học mà còn làm nhiều việc tốt, được các thầy giáo, cô giáo và học sinh ngày càng tin yêu, quý mến, ngưỡng mộ.

Cô giáo Nguyễn Thị Hạ trong giờ dạy môn Toán.

Cô giáo Nguyễn Thị Hạ trong giờ dạy môn Toán.

Đến Trường THCS Phúc Diễn, chúng tôi được biết, năm 2013, trên đường đi dự tiết chuyên đề Toán ở trường bạn, cô giáo Nguyễn Thị Hạ không may gặp tai nạn, mất chân phải. Tuy nhiên, cô đã vượt qua khó khăn, cố gắng đến lớp với đôi chân không lành lặn, tiếp tục dạy học với lòng yêu nghề và nhiệt huyết tràn đầy.

Nhớ lại ngày bị tai nạn, cô giáo Nguyễn Thị Hạ cho biết, cảm giác khi đó rất sốc vì bị cưa mất một chân. Lúc đó nghĩ đời mình như vậy là chấm hết, sẽ là gánh nặng cho gia đình, nhà trường, nhưng nếu không tập đi chân giả, không tiếp tục giảng dạy thì không chỉ bản thân, gia đình suy nghĩ khổ tâm mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống sau này. Sau một năm nghỉ dạy học để điều trị, hồi phục và tập đi, khi đến trường, cô được học trò, đồng nghiệp chào đón, quan tâm trở thành động lực để bản thân cô cố gắng. “Đến nay, việc đi lại của tôi còn khó khăn, nếu không để ý vẫn ngã. Những ngày đầu đi làm, tôi được chồng chở đi, sau đó tập đi xe đạp điện. Mới đây, tôi đã mua chiếc xe ba bánh, việc đến trường vì thế cũng thuận tiện hơn, không bị ngã như trước. Tuy nhiên, nhiều khi thay đổi thời tiết, việc đi lại cũng khó khăn do đau nhức chân, nhưng nghĩ đến niềm vui trong công việc thì mọi vất vả, đau đớn cũng bị xua tan”, cô Hạ giãi bày.

Học sinh Nguyễn Minh Thu, lớp 9A4 tâm sự: “Cô Hạ là người rất quan tâm học sinh. Mỗi lần em hoặc các bạn học tăng cường (ôn thi) ở trường về muộn, cô thường gọi điện cho gia đình hỏi em đã về đến nhà an toàn chưa, rồi kiểm tra việc học hành của em như thế nào. Em học được ở cô nghị lực vượt qua khó khăn, từ đó thường xuyên giúp đỡ những bạn học kém hơn mình để tất cả cùng tiến bộ”. Chia sẻ về đồng nghiệp của mình, cô giáo Nguyễn Thị Vi Dân, giáo viên môn Sinh học cho biết: “Những người có hoàn cảnh như cô giáo Hạ tôi nghĩ chỉ “gặp” được trên sách, báo, vậy mà chúng tôi lại gặp ở đời thường, ngay trong “ngôi nhà” chung là Trường THCS Phúc Diễn. Chị là giáo viên dạy Toán, đại diện cho mẫu người thật thà, chất phác, cần cù và tốt bụng”.

Cô Nguyễn Thị Loan, Hiệu trưởng Trường THCS Phúc Diễn cho biết: “Giai đoạn đầu, các thầy cô cũng sốc, nhưng sau một thời gian cô Hạ đã chứng minh được nghị lực, phấn đấu vượt qua hoàn cảnh khó khăn và làm rất tốt công việc. Chân bị như thế nhưng cô chưa bao giờ xin phép nghỉ vì bất cứ lý do gì. Những công việc gia đình cô sắp xếp chu toàn, luôn bảo đảm tốt công việc chuyên môn. Là cán bộ quản lý, tôi cảm nhận được từng anh, chị em về các mặt khác nhau. Có người khi có công việc gia đình thì xin phép nghỉ. Nhưng với cô Hạ, có việc thì tự sắp xếp. Đó là nghị lực mà bản thân tôi và cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường học được rất nhiều. Mặc dù việc đi lại gặp nhiều khó khăn, nhưng cô không quản ngại sớm tối, luôn sát cánh đồng hành với các em học sinh trong thời gian ôn thi căng thẳng, mệt mỏi. Không những thế, hằng năm cô đều sắp xếp thời gian dạy tăng cường miễn phí cho học sinh. Chỉ tính riêng năm học 2018 - 2019, cô đã dạy phụ đạo ngoài giờ miễn phí cho 27 học sinh yếu kém với 105 buổi (210 tiết); tăng cường miễn phí ôn thi vào lớp 10 ngoài giờ cho 52 học sinh với 180 tiết. Nhiều lần cô đến tận nhà những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vận động các em tiếp tục đến lớp; động viên gia đình không để con bỏ học giữa chừng. Với những việc làm thiết thực, ý nghĩa, cô được thành phố Hà Nội vinh danh danh hiệu “Người tốt, việc tốt năm 2019”.

Long Thành

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/tin-tuc/item/43464302-co-giao-giau-nghi-luc.html