Cô giáo phạt học sinh ngậm bút chì và chuyện đẩy đưa quá xa của truyền thông

Một sự việc tưởng chừng rất bình thường, không có gì nghiêm trọng lại trở thành tâm điểm bình luận trong giới giáo viên và nhiều bậc phụ huynh ở Huế những ngày gần đây.

Cô Phan Thị Hương Lan, người rơi vào “tâm điểm” dư luận dẫu cô đã nhận được sự cảm thông của đa số phụ huynh - Ảnh: Nhật Lam

Chuyện từ một hình phạt

“Nhân vật chính” trong sự việc nói trên là cô giáo Phan Thị Hương Lan, giáo viên dạy thể dục khối 5 của Trường tiểu học Lê Lợi.

Chiều ngày 26.9, trong tiết học thứ 2 môn Anh văn của lớp, cô giáo phụ trách môn phải đi khảo sát tuyển chọn học sinh (HS) giỏi đầu năm nhưng do thời gian vượt dự kiến nên lãnh đạo nhà trường đã điều động cô Lan đến giữ lớp 1/5.

Thoạt thấy cô Lan không phải cô giáo dạy mình nên các em gọi cô là “o”, là “dì”. Sau khi giải thích mình thay thế tạm thời trong khi cô giáo bộ môn đi có việc đột xuất, để ổn dịnh lớp, cô Lan biểu các HS lấy sách Anh văn ra tô màu.

Được một lúc, HS vẫn tiếp tục nói chuyện, thậm chí, chọc ghẹo, lấy bút chọc nhau rất nguy hiểm. Sợ mất an toàn, lại ảnh hưởng đến các lớp xung quanh, cô Lan đã yêu cầu HS lớp bỏ bút chì theo chiều ngang vào miệng và bảo các em ngậm lại.

“Việc làm này chỉ diễn ra trong khoảng 2 -3 phút chứ không phải trong cả tiết học như các báo nêu. Vừa làm tôi vừa nói với học sinh là em nào nói chuyện thì bút sẽ rơi vì mở miệng ra. Các em cũng vui vẻ làm theo vì nó chỉ như 1 trò chơi; có em còn tố: cô ơi bạn này không làm, bạn kia không làm”, cô Lan kể.

Sự việc như vậy, nhưng sau khi về nhà được nghe con mình kể lại, bố một HS đã đăng một status (dòng trạng thái) trên trang Facebook cá nhân nặng lời. Status gây bất ngờ với chính nhiều phụ huynh, khi vừa chế giễu nhà trường, vừa nói cô giáo cho HS “một bài học xương máu” và đòi lấy bút cắm vào miệng “cái con này” (cô giáo).

Dòng trạng thái với những lời lẽ khó tin từ một bậc phụ huynh - Ảnh: CTV

Sau khi status nói trên được đăng, cô Lan đã gọi điện cho vị phụ huynh giải thích, xin lỗi và status cũng được tháo gỡ. Cô Lan cũng gặp đại diện Hội cha mẹ HS lớp 1/5 (1 người) để xin lỗi khi thực hiên một biện pháp không tốt, nhưng Hội cha me HS lớp 1/5 cho rằng sự việc không quá nghiêm trọng, không có gì phải xin lỗi, chỉ mong cô rút kinh nghiệm.

Những tưởng sự việc chỉ dừng lại ngang đó, nhưng một “cơn bão” truyền thông ập đến đưa tin “Cô giáo xin lỗi phụ huynh do bắt HS ngậm bút chì”.

Điều đáng lạ là dù chưa yêu cầu nhà trường, giáo viên liên quan báo cáo sự việc; cũng chưa lập đoàn kiểm tra đánh giá sự việc một cách toàn diện, có tình có lý, nhưng ông Phan Nam, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo TP.Huế lại trả lời với báo chí khẳng định liên quan đến việc làm của cô Lan, ngoài việc nhà trường phải xin lỗi, thì “theo chỉ đạo của phòng”, cô Lan sẽ bị xử lý kỷ luật với mức “nhẹ nhất cũng bị khiển trách”.

Sau “cơn bão” truyền thông, những phát biểu của ông Nam đã giáng thêm một sự lo toan, bất an cho không chỉ cô Lan mà còn giáo viên, lãnh đạo Trường tiểu học Lê Lợi.

Điều này không hề hợp với một vị quản lý giáo dục một thành phố nổi tiếng về văn hóa - giáo dục như TP.Huế khi xử lý một vấn đề nhạy cảm!

Đấy là chưa nói những bản “kỷ luật miệng” khi chưa nhận báo cáo, giải trình và đánh giá đầy đủ diễn biến tính chất một sự việc như thế, vô hình trung khiến người khác dễ nghĩ sự cường quyền có sẵn trong tư duy lãnh đạo ngành giáo dục TP.Huế.

Hội phụ huynh bảo vệ giáo viên

Từ một người biết nhận lỗi trước sự việc mà tự cô cho rằng như thế là sai, là không tốt với học sinh, cô đã trở thành “nạn nhân” của cái gọi là “bạo hành học đường” hay “phản giáo dục”.

Không chỉ cô Lan, rất nhiều giáo viên Trường tiểu học Lê Lợi cũng tỏ ra hoang mang, lo lắng khi suy nghĩ biết đâu một mai kia họ cũng “lên báo”, bị kỷ luật như đồng nghiệp bởi một sự việc chưa đến mức chịu hậu quả nặng nề như thế.

Riêng cô Lan thì buồn đến mức muốn nghỉ việc. Tuy nhiên, những người hiểu biết sự việc thì không chỉ chia sẻ, cảm thông mà còn bảo vệ cô Lan.

Trong hàng ngàn commemt (bình luận) bình luận về sự việc “Bắt HS ngậm bút chì”, phần lớn là chia sẻ, cảm thông với cô Lan. Thậm chí, nhiều ông bố bà mẹ lấy chuyện sự trưởng thành của bản thân từ những hình phạt nghiêm khắt lẫn khắt khe của thầy cô giáo dành cho họ trước đây để nói rằng sự cứng rắn với HS đôi lúc là cần thiết.

Trường tiểu học Lê Lợi - một trong những ngôi trường điểm của TP.Huế - Ảnh: Nhật Lam

Chị Hải Lý, một người mẹ trẻ đang sống và làm việc tại Đà Nẵng nêu ý kiến: “Là phụ huynh, tui ủng hộ GV nghiêm khắc, nhưng đừng lợi dụng để 'hà khắc', thậm chí 'nhẫn tâm' với học sinh”.

Còn ông Nguyễn Đoàn Hải, Hội trưởng Hội cha mẹ HS lớp 1/5 thì cam đoan rằng đến 99% phụ huynh của hội không yêu cầu cô Lan xin lỗi, cũng không quá bức xúc vì việc cô giáo cho HS ngậm bút chì ngang miệng và chỉ diễn ra 2 - 3 phút là không đến mức nghiêm trọng. Ông Hải cũng tỏ ra bất ngờ là báo chí lại “đổ dồn” đưa tin về sự việc, trong khi chính họ xem sự việc là bình thường, không khiếu nại gì, không cung cấp thông tin gì cho báo chí; trong khi nếu có tổn thương thì con em họ và họ mới là người lên tiếng đầu tiên!?

Thông tin mới nhất mà Một Thế Giới nhận được thì trước diễn biến sự việc đi quá xa, gây tổn thương cho nhà trường, giáo viên trường cũng như ảnh hưởng đến công tác giáo dục nói chung, Hội cha mẹ HS lớp 1/5 Trường tiểu học Lê Lợi đã họp bàn, thống nhất sẽ kiến nghị nhà trường, lãnh đạo Phòng GD-ĐT TP.Huế theo hướng bày tỏ những bất bình với những thông tin thiếu chính xác gây tổn thương cho giáo viên, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của nhà trường và cả hội cha mẹ HS lớp 1/5.

Nhật Lam

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/giao-duc-c-69/cau-chuyen-giao-duc-c-108/co-giao-phat-hoc-sinh-ngam-but-chi-va-chuyen-day-dua-qua-xa-cua-truyen-thong-97879.html