Cô giáo sáng tạo từ tiết trả bài

Không chỉ là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, mới đây cô Lê Thị Châu Dương - giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Trại Cau (Thái Nguyên) còn vinh dự được Bộ GD&ĐT công nhận là một trong những điển hình tiên tiến của ngành Giáo dục Quý IV/2017.

15 năm đứng trên bục giảng và 14 năm làm công tác chủ nhiệm, cô Dương cho rằng, đổi mới, sáng tạo không chỉ là quyền lợi, nghĩa vụ của giáo viên mà còn vì các em học sinh - những chủ nhân tương lai của đất nước.

Sáng tạo trong từng bài giảng

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có bố mẹ và chị gái là giáo viên nên ngay từ nhỏ, cô Dương đã mơ ước được làm cô giáo. Sau khi tốt nghiệp THPT, cô quyết tâm thi vào ngành Sư phạm Văn - Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Học xong cô vinh dự được trở về dạy học trên chính quê hương mình - ngôi trường cấp 3 Trại Cau thân yêu.

Thấm thoắt 15 năm trôi qua, cô Dương gắn bó với ngôi “trường làng” và dìu dắt, dạy dỗ biết bao thế hệ học trò. Có những em đã trở thành đồng nghiệp của cô. “Tôi yêu nghề dạy học trước hết bởi đó cũng là truyền thống gia đình: Cha mẹ tôi chị gái tôi đều là giáo viên. Tôi cảm nhận được sự kính trọng của lớp lớp thế hệ học trò đối với cha mẹ và gia đình mình, ngay cả với tôi” - cô Dương bộc bạch.

Chẳng thế mà chưa bao giờ cô hết nhiệt huyết và nản lòng với nghề mà cô đã lựa chọn. Mỗi bài giảng của cô là đều có những điều mới lạ, có khi là những kiến thức từ thực tiễn của cuộc sống, cũng có khi là những bức tranh minh họa, những câu chuyện đời thường... Tất cả đều bổ trợ cho bài giảng, giúp bài học không bị khô cứng và hấp dẫn, lôi cuốn học sinh hơn.

Cô Dương là một trong những giáo viên tích cực viết sáng kiến kinh nghiệm nhất của nhà trường. Cô cho biết: Trong tất cả các đề tài, sáng kiến kinh nghiệm của mình, cô tâm đắc nhất là sáng kiến “Một vài kinh nghiệm soạn giảng tiết trả bài tập làm văn trong chương trình Ngữ văn THPT”. Đây là sáng kiến cô viết gần đây nhất khi tham dự Hội thi “Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh các môn Khoa học tự nhiên và Quốc phòng an ninh năm 2017”.

Giúp học sinh từ sợ đến yêu thích môn Văn

Từ thực tế giảng dạy của bản thân cô Dương cho hay: “Khi tiếp nhận một lớp học từ THCS lên THPT, qua các bài kiểm tra, tôi thấy đại đa số học sinh hiện nay yếu về kĩ năng làm Văn, chưa biết vận dụng kiến thức làm Văn vào thực hành”. Từ thực tế trên tôi nhận thấy, cần phải có những “tiết trả bài thực sự”, phải chỉ rõ cho các em thấy những thiếu sót, hạn chế của mình để tiến bộ hơn trong học tập. Đây là lý do chính để tôi quyết định làm sáng kiến “Một vài kinh nghiệm soạn giảng tiết trả bài tập làm văn trong chương trình Ngữ văn THPT”.

Theo cô Dương, sáng kiến này đã phát huy hiệu quả vào thực tế. Các em học sinh có sự thay đổi, tiến bộ hơn trong các bài viết của mình. Bước đầu là khắc phục lỗi chính tả, sau dần là việc trình bày rõ ý, sạch đẹp hơn, biết sử dụng ngôn từ phù hợp và có giá trị biểu cảm hơn trong hành văn…

Cô Dương cho biết: Từ kết quả đầu vào tuyển sinh lớp 10, có em điểm môn Ngữ văn chỉ đạt 2,0 điểm, nhưng dưới sự hướng dẫn của cô, sau 3 năm học, khi thi THPT quốc gia, điểm môn Ngữ văn đã đạt điểm 5 - 6.

“Nhiều năm, kết quả thi THPT quốc gia môn Ngữ văn do lớp tôi phụ trách đều đạt và vượt mặt bằng chung của tỉnh, cũng như của cả nước. Từ tâm lí của một bộ phận học sinh chán học Văn, sợ học Văn, không tự tin khi viết Văn, nay các em đã đủ bản lĩnh đón nhận một đề thi và dự đoán được kết quả bài làm của mình. Tôi cho rằng đó là một sự thành công trong phương pháp, cách thức dạy của mình” - cô Dương bật mí.

“Tôi yêu nghề dạy học và cảm nhận được sự kính trọng của lớp lớp thế hệ học trò đối với cha mẹ và gia đình mình, ngay cả với tôi. Mỗi “chuyến đò” chở “khách” qua sông, tôi nhận lại được biết bao tình cảm yêu mến, kính trọng của học sinh và cha mẹ các em. Đó là món quà vô giá mà không tiền bạc, vật chất nào có thể mua được. Vì thế tôi chưa bao giờ hối hận khi chọn là một giáo viên”. Cô Lê Thị Châu Dương

Minh Phong

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/ket-noi/co-giao-sang-tao-tu-tiet-tra-bai-3924499-b.html