Cô giáo trẻ: 'Nghỉ ở nhà vì dịch, tôi sống dựa vào chồng'

Giáo viên, hướng dẫn viên du lịch, kinh doanh... hàng loạt các công việc bị tạm dừng do ảnh hưởng của Covid-19. Có người chấp nhận ở nhà, người lại mày mò tìm kiếm hướng đi mới.

Trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, UBND TP Hà Nội đã áp dụng nhiều biện pháp phòng dịch trong đó có việc thực hiện giãn cách, đóng cửa trường học, tạm dừng kinh doanh... Trước tình hình đó, nhiều người buộc phải nghỉ việc ở nhà hoặc tìm cho mình những lối rẽ khác để mưu sinh.

Trần Thị Ngân (25 tuổi) là giáo viên tư thục. Từ tháng 5 khi làn sóng dịch Covid-19 quay trở lại, cô phải nghỉ việc ở nhà. Trong lần dịch trước đó, khi trường học đóng cửa, Ngân nhận được khoản tiền hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng nhưng đến nay cũng không còn vì nhà trường gặp nhiều khó khăn.

Ngân tranh thủ soạn thêm giáo án, nhận dạy chỉnh ngọng hoặc trao đổi phương pháp dạy học cho các phụ huynh có con là trẻ tự kỷ. Tuy nhiên, công việc không ổn định khiến cô khó có thể giải quyết vấn đề thu nhập trong cuộc sống đắt đỏ ở Hà Nội.

Ngân và chồng thuê một căn nhà trọ khoảng 20 m2, thực phẩm cũng do bố mẹ ở quê gửi lên. "Thôi thì 'ăn bám' chồng tạm mấy tháng. Cũng may trong nhà chỉ có tôi thất nghiệp, nếu không hai vợ chồng chết đói mất", Ngân tếu táo đùa.

Giống với Ngân, DJ Trương Thanh Bình (24 tuổi) cũng nghỉ việc ngay từ những ngày đầu bùng dịch. Trước đó chàng trai này làm việc tại các quán bar nổi tiếng trên phố cổ Hà Nội. "Dịch mà đến thì quán bar đóng đầu tiên, mở sau cùng. Tôi cũng quen dần với điều ấy rồi", Bình nói.

Là một DJ tự do, đồng nghĩa Bình cũng nghỉ việc không lương. Để duy trì đam mê với âm nhạc của mình, ngày nào chàng trai 24 tuổi cũng ngồi vào bàn làm việc.

Ngoài việc sáng tác những bản nhạc mới, Bình chuyển qua sử dụng một số trang mạng xã hội để xây dựng hình ảnh cá nhân với mong muốn tìm thêm nhiều hướng phát triển cho công việc của mình.

Lương Minh Thành vừa quyết định chuyển từ Hưng Yên lên Hà Nội sinh sống để bắt đầu công việc tại chỗ làm mới. Tuy nhiên do tình hình dịch bệnh phức tạp, nơi làm việc này cũng tạm nghỉ. Hạn chế đi lại, Minh Thành chỉ còn cách chịu kẹt lại Hà Nội trong cảnh không có thu nhập. "Tôi cũng không lấy làm bất tiện, dịch bệnh nên ai cũng khó khăn cả. Thời gian rảnh này tôi sẽ phụ giúp bạn mình làm đồ thủ công. Sống chậm lại một chút cũng tốt", Minh Thành vui vẻ chia sẻ.

Quán cà phê của chị Hồng Oanh nằm ngay đường Xuân Thủy (Cầu Giấy). Đây vốn là nơi đông đúc sinh viên, dân văn phòng... Trước dịch, quán lúc nào cũng đông khách ra vào bởi những món đồ uống độc lạ, nhưng nay cũng trong cảnh thưa vắng.

Quán cà phê của chị Oanh cầm cự được đến bây giờ bởi mỗi ngày có vài chục đơn hàng bán mang về, nhưng cũng chẳng thấm thoát vào đâu so với giá thuê mặt bằng đắt đỏ.

Không có khách, bàn ghế nằm im một góc. "Tôi tính đến chuyện đóng cửa. Chắc chỉ trụ nổi hết tháng này", chị Oanh nói. Chị đang lên kế hoạch về việc chuyển hướng bán quần áo online tại nhà để giảm chi phí thuê mặt bằng và nhân viên.

Là một hướng dẫn viên du lịch, anh Minh Vũ mất việc từ cuối năm 2019 đến nay. Sau hơn nửa năm nghỉ ngơi ở nhà, anh quyết định mở quán bún riêu để kiếm thêm thu nhập cũng như lấp đi khoảng thời gian trống của mình.

Nhưng anh Vũ không ngờ đến rằng việc kinh doanh hàng ăn của anh cũng điêu đứng trước làn sóng Covid-19. Những ngày đóng cửa quán bún, anh Vũ sẽ tìm cho mình một vài công việc để khác: "Lúc này thì việc gì cũng là quý, tôi sẵn sàng làm bất cứ ngành gì, miễn sao có thể lao động bằng chính đôi tay mình", anh Vũ nói.

Thạch Thảo

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/co-giao-tre-nghi-o-nha-vi-dich-toi-song-dua-vao-chong-post1240866.html