Cô giáo trẻ say mê bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Thái

Ai đã từng một lần gặp gỡ, trò chuyện với chị Lộc Thị Ngăm – Giáo viên Trường mầm non Sơn Điện 1 (huyện Quan Sơn) sẽ lưu mãi trong lòng ấn tượng về hình ảnh người con gái Thái chân thành, mộc mạc, chịu thương chịu khó nhưng cũng không kém phần giỏi giang, bản lĩnh, hiện đại. Người con gái ấy luôn ôm ấp tình yêu, niềm tự hào, trân trọng về nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó không thể không kể đến văn hóa Thái. Quan trọng hơn tất thảy, bằng chính nỗ lực, phấn đấu và trải nghiệm của bản thân, vượt qua biết bao khó khăn, trở ngại, chị Ngăm đã biết biến tình yêu thành hành động thiết thực, góp một phần công sức nhỏ bé, chung tay gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa Thái.

Cô giáo Lộc Thị Ngăm

Quả thực, trong mắt bà con dân bản, đồng nghiệp, chị Ngăm là mẫu người phụ nữ “giỏi việc nước đảm việc nhà”, là “bông hoa” tươi thắm, ngát hương thơm của đại ngàn. Bản thân là giáo viên đứng lớp giảng dạy kiêm tổ trưởng chuyên môn của nhà trường, kiêm nhiệm chức vụ Bí thư Đoàn trường mầm non Sơn Điện 1, ở cương vị nào chị Ngăm cũng đều đạt thành tích tốt. Năm học 2018 – 2019, chị Ngăm đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”, “Công dân gương mẫu” do Chủ tịch UBND huyện khen tặng; danh hiệu “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” do công đoàn giáo dục huyện khen tặng. Ấy vậy mà, bạn bè của chị Ngăm kể: “Cô này là tham công tiếc việc lắm! Đi trường về là quần quật làm việc, hiếm khi nào nghỉ tay với đủ thứ việc, nào ruộng nương, nuôi cá, nuôi lợn, gà. Đêm về thì lại làm công việc yêu thích là biên dịch các loại truyện, ca dao, tục ngữ, vè, hát ru của dân tộc Thái mà cô ấy sưu tầm được sang tiếng phổ thông”.

Linh hoạt kết hợp kiến thức được truyền đạt thông qua các lớp học về văn hóa dân tộc, văn học dân gian, văn học miền núi mà chị đã tham gia; dày công lặn lội vào từng bản, làng để tìm tòi, nghiên cứu, cảm nhận, ghi nhận thực tiễn cuộc sống diễn ra bên mình, chị Ngăm chập chững bước những bước đi đầu tiên trên hành trình nghiên cứu văn hóa dân gian đầy gian nan, thử thách với đề tài – sáng kiến kinh nghiệm khối mầm non - “Giữ gìn bảo tồn văn hóa dân gian dân tộc Thái”. Mục đích của đề tài – sáng kiến kinh nghiệm này nhằm thông qua nhiều phương pháp, cách thức khác nhau giúp trẻ làm quen với giai điệu, hình thức diễn xướng, ý nghĩa của âm nhạc dân tộc mình. Từ sự gần gũi, hiểu biết nhất định sẽ vun đắp trong lòng trẻ tình yêu mến, trân trọng truyền thống, cội nguồn văn hóa dân tộc mà biết bao thế hệ cha ông đã dày công vun đắp, trao truyền. Sáng kiến kinh nghiệm của chị Ngăm được khối ngành toàn huyện Quan Sơn đánh giá cao. Không ngủ quên trong thành quả bước đầu, năm 2018, sau khi nghiên cứu kĩ càng điều lệ, xét lại bản thân thấy đủ điều kiện, chị Ngăm mạnh dạn viết đơn xin gia nhập Hội Dân tộc học và Nhân học huyện Quan Sơn. Sau thời gian tham gia sinh hoạt với hội, được sự động viên, khích lệ của BCH Hội, chị Ngăm tiếp tục say mê nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian và biên dịch một số truyện được đăng trong kỷ yếu hội.

Cô giáo Lộc Thị Ngăm tận tình chỉ dạy cho các em nhỏ từng làn điệu dân ca, điệu múa của dân tộc Thái.

Cô giáo trẻ Lộc Thị Ngăm luôn ấp ủ ước mơ, hoài bão đưa trẻ em đến gần hơn với văn hóa dân gian, tạo nền tảng duy trì và bảo tồn nền văn hóa truyền thống của dân tộc. Để làm được điều đó, sau mỗi giờ lên lớp, ngoài thời gian đọc, nghiên cứu sách vở, chị Ngăm còn lặn lội vào khắp các bản, làng nhỏ heo hút trò chuyện, hỏi han các bậc cao niên, già làng, người có uy tín về những câu chuyện kể, làn điệu múa, hát dân gian… Nhìn lại chặng đường đã đi qua và hành trình mà mình đang theo đuổi, chị Ngăm tâm sự: May mắn được sinh ra và lớn lên trong không gian văn hóa Thái, lại có người thân trong gia đình là thầy mo nổi tiếng khắp các bản. Chính điều đó đã giúp chị có được sự hiểu biết, nhận thức sâu sắc về giá trị văn hóa Thái. Từ hiểu biết mà yêu thích và cứ thế say đắm, đam mê tự lúc nào không hay. Kể lại những ngày lặn lội một mình vào khắp các bản, làng xa xôi của huyện Quan Sơn, chị Ngăm thủ thỉ tâm sự: “Vừa làm công tác chuyên môn của trường; vừa lo lắng, thu vén công việc gia đình, phát triển kinh tế nên thú thực mình cũng bận bịu, luôn tay luôn chân cả ngày. Nhưng cứ hễ lúc nào có thời gian rảnh ra một chút là mình lại tìm hiểu, sưu tầm, biên dịch các làn điệu dân ca, câu chuyện kể, điệu múa của đồng bào Thái”.

Cô giáo Lộc Thị Ngăm (ngoài cùng bên phải) cùng các bạn học viên nhận chứng nhận hoàn thành Lớp Bồi dưỡng sáng tác văn học trẻ và văn học miền núi năm 2019.

Bận bịu là thế, từ vùng núi rừng xa xôi là thế nhưng cô giáo trẻ Lộc Thị Ngăm luôn nuôi dưỡng trong lòng khát vọng được học hỏi, tiếp thu nhiều kiến thức mới mẻ, bổ ích để tiếp tục hoàn thiện mình hơn. Với lòng nhiệt huyết, tình yêu mãnh liệt dành cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Thái, chị Ngăm tích cực tham gia các lớp học, lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, sáng tác… Đó là duyên cớ tốt lành đưa chị Ngăm đến với lớp Bồi dưỡng sáng tác văn học trẻ và văn học miền núi do Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Thanh Hóa tổ chức vừa qua. Chị Ngăm tâm sự: “Ngay khi nhận được thông báo của Hội VHNT về thời gian, địa điểm cũng như đội ngũ giảng viên của lớp học, tôi và các bạn đã rất háo hức, muốn được tham dự ngay. Chẳng biết các bạn khác thì như thế nào chứ tôi trằn trọc mấy đêm liền. Được xuống phố đi học thì rất vui nhưng vì lớp học diễn ra trong suốt 1 tuần nên tôi vừa phải lo thu vén công việc giảng dạy, việc nhà cửa, ruộng nương, con cái....”. Tuy nhiên, ngần ấy công việc ngổn ngang, bề bộn và nỗi e dè khi phải di chuyển bằng xe máy vượt quãng đường gần 200 km từ vùng rừng núi xa xôi xuống phố thị cũng không ngăn cản được sự yêu thích, say mê, ham học hỏi của chị Ngăm và những người bạn đồng hành. Chị Ngăm tâm sự, trong đôi mắt ánh lên niềm vui: “Tôi cảm thấy mình rất may mắn khi được tham dự lớp học bổ ích này. 6 ngày học không dài nhưng đủ để cho tôi cảm nhận được tình cảm gắn bó giữa thầy và trò – những con người cùng chung tình yêu với văn học, văn hóa dân tộc nói chung và văn hóa dân tộc thiểu số nói riêng. Các thầy gần gũi như người cha bảo ban con gái, Những kiến thức thầy truyền đạt trong lớp học vừa uyên bác lại rất dễ hiểu, thực tế. Những kiến thức mà tôi đã tiếp thu được từ lớp học sẽ là hành trình cho tôi bước tiếp trên con đường viết văn, nghiên cứu, sưu tầm văn hóa sau này”.

Ngoài các hoạt động chuyên môn và tình yêu dành cho văn hóa Thái, cô giáo Lộc Thị Ngăm còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, hỗ trợ đồng bào bị lũ lụt

Câu chuyện vượt núi xuống phố để dành lấy cho mình cơ hội được học tập, mở mang, trau dồi kiến thức của chị Lộc Thị Ngăm và những người bạn cho thấy nỗ lực phấn đấu đáng học hỏi. Điều quan trọng là họ luôn có ý thức vươn lên trong công việc cũng như trong cuộc sống. Được tưới tắm trong mạch nguồn văn hóa đặc sắc, Lộc Thị Ngăm đang nỗ lực làm đẹp thêm cho chính bản, làng quê hương bằng chính tình yêu, niềm đam mê và vốn kiến thức chị đã dày công tích lũy.

Thảo Linh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nguoi-tot/co-giao-tre-say-me-bao-ton-phat-huy-gia-tri-van-hoa-thai/107869.htm